Hiệu quả – chi phí của các Biện pháp chính sách về COVID-19: Tổng quan hệ thống
Biên dịch: Hoàng Minh Anh
Từ viết tắt:
- CHEC (Consensus Health Economic Criteria): Tiêu chí Kinh tế Sức khỏe đồng thuận
- PRISMA (Preferred Reporting Items for Systematic Reviews and Meta-Analyses): Các mục báo cáo ưu tiên cho Tổng quan Hệ thống và phân tích gộp
Các điểm chính:
- Tổng quan này kêu gọi các biện pháp chính sách hiệu quả về chi phí thông minh có thể ngăn hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta khỏi bị nhấn chìm trong làn sóng dịch bệnh do virus Corona chủng mới gây ra (từ 2019)
- Với các bằng chứng sẵn có, cách tiếp cận từng bước nên được áp dụng, ở đó các nhà hoạch định chính sách nên chuyển đổi kịp thời từ chiến lược này sang chiến lược khác trên cơ sở các yếu tố kích hoạt được xác định trước.
- Các phân tích hiệu quả chi phí trong tương lai nên tôn trọng các thực hành mô hình tốt và nên áp dụng quan điểm xã hội rộng rãi khi xem xét: ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe do COVID-19, tổn hại về sức khỏe và chi phí liên quan đến các bệnh mãn tính không được điều trị vì năng lực chăm sóc sức khỏe hạn chế, tác động kinh tế rộng hơn, tổn thất sức khỏe tinh thần vì thiếu thốn vật chất và giao tiếp xã hội, sự suy thoái về giáo dục.
Mục tiêu
Nghiên cứu nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan các bằng chứng hiện có về hiệu quả chi phí của các biện pháp chính sách khác nhau của COVID-19.
Phương pháp: Tổng quan hệ thống
- Cơ sở dữ liệu tìm kiếm: PubMed, Embase và Web of Science.
- Tiêu chí lựa chọn nghiên cứu:
Dân số | Những người dễ bị mắc COVID-19 |
Can thiệp | Tất cả các biện pháp/ chiến lược chính sách liên quan đến bảo vệ, phát hiện, ngăn chặn/ phòng ngừa hoặc điều trị COVID-19 |
So sánh với | Không làm gì hoặc các biện pháp/ chiến lược chính sách thay thế để bảo vệ, phát hiện, chứa/ ngăn chặn hoặc điều trị COVID-19 |
Kết quả | Tất cả các kết quả liên quan đến các phân tích hiệu quả – chi phí, chi phí – tiện ích và lợi ích – chi phí, theo đó phân tích so sánh các chiến lược thay thế về cả chi phí và hiệu quả |
Thiết kế nghiên cứu | Đánh giá kinh tế sức khỏe dựa trên thử nghiệm hoặc dựa trên mô hình, hoặc tổng quan hệ thống các báo cáo về đánh giá kinh tế sức khỏe |
- Đánh giá chất lượng nghiên cứu bằng bảng kiểm CHEC. Chất lượng của các mô hình dịch tễ học cũng đã được đánh giá.
Kết quả
- Tổng số 3688 bài báo đã được xác định (tháng 3 năm 2021), trong đó có 23 bài báo được đưa vào.
- Các nghiên cứu không đồng nhất về chất lượng trong phương pháp luận, yếu tố bối cảnh, nội dung của chiến lược, quan điểm được áp dụng, mô hình áp dụng và kết quả được sử dụng.
- Nhìn chung, xét nghiệm/ sàng lọc, giãn cách xã hội, đồ bảo hộ cá nhân, cách ly và các biện pháp vệ sinh được cho là có hiệu quả về mặt chi phí.
- Hơn nữa, cách lựa chọn và kết hợp các chiến lược tối ưu nhất phụ thuộc vào hệ số lây nhiễm và bối cảnh. Với hệ số lây nhiễm đang tăng, việc mở rộng chiến lược xét nghiệm và triển khai sớm sự kết hợp các biện pháp hạn chế là hiệu quả nhất.
Kết luận
Mở rộng từng bước, kịp thời chiến lược xét nghiệm và thực hiện nhiều biện pháp hạn chế dường như hiệu quả nhất về chi phí để giảm thiểu sự lây lan dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng gia tăng.
Đánh giá chất lượng đã chỉ ra nhiều sai sót và hạn chế trong các phương pháp tiếp cận nghiên cứu; do đó, kết quả của chúng nên được diễn giải một cách thận trọng vì bối cảnh cụ thể (quốc gia, nhóm mục tiêu, v.v.) là động lực chính cho hiệu quả chi phí. Cuối cùng, bao gồm quan điểm xã hội trong các đánh giá trong tương lai là chìa khóa vì đại dịch này có tác động gián tiếp đến sự khởi phát và điều trị các điều kiện khác cũng như nền kinh tế toàn cầu của chúng ta.
Nguồn tham khảo: https://www.valueinhealthjournal.com/article/S1098-3015(21)01589-8/fulltext