ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ COVID-19 cập nhật 2021
Tác giả: Dương Tú Nhi, Nguyễn Diễm Nhi
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một căn bệnh mãn tính rất phổ biến ở các nước đã phát triển và đang phát triển. Bệnh làm tăng nguy cơ tim mạch và tử vong. Người trẻ và người lớn tuổi, người ốm cũng như mập phì đều có thể bị mắc tiểu đường. Có 2 loại: ĐTĐ tuýp 1 và tuýp 2.
Phòng và trị bệnh tiểu đường, kiểm soát đường huyết là rất quan trọng để tăng cường sức khoẻ và tuổi thọ của bệnh nhân, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Việc điều trị ĐTĐ cần tuân thủ chỉ định của Bác sĩ và hướng dẫn của Dược sĩ lâm sàng.
Các hướng dẫn lâm sàng điều trị ĐTĐ được cập nhật trên website của chúng tôi. Có thể tham khảo theo link sau:
Phần 2. Phân loại và chẩn đoán: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường của Hoa Kỳ – ADA 2021
Phần sau đây sẽ nói về các biện pháp không dùng thuốc cho bệnh nhân tiểu đường. Ảnh hưởng của covid-19 và tác động của biến thể Omicon với bệnh nhân tiểu đường và cả xã hội nói chung.
I. Các biện pháp thay đổi lối sống được khuyến nghị bao gồm:
- Giảm cân. Giảm cân ở bệnh nhân tiểu đường type 2 có thừa cân hoặc béo phì giúp cải thiện việc kiểm soát đường huyết, HbA1c, các chỉ số lipid và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. [2].
- Thay đổi chế độ ăn uống [2]:
- Giảm lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống.
- Thay đồ uống có đường bằng nước thường xuyên.
- Người lớn bị tiểu đường hoặc tiền tiểu đường nên uống rượu ở mức độ vừa phải (một ly mỗi ngày đối với phụ nữ trưởng thành và hai ly trở xuống mỗi ngày đối với nam giới trưởng thành).
- Hạn chế ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.
- Thay thế carbohydrate tinh chế bằng thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt, tăng cường ăn rau và các loại thực phẩm giàu chất xơ khác [3].
- Tăng cường hoạt động thể chất. Dành hai tiếng rưỡi mỗi tuần cho hoạt động thể chất cường độ trung bình hoặc một giờ 15 phút tập thể dục cường độ cao [3].
Hoạt động thể chất cường độ trung bình bao gồm:
- Đi bộ nhanh
- Đạp xe trên địa hình tương đối bằng phẳng
- Thể dục nhịp điệu dưới nước
- Đi bộ đường dài
- Trượt patin
Hoạt động thể chất cường độ cao bao gồm:
- Chạy bộ
- Bơi đường dài
- Đạp xe địa hình leo dốc
- Bóng đá
- Thể dục dụng cụ
- Nhảy dây
- Ngừng hút thuốc lá [4]. Ngừng hút thuốc làm giảm huyết áp, giảm nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường và làm giảm mức cholesterol và chất béo lưu thông trong máu, giúp làm chậm sự tích tụ chất béo mới trong động mạch.
- Hạn chế lượng muối ăn.
- Kiểm soát căng thẳng [5]. Giảm mức độ căng thẳng sẽ giúp giảm cơ hội phát triển các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường như bệnh tim, đột quỵ, tăng huyết áp và các tình trạng sức khỏe tâm thần. Có một số hoạt động giúp giảm bớt cảm giác căng thẳng, bao gồm:
- Tập thể dục thường xuyên
- Đi nghỉ mát
- Nghe nhạc
- Tập yoga và các bài tập thở
- Thiền chánh niệm
- Giữ một thời gian biểu đều đặn, tránh làm việc quá sức và có một giấc ngủ ngon [6].
II. ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG THỜI KỲ COVID-19 CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?
Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, bệnh nhân đái tháo đường cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe cũng như cách phòng chống. Đái tháo đường được xem là một bệnh nền khá phức tạp, có thể gây ra những diễn tiến khó lường nếu bệnh nhân không may nhiễm virus SARS-CoV-2. Vậy nhóm bệnh nhân này cần phải lưu ý những gì?
- Khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2 của bệnh nhân đái tháo đường?
Theo các dữ liệu hiện tại, bệnh nhân đái tháo đường dường như không tăng nguy cơ mắc phải SARS-CoV-2 so với dân số chung. [4]
Tuy nhiên, đái tháo đường lại là một yếu tố nguy cơ phát triển thành các dạng COVID-19 nghiêm trọng. Các trường hợp nghiêm trọng này có thể cần đến việc nhập viện chăm sóc đặc biệt và/hoặc sử dụng máy thở xâm lấn, với tỷ lệ tử vong cao. [5]
Bệnh nhân đái tháo đường khi nhiễm COVID-19 có khả năng gặp những biến chứng nào?
Hệ miễn dịch của người bệnh đái tháo đường thường suy giảm, dẫn đến bệnh nhân dễ mắc các bệnh thông thường kèm theo, đây cũng là lí do bệnh nhân bệnh đái tháo đường khi nhiễm virus SARS-CoV-2. [7]. Biến chứng nặng như Hội chứng suy hô hấp ở người lớn (ARDS) và suy đa cơ quan thậm chí dẫn đến tử vong nếu tình trạng đường huyết không được kiểm soát tốt. Đường huyết cao ở những bệnh nhân này trong thời gian nhiễm COVID-19 sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loại virus phát triển.
Vì vậy, người bị bệnh đái tháo đường trong đại dịch COVID-19 tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm hơn so với dân số chung.
- Vậy chúng ta cần làm gì để bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân đái tháo đường cũng như ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp?
Bệnh nhân đái tháo đường trong thời kỳ dịch bệnh nên hạn chế ra ngoài, nơi đông người. Bên cạnh đó, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh cơ thể và nơi ở, luôn mang theo khẩu trang khi ra ngoài.
Tăng tần suất theo dõi glucose huyết hàng ngày để đảm bảo kiểm soát tốt chỉ số glucose huyết. Bệnh nhân nên xét nghiệm COVID-19 nếu có các triệu chứng như sốt, khó thở. Đối với bệnh nhân đái tháo đường type 1, đặc biệt là bệnh nhân có đang nhiễm virus SARS-CoV-2 nên tiến hành các thử nghiệm ceton, liên hệ nhân viên hoặc cơ sở y tế nếu có tình trạng tăng ceton.
Duy trì thói quen ăn uống dành cho bệnh nhân đái tháo đường để ổn định lượng glucose huyết và tăng cường sức khỏe cho bản thân. Bệnh nhân đái tháo đường bị nhiễm COVID-19 nên hạn chế tối đa các loại thức ăn chứa nhiều đường và chất béo (…), ăn nhiều rau xanh và uống nhiều nước mỗi ngày.
Tiêm phòng COVID-19 và các loại cúm, phế cầu hằng năm cho bệnh nhân đái tháo đường.
Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn, thường xuyên để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng của bản thân. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, hạn chế việc tập thể dục ngoài trời, nên tập các bài tập tại nhà như tập với phản lực, kéo dây thun, đi bộ trên thảm, đạp xe trong nhà.
Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái. Tránh lo âu, sợ hãi, căng thẳng, đây cũng là các yếu tố có thể làm cho lượng glucose huyết tăng cao.
Đối với nhân viên y tế, nếu bệnh nhân đái thường mắc phải COVID-19, nên cân nhắc ngừng các thuốc điều trị đái tháo đường như Metformin và các thuốc nhóm ức chế SGLT2 do tăng nguy cơ nhiễm acid lactic và nhiễm toan ceton. Đảm bảo dự trữ, cung cấp đủ thuốc điều trị, kiểm soát đái tháo đường trong thời kỳ dịch bệnh.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung vẫn còn phức tạp, nhóm bệnh nhân với bệnh nền mãn tính là đái tháo đường cần đặc biệt cẩn trọng với các nguy cơ lây nhiễm và các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nhóm thực phẩm nào người tiểu đường nên hạn chế ăn?
Dinh dưỡng lành mạnh là yêu cầu tiên quyết trong việc quản lý hiệu quả bệnh tiểu đường. Do đó, bệnh nhân tiểu đường phải có một chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng để giữ mức đường huyết ổn định và tăng cường hệ thống miễn dịch. Vì vậy, cần hạn chế ăn các nhóm thực phẩm sau [7]:
- Thực phẩm giàu chất béo bão hoà (mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ, bơ, phô mai, sữa nguyên chất, kem tươi, mayonnaise,…). Chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol trong máu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim và đột quỵ.
- Thực phẩm giàu protein bao gồm thịt đỏ. Các thành phần của thịt đỏ đã qua chế biến, bao gồm chất béo bão hòa, sản phẩm cuối cùng của glycation nâng cao, sắt heme, nitrosamine, natri nitrit và các hợp chất nitrose, có thể có tác dụng độc hại đối với tế bào β tuyến tụy hoặc làm giảm độ nhạy insulin [8].
- Thực phẩm giàu tinh bột (bánh mì trắng, gạo, mì ống, khoai tây,…). Những thực phẩm này có chỉ số đường huyết (GI) cao làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng, khiến bạn khó kiểm soát bệnh tiểu đường hơn.
- Món tráng miệng và đồ ngọt (mật ong, kẹo, đồ ngọt, bánh ngọt, socola,…)
- Đồ uống có đường (rượu, nước ngọt, soda). Những loại đồ uống có đường này có hàm lượng calo cao và làm tăng lượng đường trong máu.
III. Về Covid-19:
Biến chủng mới xuất hiện B1.1.529: mức độ nguy hiểm? Liệu biến chủng này có gây nên làn sóng thứ 5 tại Việt Nam (dự đoán)?
Tổng quan
Biến thể B.1.1.529 lần đầu tiên được báo cáo cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24 tháng 11 năm 2021. Biến thể này đã được WHO đặt tên là Omicron và được phân loại vào diện “biến chủng đáng lo ngại” [9]. So với biến thể Delta, biến thể Omicron nhận được sự quan tâm lớn từ giới khoa học và hiện nay các nước trên thế giới đang bắt đầu chuẩn bị cho khả năng xấu nhất xảy ra nếu biến thể này thật sự lây lan mạnh trong cộng đồng.
Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu các đặc tính của biến thể về việc liệu nó có thể né tránh các phản ứng miễn dịch do vaccine kích hoạt hay không và liệu nó có gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn các biến thể khác hay không.
Thay đổi để tăng đột biến
Biến thể B.1.1.529 chứa hơn 30 đột biến khác nhau trên protein gai, đây là vị trí mà các loại vaccine được thiết kế để tấn công vào. Nhiều trong số những thay đổi này đã được tìm thấy trong các biến thể như Delta và Alpha liên quan đến khả năng lây nhiễm cao hơn và khả năng né tránh các kháng thể ngăn chặn nhiễm trùng [10].
Hiệu quả của vaccine
Nhóm của Moore đã kiểm tra khả năng của virus B.1.1.529 trong việc né tránh các kháng thể ngăn chặn nhiễm trùng, cũng như các phản ứng miễn dịch khác. Kết quả cho thấy biến thể này chứa nhiều đột biến trong các vùng của protein gai, vị trí mà các vaccine thường được thiết kế hướng tới. Thậm chí những gợi ý từ mô hình máy tính cho rằng B.1.1.529 có thể tránh được khả năng miễn dịch được tạo ra bởi một thành phần khác của hệ thống miễn dịch được gọi là tế bào T [11].
Mức độ nguy hiểm
WHO nêu rõ: “Biến thể này có số lượng lớn các đột biến, trong đó một số đáng lo ngại. Bằng chứng ban đầu cho thấy nguy cơ lây nhiễm với biến thể này cao hơn so với các biến chủng khác.” Nhưng điều đó không có nghĩa là nó nguy hiểm hơn. Trên thực tế, số ca tử vong và nhiễm trùng hàng ngày ở châu Phi lại cho thấy xu hướng giảm thường xuyên. Đa số những ca nhiễm Omicron ở Nam Phi, người bệnh có các triệu chứng nhẹ hay rất nhẹ, họ không cần nhập viện và không có biểu hiện gì trầm trọng hơn trong tình trạng của họ [10]. Để xác minh liệu nó có nguy hiểm hơn hay không, chắc chắn sẽ cần nhiều cuộc thử nghiệm hơn trên quy mô lớn hơn.
Trong trường hợp này, hai kịch bản giả định sẽ mở ra:
Một kịch bản bi quan là biến thể này nguy hiểm đến mức cần phải kịp thời tạo ra một loại vaccine mới. Quá trình phát triển vaccine mới sẽ mất ít thời gian hơn nếu nó được tạo ra từ đầu khi bắt đầu đại dịch nhưng ít nhất vẫn sẽ mất vài tháng.
Một kịch bản lạc quan hơn là biến thể này ít nguy hiểm hơn và không gây hậu quả nghiêm trọng. Mọi người nên biết rằng trong một quần thể được tiêm chủng đầy đủ, sự gia tăng độc lực nội tại của virus sẽ không đáng lo ngại. Vì vậy, biến thể mới này sẽ khó có thể khiến vaccine hiện hành trở nên hoàn toàn vô dụng. Dù chắc chắn rằng hiệu lực của vaccine với biến thể mới này sẽ không cao như đối với biến thể gốc nhưng vẫn có thể dự đoán rằng biến chủng này sẽ rất khó dẫn đến các đợt bùng phát nghiêm trọng lớn, cụ thể là khó có thể gây nên một làn sóng thứ 5 tại Việt Nam.
Nguồn:
[1] https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/imj.14291
[2] https://care.diabetesjournals.org/content/42/5/731
[3] https://www.diabetes.co.uk/lifestyle-changes-for-type2-diabetes.html
[4] https://www.diabetes.co.uk/diabetes-and-smoking.html
[5] https://www.diabetes.co.uk/diabetes-destress.html
[6]https://idf.org/aboutdiabetes/what-is-diabetes/covid-19-and-diabetes/1-covid-19-and-diabetes.html
[7] https://www.diabetes.co.uk/food/food-groups.html
[8] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27597529/