Google phát triển trí thông minh nhân tạo để xác định bệnh nhân có nguy cơ mù lòa cao

Google phát triển trí thông minh nhân tạo để xác định bệnh nhân có nguy cơ mù lòa cao

Trí tuệ nhân tạo đã cho thấy khả năng phát hiện và chẩn đoán bệnh về mắt ngày càng tăng thông qua phương phá phân tích hình ảnh y tế. Giờ đây, một hệ thống mới được phát triển bởi Google và các bác sĩ tại Anh đã có bước tiến đáng kể với việc dự đoán những bệnh nhân mắc bệnh thông thường có khả năng bị mất thị lực.

Trí thông minh nhân tạo mới này đã được mô tả trong một bài báo xuất bản vào thứ Hai trên tạp chí Nature, được thiết kế để dự đoán nguy cơ mất thị lực sắp xảy ra ở những bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, nguyên nhân phổ biến nhất gây mù ở các nước phát triển. Bài viết đã báo cáo rằng máy tính thể hiện khả năng vượt trội hơn hầu hết các chuyên gia về mắt trong việc xác định bệnh nhân nào có khả năng bị mất thị lực ở cả hai mắt. Phát hiện này không có nghĩa là hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ giúp các bác sĩ trong việc ngăn ngừa bệnh nhân bị mù hoặc có thể chấm dứt tình trạng không chắc chắn mà hàng trăm ngàn bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng do tuổi tác đang phải đối mặt. Nhưng các chuyên gia võng mạc cho biết nó đánh dấu một tiến bộ đáng kể trong việc dự đoán sự tiến triển của bệnh và có thể hỗ trợ phát triển các loại thuốc hiệu quả hơn.

Rishi Singh, bác sĩ nhãn khoa tại Phòng khám Cleveland, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết: “Nếu bạn biết bệnh nhân nào có nguy cơ cao hơn thông qua việc sử dụng thuật toán này, điều đó sẽ giúp bạn phân biệt được liệu thuốc có hiệu quả hay không khi điều trị cho họ.” Một số nghiên cứu đã được thực hiện để kiểm tra các phương pháp điều trị phòng ngừa thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, nhưng chúng không cho thấy lợi ích đáng kể, một phần do khó khăn trong việc xác định những người tham gia thử nghiệm nào có khả năng sẽ mất thị lực. Hệ thống cũng có thể cải thiện việc chăm sóc người bệnh bằng cách giúp các bác sĩ lâm sàng hiểu bệnh nhân nào cần theo dõi thường xuyên hơn và có thể được hưởng lợi từ việc sử dụng hệ thống theo dõi tại nhà để theo dõi chức năng mắt của họ.

Bài báo được xuất bản sau một nghiên cứu trước đó, trong đó nhóm nghiên cứu đã báo cáo rằng họ đã phát triển một mô hình trí thông minh nhân tạo có thể phát hiện hàng tá bệnh về mắt và chỉ ra các phần của kết quả chụp cắt lớp võng mạc (OCT) mà nó dựa vào để đưa ra kết luận. Hệ thống mới này được thiết kế để hoạt động theo kiểu tương tự để phát hiện các dữ liệu trong các hình ảnh cho biết liệu một bệnh nhân bị mất thị lực ở một mắt cũng sẽ mất luôn thị lực ở mắt còn lại. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng hệ thống này hoạt động tốt hơn năm trong số sáu chuyên gia trong việc dự đoán bệnh nhân nào trong bộ lưu trữ dữ liệu sẽ bị mất thị lực hoàn toàn. Họ báo cáo rằng trí tuệ nhân tạo có thể xác định chính xác những thay đổi về mặt giải phẫu trên kết quả chụp OCT và xác định các nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao hơn.

Hệ thống này không hoàn hảo – nó đánh dấu sai một số bệnh nhân là nguy cơ cao trong một số trường hợp nhất định – và nó cần được nghiên cứu và thẩm định thêm trước khi có thể được sử dụng để hướng dẫn đưa ra các quyết định điều trị. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết việc khả năng trí tuệ nhân tạo phát hiện các chi tiết nhỏ con người không thể nhìn thấy có thể giúp tăng cường sự hiểu biết về dạng bệnh nghiêm trọng nhất là thoái hóa điểm vàng do tuổi tác ướt. Pearse Keane, một chuyên gia võng mạc tại Bệnh viện Mắt Moorfields ở London và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể sử dụng công nghệ này trong thực hành lâm sàng sau bài báo này. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi ngày càng hiểu là thoái hóa điểm vàng dạng ướt là một căn bệnh không đồng nhất rất phức tạp.”

Keane cho biết tác động lớn nhất có thể là trong lĩnh vực nghiên cứu. Ông nói: “Điều mà tôi cực kỳ phấn khích là chúng ta có thể bắt đầu lên kế hoạch cho các thử nghiệm lâm sàng trong tương lai. Công nghệ này làm cho những thử nghiệm trong tương lai trở nên hữu dụng hơn và có thể sẽ thành công hơn.” Để được sử dụng trong các thiết lập lâm sàng, trí thông minh nhân tạo sẽ cần được tích hợp vào thiết bị hình ảnh để có thể phân tích các kết quả chụp của bệnh nhân trong hoạt động chăm sóc thường ngày. Nó cũng cần phải được thẩm định trên các bệnh nhân ở những nơi khác nhau, để đảm bảo hiệu quả trên các cộng đồng dân cư khác nhau. Những người tạo ra hệ thống Google đã đào tạo và thử nghiệm nó trên các bệnh nhân xung quanh London.

John Miller, một bác sĩ nhãn khoa tại bệnh viện Mắt và Tai Massachusetts ở Boston cho biết: “Có sự khác biệt về nhân khẩu học và kiểu hình giữa các bệnh nhân ở các vùng khác nhau của đất nước và các nhóm dân tộc, vậy nên chúng ta cần phải hết sức cẩn thận.” “Nói chung, đây là một tác phẩm ấn tượng”, ông nói về bài báo. “Vẫn còn một vài việc phải làm, và việc tìm ra sự liên quan lâm sàng trong tương lai là rất quan trọng. Hy vọng rằng chúng ta sẽ có liệu pháp [phòng ngừa] tốt hơn trong tương lai.”

Biên dịch

Huỳnh Yến Thanh

TS. Nguyễn Thị Thanh Vân

Nguồn

Google develops AI to identify patients at high risk of blindness. statnews.com 18/05/2020

Chia sẻ bài viết