[ESC Congress 2021] Thiết bị theo dõi tim cấy ghép (ICM) có giúp cải thiện khả năng phát hiện biến cố loạn nhịp sau nhồi máu cơ tim

[ESC Congress 2021] Thiết bị theo dõi tim cấy ghép (ICM) có giúp cải thiện khả năng phát hiện biến cố loạn nhịp sau nhồi máu cơ tim

Thiết bị theo dõi tim cấy ghép (ICM) có giúp cải thiện khả năng phát hiện biến cố loạn nhịp sau nhồi máu cơ tim? Theo phiên trình bày tại Hot Line được thực hiện bởi giáo sư Axel Bauer (Đại học Y khoa Innsbruck, Áo), điều này là có thể. Thông thường, thiết bị khử rung tim cấy ghép (ICD) dự phòng có thể sử dụng ở những đối tượng bệnh nhân bị giảm phân suất tống máu thất trái nghiêm trọng (LVEF, <= 35%) sau nhồi máu cơ tim (MI). Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có biện pháp dự phòng tiêu chuẩn nào được sử dụng cho các bệnh nhân có LVEF> 35%, mặc dù trong thực tế, hầu hết các biến chứng sau MI đều xảy ra ở nhóm đối tượng này.

Thử nghiệm tiến cứu, ngẫu nhiên 1:1, nhãn mở SMART-MI đã tiến hành nghiên cứu việc sử dụng thiết bị theo dõi tim cấy ghép (ICM) so với theo dõi thông thường ở 400 bệnh nhân có nguy cơ cao sau nhồi máu cơ tim với LVEF 36–50% và có rối loạn chức năng tự chủ của tim (bất thường trong động học tái cực theo chu kỳ [> = 5,75 deg2] và/hoặc khả năng giảm tốc bất thường [<= 2,5 ms]). ICM được cấy dưới da và các báo cáo hàng ngày được truyền đi thông qua hệ thống giám sát từ xa. Kết cục chính của nghiên cứu là thời gian cần để phát hiện các biến cố loạn nhịp nghiêm trọng, bao gồm rung nhĩ kéo dài từ sáu phút trở lên, block nhĩ thất mức độ cao hơn, nhịp nhanh thất (VT) không bền bỉ và VT bền bỉ/rung thất kéo dài.

Trong suốt thời gian theo dõi trung vị 21 tháng, các biến cố loạn nhịp nghiêm trọng xảy ra ở 60 (29,9%) bệnh nhân ở nhóm sử dụng ICM và 12 (6,0%) bệnh nhân ở nhóm đối chứng (tỷ số nguy cơ [HR] 6,3; khoảng tin cậy 95% [CI] 3,4 đến 11,8; p <0,0001). Tỷ lệ phát hiện được cải thiện rõ rệt nhờ ICM đối với tất cả các loại biến cố loạn nhịp nghiêm trọng. Tỷ lệ phát hiện tích lũy trong 3 năm của các biến cố loạn nhịp nghiêm trọng là 41,2% ở nhóm ICM và 10,7% ở nhóm đối chứng. ICM có độ nhạy phát hiện cao hơn so với theo dõi thông thường (61% so với 20%; p = 0,007), do đó, các kết cục bất lợi có khả năng được phát hiện sớm ở nhóm ICM cao gấp ba lần.

Các biến cố loạn nhịp nghiêm trọng là chỉ dấu mạnh mẽ cho sự xuất hiện của các biến cố tim và mạch máu não nghiêm trọng sau đó, ở cả nhóm sử dụng ICM (HR 6,8; CI 2,9 đến 16,2; p <0,001) và nhóm theo dõi thông thường (HR 7,3; 95% CI 2,4 đến 22,8; p < 0,001). Không có sự khác biệt về mức độ chính xác của dự đoán đúng giữa các phương thức phát hiện (61% với ICM và 62% với theo dõi thông thường).

Giáo sư Bauer nhận xét, “Nghiên cứu phát hiện ra rằng những bệnh nhân sau nhồi máu có rối loạn chức năng tự chủ của tim và chỉ giảm LVEF ở mức độ vừa phải xuất hiện một lượng lớn các biến cố loạn nhịp cận lâm sàng nghiêm trọng có thể được phát hiện sớm và hiệu quả với ICM. Phổ và tần suất loạn nhịp ở những bệnh nhân này tương đương với những bệnh nhân sau nhồi máu có LVEF giảm – nhóm đối tượng của liệu pháp ICD dự phòng. Kết quả nghiên cứu này củng cố cho việc sử dụng ICM như một công cụ có độ nhạy tốt giúp đánh giá rủi ro liên tục ở những bệnh nhân sau MI có nguy cơ cao với LVEF giảm vừa phải và có rối loạn chức năng tự chủ của tim.”

Biên dịch: Lâm Ngọc Kim Trúc, DS. Nguyễn Thị Cẩm Trâm

Nguồn:

“Hot Line – Do implantable cardiac monitors improve post-MI arrhythmic event detection?” ESCCongress. Ngày cập nhật 27/8/2021. Ngày truy cập 29/08/2021.

Link <https://www.escardio.org/Congresses-&-Events/ESC-Congress/Congress-news/hot-line-do-implantable-cardiac-monitors-improve-post-mi-arrhythmic-event-dete?fbclid=IwAR3T6SSQ5UQly9zcI-mCjeiwB1upXwEsida135KR6HlSCylD_KYBdWqVqUw>

Chia sẻ bài viết