Mối tương quan giữa phẫu thuật giảm cân với nguy cơ ung thư và tỷ lệ tử vong ở người lớn bị béo phì

Mối tương quan giữa phẫu thuật giảm cân với nguy cơ ung thư và tỷ lệ tử vong ở người lớn bị béo phì

Tác giả: Ali Aminian và cộng sự, 2022

Tóm tắt

Tầm quan trọng

Béo phì làm tăng tỷ lệ mắc và tử vong do một số loại ung thư, nhưng vẫn chưa chắc chắn liệu giảm cân có chủ đích có thể làm giảm nguy cơ này hay không.

Mục tiêu

Khảo sát xem liệu phẫu thuật giảm cân có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư và tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân béo phì hay không.

Thiết kế, thiết lập và đối tượng tham gia

Trong nghiên cứu đoàn hệ so sánh giữa các quy trình phẫu thuật và hiệu quả lâu dài trong tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh ung thư (SPLENDID), bao gồm những bệnh nhân trưởng thành có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 35 trở lên đã trải qua phẫu thuật giảm béo tại hệ thống y tế Hoa Kỳ từ năm 2004 đến năm 2017. Những bệnh nhân trải qua phẫu thuật giảm cân được so sánh với những bệnh nhân béo phì không phẫu thuật, tỷ lệ là 1:5 với tổng cộng 30318 bệnh nhân. Quá trình theo dõi kết thúc vào tháng 2 năm 2021.

Cỡ mẫu

Phẫu thuật giảm cân (n= 5053), bao gồm phẫu thuật nối tắt dạ dày kiểu Roux-en-Y(RYGB) và phẫu thuật cắt tạo hình dạ dày hình ống, so với chăm sóc không phẫu thuật (n= 25 265).

Phương pháp đo lường

Phân tích hồi quy Cox đa biến ước tính thời gian dẫn đến sự cố ung thư liên quan đến béo phì (tổng hợp của 13 loại ung thư là tiêu chí chính) và tỷ lệ tử vong do ung thư.

Kết quả

Nghiên cứu bao gồm 30318 bệnh nhân (tuổi trung bình, 46 tuổi; BMI trung bình, 45; 77% nữ; và 73% là người da trắng) với thời gian theo dõi trung bình là 6,1 năm (IQR, 3,8 – 8,9 tuổi). Sự khác biệt trung bình giữa các nhóm về trọng lượng cơ thể trong 10 năm là 24,8kg (95%CI, 24,6-25,1kg) hoặc giảm cân nhiều hơn 19,2% (95%CI, 19,1% -19,4%) ở nhóm phẫu thuật giảm cân. Trong quá trình theo dõi, 96 bệnh nhân trong nhóm phẫu thuật giảm cân và 780 bệnh nhân trong nhóm kiểm soát không phẫu thuật đã bị ung thư liên quan đến béo phì. (tỷ lệ mắc lần lượt là 3,0 biến cố so với 4,6 biến cố trên 1000 người/năm). Tỷ lệ tích lũy của tiêu chí chính sau 10 năm là 2,9% (95%CI, 2,2% -3,6%) ở nhóm phẫu thuật giảm cân và 4,9% (95%CI, 4,5% – 5,3%) ở nhóm đối chứng không phẫu thuật (chênh lệch rủi ro tuyệt đối, 2,0% [95%CI, 1,2% -2,7%]; tỷ lệ rủi ro đã điều chỉnh, 0.68 [95%CI, 0.53 – 0.87], P = 0.002). Tử vong liên quan đến ung thư xảy ra ở 21 bệnh nhân trong nhóm phẫu thuật giảm cân và 205 bệnh nhân trong nhóm đối chứng không phẫu thuật (tỷ lệ mắc 0,6 biến cố so với 1,2 biến cố, tương ứng trên 1000 người/năm). Tỷ lệ tích lũy của tử vong liên quan đến ung thư trong 10 năm là 0,8% (95%CI, 0,4% – 1,2%) ở nhóm phẫu thuật giảm cân và 1,4% (95%CI, 1,1% – 1,6%) trong nhóm đối chứng không phẫu thuật (chênh lệch rủi ro tuyệt đối, 0,6% [95%CI, 0,1% – 1,0%]; tỷ lệ nguy cơ đã điều chỉnh, 0,52 [95%CI, 0,31 – 0,88], P = 0.01).

Kết luận và Mức độ liên quan

Trong số những người trưởng thành mắc bệnh béo phì, những bệnh nhân trải qua phẫu thuật giảm cân so với bệnh nhân không phẫu thuật cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ung thư liên quan đến béo phì và tỷ lệ tử vong do ung thư cho kết quả thấp hơn đáng kể.

 

Nguồn: Association of Bariatric Surgery With Cancer Risk and Mortality in Adults With Obesity | Bariatric Surgery | JAMA | JAMA Network

 

Nhóm dịch giả:

DS.Ngô Phan Thuận Hiển; Dương Tú Nhi; Nguyễn Diễm Nhi

Hiệu đính:

Ds. Trần Thị Quốc Tuyến

ThS. Trương Hoàng Thiện

Chia sẻ bài viết