[ESC Congress 2021] Empagliflozin có giúp cải thiện kết quả phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF) cũng như phân suất tống máu giảm (HFrEF) không?

[ESC Congress 2021] Empagliflozin có giúp cải thiện kết quả phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF) cũng như phân suất tống máu giảm (HFrEF) không?

Biên dịch: Nguyễn Thanh Huyền, DS. Nguyễn Thị Cẩm Trâm

Thử nghiệm EMPEROR-Reduced trước đây đã cho thấy thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2i) empagliflozin giúp làm giảm nguy cơ tử vong do tim mạch hoặc nhập viện do suy tim ở bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu giảm (HFrEF; phân suất tống máu thất trái [LVEF] ≤ 40%), bất kể có mắc kèm đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 hay không. Tuy nhiên cho đến nay, liệu empagliflozin có mang lại những lợi ích tương tự ở bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF) hay không vẫn chưa được làm rõ.

Kết quả từ thử nghiệm EMPEROR-Preserved đã được Giáo sư Stefan Anker (Charité – Đại học Y khoa Berlin, Đức) trình bày trong phiên thảo luận ngày 27 tháng 8 và hiện đã được công bố trên Tạp chí Y học New England. Thử nghiệm quốc tế mù đôi này được tiến hành trên 5988 bệnh nhân HFpEF có triệu chứng (LVEF > 40%) có mắc kèm hoặc không ĐTĐ type 2 và có nồng độ peptid lợi niệu NT-proBNP tăng (> 300 pg/mL ở bệnh nhân không rung nhĩ và > 900 pg/mL ở bệnh nhân rung nhĩ) cùng với bằng chứng về thay đổi cấu trúc tim hoặc tiền sử nhập viện do suy tim được ghi nhận. Những đối tượng tham gia được chỉ định ngẫu nhiên 1:1 hoặc dùng empagliflozin 10 mg/ngày hoặc dùng giả dược kèm theo các phương pháp điều trị HFpEF và bệnh đồng mắc phù hợp.

Kết cục chính và hai kết cục phụ được đưa vào quy trình thử nghiệm phân cấp. Kết cục chính bao gồm tử vong do tim mạch hoặc nhập viện do suy tim. Kết cục phụ thứ nhất là nhập viện do suy tim, bao gồm nhập viện lần đầu và tái nhập viện. Kết cục phụ thứ hai đánh giá tốc độ giảm độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) trong suốt quá trình điều trị.

Độ tuổi trung bình của những đối tượng tham gia thử nghiệm là 72 tuổi, 45% là phụ nữ và LVEF trung bình là 54%. Trong thời gian theo dõi trung vị 26 tháng, biến cố kết cục chính xảy ra ở 415/2997 bệnh nhân (13,8%) nhóm empagliflozin và 511/ 2991 bệnh nhân (17,1%) nhóm giả dược (6,9 vs. 8,7 biến cố mỗi 100 năm-bệnh-nhân; tỷ số nguy cơ [HR] 0,79; khoảng tin cậy 95% [CI] 0,69-0,90; p=0,0003), chủ yếu liên quan đến khả năng giảm nguy cơ nhập viện do suy tim ở nhóm dùng empagliflozin. Số bệnh nhân cần được điều trị bằng empagliflozin để ngăn ngừa biến cố kết cục chính là 31 bệnh nhân (95% CI 20-69). Tác động trên các kết cục chính của empagliflozin được ghi nhận ở tất cả các phân nhóm phụ cụ thể, bao gồm bệnh nhân mắc kèm hoặc không ĐTĐ type 2 và những bệnh nhân có LVEF < 50%, 50% – < 60% hoặc ≥ 60%.

Về kết cục phụ, tổng số lần nhập viện do suy tim ở nhóm dùng empagliflozin thấp hơn so với nhóm dùng giả dược (HR 0,73; CI 95% 0,61-0,88; p< 0,001). Hơn nữa, tốc độ giảm eGFR ở nhóm dùng empagliflozin chậm hơn so với nhóm dùng giả dược (–1,25 so với –2,62 mL/phút/1,73 m2/năm; p < 0,0001).

Về tính an toàn, các biến cố bất lợi nghiêm trọng xảy ra ở 47,9% bệnh nhân nhóm empagliflozin và 51,6% bệnh nhân nhóm giả dược. Các biến cố bất lợi dẫn đến việc ngừng điều trị xảy ra ở 19,1% bệnh nhân nhóm empagliflozin và 18,4% bệnh nhân nhóm giả dược. Nhiễm trùng đường sinh dục – tiết niệu không biến chứng và hạ huyết áp thường gặp hơn ở những bệnh nhân được điều trị với empagliflozin.

Giáo sư Anker đã tóm gọn kết quả nghiên cứu như sau: “Empagliflozin giúp làm giảm nguy cơ tử vong do tim mạch hoặc nhập viện do suy tim ở bệnh nhân HFpEF bất kể có mắc kèm ĐTĐ type 2 hay không một cách thuyết phục. Loại thuốc này có tiềm năng trở thành một phương pháp điều trị tiêu chuẩn mới cho những bệnh nhân này – những đối tượng mà hiện tại có rất ít lựa chọn điều trị.”

Phân tích EMPEROR-Pooled tổng hợp dữ liệu bệnh nhân từ thử nghiệm EMPEROR-Reduced và thử nghiệm EMPEROR-Preserved cũng đã được thảo luận. Phân tích này có thể thực hiện được do thiết kế của các nghiên cứu rất giống nhau. Tiến sĩ Milton Packer (Baylor University Medical Center, Dallas, Hoa Kỳ) giải thích: “Phân tích này được thiết kế theo hướng tiến cứu và chúng tôi đã lập ra kế hoạch thống kê trước khi bệnh nhân tham gia vào cả hai thử nghiệm. Đánh giá này được bảo vệ bằng alpha, nghĩa là các kết cục đều có ý nghĩa về mặt thống kê và không thiên lệch nhờ vào chỉ định phân tích tổng hợp trong các thử nghiệm riêng lẻ mà tránh được tỷ suất lỗi dương tính giả gia tăng.”

Trong số 9718 bệnh nhân được đưa vào phân tích, empagliflozin giúp làm giảm nguy cơ nhập viện do suy tim (khoảng 30% nguy cơ) với mức độ tương đương ở cả hai thử nghiệm EMPEROR-Reduced và EMPEROR-Preserved. Mức độ tác động của empagliflozin trên số lần nhập viện do suy tim tương tự ở các bệnh nhân có phân suất tống máu < 65%; tuy nhiên, tác động này lại giảm dần đối với các bệnh nhân có phân suất tống máu ≥ 65%.

Phân tích cũng cho thấy empagliflozin giúp giảm nguy cơ xảy ra kết cục trên thận ở thử nghiệm EMPEROR-Reduced, nhưng không làm giảm nguy cơ này ở thử nghiệm EMPEROR-Preserved. Tuy nhiên, khi kết cục trên thận được xác định bằng cách sử dụng các tiêu chí nghiêm ngặt hơn trong thử nghiệm EMPEROR-Preserved thì nhận thấy rằng, phân suất tống máu trước khi bắt đầu điều trị có ảnh hưởng đến tác động của empagliflozin trên kết cục thận theo cách tương tự với tác động của thuốc này trên số lần nhập viện do suy tim.

Tiến sĩ Packer cho biết: “Nhìn chung, những phát hiện này giúp chứng minh lợi ích của empagliflozin trên bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu giảm và bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu bảo tồn, bao gồm cả những bệnh nhân không được điều trị hiệu quả bằng các thuốc hiện có. ”

Nguồn:

“Hot Line – Does empagliflozin improve outcomes in HFpEF as well as HFrEF?”. ESCCongress. Ngày cập nhật 27/8/2021. Ngày truy cập 29/8/2021.

<https://www.escardio.org/Congresses-&-Events/ESC-Congress/Congress-news/copy-of-hot-line-is-haemodynamic-guided-management-beneficial-across-a-range o?fbclid=IwAR0OmFX5WcLNiJgvhaFQCHW9zGcL9JBgng109oppE7-_lfOIvF-8D0qg6rg>

Chia sẻ bài viết