BỆNH RỐI LOẠN ĂN UỐNG
Biên soạn. DS. Nguyễn Nhật Thiên Tú, DS. Lê Hồng Rosie
TỔNG QUAN
Có một quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng rối loạn ăn uống là một sự lựa chọn về lối sống. Rối loạn ăn uống thực ra là một căn bệnh nghiêm trọng và thường gây tử vong. Bệnh có liên quan đến những rối loạn nghiêm trọng trong hành vi ăn uống của con người cũng như những suy nghĩ và cảm xúc liên quan. Sự lo lắng về thức ăn, trọng lượng cơ thể và hình dạng cũng có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn ăn uống. Một số chứng rối loạn ăn uống phổ biến bao gồm chán ăn tâm thần, chứng cuồng ăn-đào thải và rối loạn ăn uống vô độ. [2]
Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Mental Health-NIMH) báo cáo rằng chứng rối loạn ăn uống vô độ xảy ra ở 1,2% người lớn. Tỷ lệ này cao gấp đôi ở nữ giới. Chứng cuồng ăn-đào thải ảnh hưởng đến 0,3% người lớn và ở nữ cao hơn nam gấp 5 lần. Tỷ lệ mắc chứng chán ăn tâm thần trong đời ở người lớn là 0,6% và tỷ lệ này xảy ra ở nữ nhiều hơn nam gấp ba lần. [1]
Hầu hết các rối loạn ăn uống liên quan đến việc tập trung quá nhiều vào cân nặng, hình dáng cơ thể và thức ăn, dẫn đến các hành vi ăn uống nguy hiểm. Những hành vi này có thể tác động đáng kể đến khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thích hợp của cơ thể. Rối loạn ăn uống có thể gây hại cho tim, hệ tiêu hóa, xương, răng miệng và dẫn đến các bệnh khác. [3]
Rối loạn ăn uống thường phát triển ở tuổi thiếu niên và thanh niên, mặc dù chúng có thể phát triển ở các lứa tuổi khác. Với việc điều trị, người bệnh có thể quay trở lại với thói quen ăn uống lành mạnh hơn và đôi khi hồi phục các biến chứng nghiêm trọng do chứng rối loạn ăn uống gây ra. [3]
BỆNH SINH:[3]
Nguyên nhân:
Nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn ăn uống hiện vẫn chưa xác định được. Giống như các bệnh tâm thần khác, rối loạn ăn uống có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, chẳng hạn như:
- Di truyền và sinh học: Một số người có thể có gen làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống. Các yếu tố sinh học, chẳng hạn như sự thay đổi các chất hóa học trong não, có thể đóng vai trò trong chứng rối loạn ăn uống.
- Bệnh tiểu đường type 1 (phụ thuộc insulin): Nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng khoảng 1/4 bệnh nhân nữ mắc bệnh tiểu đường type 1 sẽ bị rối loạn ăn uống. Mô hình phổ biến nhất là bỏ qua việc tiêm insulin, được gọi là diabulimia – một loại rối loạn ăn uống thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường type 1, có thể gây chết người. [7]
- Sức khỏe tâm lý và cảm xúc: Những người bị rối loạn ăn uống có thể có các vấn đề tâm lý và tinh thần góp phần gây ra rối loạn. Họ có thể tự ti, cầu toàn, hành vi bốc đồng và các mối quan hệ rắc rối.
Yếu tố nguy cơ:
Các cô gái tuổi teen và phụ nữ trẻ có nhiều khả năng mắc chứng biếng ăn hoặc cuồng ăn-đào thài nhiều hơn nam thanh niên và nam giới, nhưng nam giới cũng có thể bị rối loạn ăn uống. Mặc dù rối loạn ăn uống có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi nhưng bệnh thường phát triển ở lứa tuổi thanh thiếu niên và đầu những năm 20 tuổi. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn ăn uống, bao gồm:
- Tiền sử gia đình: Rối loạn ăn uống có nhiều khả năng xảy ra ở những người có cha mẹ hoặc anh chị em mắc chứng rối loạn ăn uống.
- Các rối loạn sức khỏe tâm thần khác: Những người mắc chứng rối loạn ăn uống thường có tiền sử rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Ăn kiêng và nhịn đói: Ăn kiêng là một yếu tố nguy cơ phát triển chứng rối loạn ăn uống. Nhịn đói sẽ ảnh hưởng đến não và ảnh hưởng đến sự thay đổi tâm trạng, sự cứng nhắc trong suy nghĩ, lo lắng và giảm cảm giác thèm ăn. Có bằng chứng chắc chắn rằng nhiều triệu chứng của rối loạn ăn uống thực sự là các triệu chứng của đói. Nhịn đói và giảm cân có thể thay đổi cách thức hoạt động của não ở những người dễ bị tổn thương, điều này có thể kéo dài hành vi ăn uống hạn chế và khó trở lại thói quen ăn uống bình thường.
- Stress: Cho dù là việc chuẩn bị vào đại học, chuyển nhà, tìm việc mới hay vấn đề gia đình hoặc mối quan hệ, sự thay đổi có thể mang lại căng thẳng, làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống.
TRIỆU CHỨNG:[2]
Chán ăn tâm thần
Những người mắc chứng chán ăn tâm thần có thể nghĩ là mình thừa cân, ngay cả khi họ thiếu cân một cách nguy hiểm. Những người mắc chứng chán ăn tâm thần thường tự cân nhiều lần, hạn chế nghiêm ngặt lượng thức ăn nạp vào cơ thể, thường xuyên tập thể dục quá mức, và/hoặc có thể buộc mình phải nôn mửa hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng để giảm cân. Chán ăn tâm thần có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các rối loạn tâm thần. Trong khi nhiều người mắc chứng rối loạn này tử vong vì các biến chứng liên quan đến đói, một số khác lại tử vong vì tự tử.
Các triệu chứng bao gồm:
- Hạn chế ăn uống một cách khắt khe
- Rất gầy (hốc hác)
- Không ngừng theo đuổi việc giảm cân và không muốn duy trì cân nặng bình thường hoặc cân nặng khỏe mạnh
- Sợ tăng cân
- Bóp méo hình ảnh cơ thể, lòng tự trọng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhận thức về trọng lượng và hình dạng cơ thể, phủ nhận mức độ nghiêm trọng của trọng lượng cơ thể thấp
Các triệu chứng khác có thể phát triển theo thời gian, bao gồm: Loãng xương; Thiếu máu nhẹ và suy nhược cơ bắp; Tóc và móng tay giòn; Da khô và vàng,…
Chứng cuồng ăn – đào thải
Những người mắc hội chứng cuồng ăn-đào thải có các đợt thường xuyên và tái phát việc ăn một lượng lớn thức ăn bất thường và cảm thấy thiếu kiểm soát các đợt này. Sau khi ăn uống vô độ bệnh nhân có hành vi chuộc lại bằng cách bắt buộc bản thân nôn mửa, sử dụng quá nhiều thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu, nhịn ăn, tập thể dục quá mức hoặc kết hợp các hành vi trên. Những người mắc hội chứng này có thể hơi nhẹ cân, cân nặng bình thường hoặc thừa cân.
Các triệu chứng bao gồm:
- Viêm và đau họng mãn tính
- Sưng tuyến nước bọt ở cổ và vùng hàm
- Mòn men răng, răng ngày càng nhạy cảm và dễ bị sâu do tiếp xúc với axit dạ dày
- Rối loạn trào ngược axit và các vấn đề tiêu hóa khác
- Kích ứng và rối loạn đường ruột do lạm dụng thuốc nhuận tràng
- Mất nước nghiêm trọng do ép thải chất lỏng (ví dụ ép để nôn mửa)
- Mất cân bằng điện giải (mức natri, canxi, kali và các khoáng chất khác quá thấp hoặc quá cao) có thể dẫn đến đột quỵ hoặc đau tim
Rối loạn ăn uống vô độ
Những người mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ mất kiểm soát việc ăn uống của mình. Không giống như chứng cuồng ăn-đào thải, việc ăn uống vô độ không kèm theo việc tự ép đào thải thức ăn, tập thể dục quá mức hoặc nhịn ăn. Kết quả là những người mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ thường bị thừa cân hoặc béo phì. Rối loạn ăn uống vô độ là chứng rối loạn ăn uống phổ biến nhất ở Hoa Kỳ.
Các triệu chứng bao gồm:
- Ăn một lượng lớn thức ăn bất thường trong một khoảng thời gian cụ thể, chẳng hạn như khoảng thời gian 2 giờ
- Ăn ngay cả khi no hoặc không đói
- Ăn nhanh trong các đợt ăn uống vô độ
- Ăn cho đến khi no một cách khó chịu
- Ăn một mình hoặc bí mật để tránh xấu hổ
- Cảm thấy đau khổ, xấu hổ hoặc tội lỗi về việc ăn uống của mình
- Thường xuyên ăn kiêng, có thể không giảm cân
Biến chứng của bệnh
Rối loạn ăn uống gây ra rất nhiều biến chứng, một trong số chúng đe dọa đến tính mạng. Rối loạn ăn uống càng nghiêm trọng hoặc kéo dài, bệnh nhân càng có nhiều khả năng gặp các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
- Trầm cảm và lo âu
- Ý nghĩ hoặc hành vi tự sát
- Các vấn đề về tăng trưởng và phát triển
- Các vấn đề xã hội và mối quan hệ
- Rối loạn sử dụng chất gây nghiện
- Các vấn đề về công việc và trường học
- Tử vong
CHẨN ĐOÁN:
Chẩn đoán xác định: [8]
1.Thăm khám lâm sàng
Rối loạn ăn uống thường đi kèm với các vấn đề y tế khác nhau do hậu quả của việc tự nhịn đói, tập thể dục quá mức, ăn uống vô độ, và/hoặc sự ép đào thải thức ăn. Điều này khiến cho đánh giá của bác sĩ trở thành một phần cần thiết của điều trị rối loạn ăn uống. Bác sĩ thường sẽ đánh giá những vấn đề sau:
- Khám lâm sàng bao gồm chiều cao, cân nặng, chỉ số khối cơ thể (BMI), đánh giá biểu đồ tăng trưởng cho trẻ em và thanh thiếu niên, chức năng tim mạch và mạch máu ngoại vi, sức khỏe làn da, sự rụng tóc, bằng chứng về các hành vi tự gây thương tích
- Đo nhiệt độ cơ thể và mạch
- Huyết áp thế đứng
- Khám nha khoa nếu có hoặc nghi ngờ nôn do tự gây ra
- Thiết lập chẩn đoán và khuyến nghị mức độ chăm sóc thích hợp
2. Cận lâm sàng
Nhiều loại xét nghiệm có thể cần thiết để xác định chẩn đoán chính xác chứng rối loạn ăn uống và đánh giá mức độ chăm sóc thích hợp cho bệnh nhân. Các xét nghiệm sẽ đánh giá các yếu tố như: Mức đường huyết; Mức độ điện giải để xác định sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất nước, đặc biệt nếu bệnh nhân đang cố gắng tuej ép đào thải thức ăn; Chức năng gan và thận; Các chất hóa học trong nước tiểu; Điện tâm đồ (ECG) để đảm bảo tim hoạt động bình thường.
Các test cụ thể như sau:
- Công thức máu toàn bộ (CBC) với phân tích nước tiểu phân biệt
- Kiểm tra chuyển hóa: natri, clorua, kali, glucose, BUN
- Creatinine, tổng số protein, albumin, globulin, canxi, carbon dioxide, aspartate transaminase (AST), phosphatase kiềm (ALP), bilirubin toàn phần
- Magie, phosphat huyết thanh
- Kiểm tra tuyến giáp (T3, T4, TSH)
- Điện tâm đồ (ECG)
Chẩn đoán phân biệt:[5]
Có nhiều vấn đề y tế có thể bị nhầm lẫn với chứng rối loạn ăn uống. Bệnh cường giáp, bệnh ung thư ác tính, bệnh viêm ruột, suy giảm miễn dịch, kém hấp thu, nhiễm trùng mãn tính, bệnh Addison và bệnh tiểu đường nên được xem xét trước khi chẩn đoán rối loạn ăn uống. Hầu hết các bệnh nhân có tình trạng bệnh lý dẫn đến vấn đề ăn uống đều bày tỏ lo lắng về việc giảm cân của họ. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc chứng rối loạn ăn uống lại có cách nhìn tiêu cực về hình ảnh cơ thể và thể hiện mong muốn được nhẹ cân.
ĐIỀU TRỊ
Mục tiêu điều trị:[5]
– Đạt được và duy trì cân nặng hợp lý.
– Kiểm soát các biến chứng thể chất.
– Kiểm soát bệnh tâm thần đi kèm và ngăn ngừa tái phát.
– Thúc đẩy sự hợp tác từ bệnh nhân, giúp thay đổi những suy nghĩ không tốt, và giáo dục bệnh nhân về sức khỏe và dinh dưỡng hợp lý cũng rất quan trọng.
Điều trị không sử dụng thuốc
1. Liệu pháp tâm lý: [1]
Phần lớn điều trị tâm thần đối với chứng rối loạn ăn uống tập trung vào với một trong những liệu pháp tâm lý sau:
Liệu pháp nhận thức hành vi
CBT là phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng hàng đầu cho tất cả các chẩn đoán rối loạn ăn uống ở người lớn, phương pháp cũng có thể được điều chỉnh để áp dụng cho thanh thiếu niên. CBT được thiết kế để tạo ra những thay đổi trong suy nghĩ. Trong rối loạn ăn uống, phương pháp tập trung vào nguyên nhân đang khiến cho vấn đề ăn uống của bệnh nhân tiếp diễn.
CBT bao gồm các bài tập tại nhà để hoàn thành giữa các buổi trị liệu. Các vấn đề được giải quyết bao gồm hình dáng và cân nặng, quy tắc ăn kiêng, tâm trạng liên quan đến ăn uống, chủ nghĩa hoàn hảo và lòng tự trọng thấp.
Điều trị dựa vào gia đình (Family-Based Treatment, FBT)
FBT là phương pháp điều trị chứng rối loạn ăn uống dựa trên bằng chứng hàng đầu ở thanh thiếu niên và trẻ em. Trong FBT, cha mẹ đóng một vai trò tích cực và chủ động để giúp con mình.
Liệu pháp tâm lý tương tác cá nhân (Interpersonal psychotherapy, IPT)
IPT là một liệu pháp tập trung, có giới hạn về thời gian được phát triển để điều trị chứng trầm cảm, đã được điều chỉnh phù hợp với chứng rối loạn ăn uống. IPT công nhận tầm quan trọng của các mối quan hệ tương tác giữa các cá nhân hiện tại trong quá trình phục hồi.
Liệu pháp khắc phục nhận thức (Cognitive remediation therapy, CRT)
CRT ban đầu được phát triển cho những bệnh nhân bị chấn thương não, bệnh nhân rối loạn ăn uống có những thiếu sót trong suy nghĩ, đặc biệt là những người có suy nghĩ không linh hoạt.
2. Các liệu pháp khác:[9]
Một số bệnh nhân bị rối loạn ăn uống tìm thấy lợi ích từ các liệu pháp thay thế hoặc hỗ trợ. Tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế và thành viên trong gia đình để xác định xem liệu pháp nào trong số này có thể hữu ích cho người thân.
- Liệu pháp nghệ thuật
- Liệu pháp phản hồi sinh học (Biofeedback)
- Huấn luyện
- Trị liệu tâm lý hỗ trợ kết hợp ngựa trong quá trình điều trị
- Giải mẫn cảm chuyển động của mắt (EMDR)
- Tập thể dục
- Liệu pháp thôi miên
- Viết nhật ký
- Mát xa
- Thiền
- Liệu pháp vận động
- Liệu pháp tâm kịch (Psychodrama)
- Huấn luyện thư giãn
- Yoga
Điều bị bằng thuốc:
Thuốc không thể chữa khỏi chứng rối loạn ăn uống. Tuy nhiên, một số loại thuốc nhất định có thể giúp kiểm soát ham muốn ăn uống vô độ hoặc đào thải thức ăn, hoặc kiểm soát sự bận tâm quá mức với thực phẩm và chế độ ăn uống. Các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu có thể giúp làm giảm các triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu, thường liên quan đến rối loạn ăn uống.[3]
Các thuốc thường được kê đơn:[9]
Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (Selective serotonin reuptake inhibitors – SSRIs)
Fluoxetine (Prozac, Sarafem) **Thuốc duy nhất được FDA chấp thuận để điều trị rối loạn ăn uống, và được chấp thuận để điều trị chứng cuồng ăn
Citalopram (Celexa)
Escitalopram (Lexapro)
Fluvoxamine (Luvox)
Paroxetine (Paxil)
Sertraline (Zoloft)
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin/ norepinephrine (Serotonin/norepinephrine reuptake inhibitors – SNRIs)
Duloxetine (Cymbalta)
Venlafaxine (Effexor)
Desvenlafaxine (Pristiq)
Benzodiazepines
Alprazolam (Xanax)
Chlordiazepoxide (Librium)Clonazepam (Klonopin)
Diazepam (Valium)
Lorazepam (Ativan)
Thuốc chống rối loạn tâm thần không điển hình: Aripiprazole (Abilify), Olanzapine (Zyprexa), Quetiapine (Seroquel), Risperidone (Risperdal), Ziprasidone (Geodon)
Các thuốc ít được kê đơn hơn: Tricyclics; Thuốc chống trầm cảm vòng có sửa đổi (Trazodone); Thuốc ức chế monoamine oxidase, Monoamine oxidase inhibitors – MAOIs.[9]
TIPS/PEARLS:[6]
Cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế cấp (bao gồm nhập viện cấp cứu) cho những người bị rối loạn ăn uống mất cân bằng điện giải nghiêm trọng, suy dinh dưỡng nặng, mất nước nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu suy nội tạng.
Đối với những người bị rối loạn ăn uống, những người cần bổ sung để khôi phục sự cân bằng điện giải, cung cấp những chất này bằng đường uống trừ khi bệnh nhân có vấn đề về hấp thu qua đường tiêu hóa hoặc rối loạn điện giải nghiêm trọng.
Đối với những người bị rối loạn ăn uống và tiếp tục mất cân bằng điện giải không rõ nguyên nhân, hãy đánh giá xem liệu có phải là do một tình trạng khác gây ra hay không.
Khuyến khích những người mắc chứng rối loạn ăn uống đang nôn mửa:
- Thường xuyên đánh giá nha khoa và y tế
- Tránh đánh răng ngay sau khi nôn
- Súc miệng bằng nước súc miệng không axit sau khi nôn
- Tránh thức ăn và đồ uống có tính axit cao.
Khuyên những người bị rối loạn ăn uống đang lạm dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu rằng:
- Thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu không làm giảm sự hấp thụ calo và do đó không giúp giảm cân
- Giảm dần và ngừng sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc lợi tiểu.
Khuyên những người mắc chứng rối loạn ăn uống đang tập thể dục quá mức cần dừng việc tập luyện lại.
Tham khảo thêm các hướng dẫn điều trị:
- Hướng dẫn điều trị bệnh nhân rối loạn ăn uống theo DSM-V của American Psychiatric Asociation: https://www.psychiatry.org/psychiatrists/practice/dsm
- Khuyến cáo điều trị rối loạn ăn uống của NICE (update 2020): https://www.nice.org.uk/guidance/ng69/chapter/Recommendations#general-principles-of-care
- Hướng dẫn quản lý bệnh nhân rối loạn ăn uống nội trú: https://www.health.nsw.gov.au/mentalhealth/resources/Publications/inpatient-adult-eating-disorders.pdf
- Hướng dẫn xác định mức độ chăm sóc bệnh nhân rối loạn ăn uống:https://www.nationaleatingdisorders.org/toolkit/parent-toolkit/level-care-guidelines-patients
TEAMWORK:[6]
Nhiều bệnh nhân sử dụng một nhóm điều trị để điều trị các khía cạnh khác nhau của chứng rối loạn ăn uống. Nhóm điều trị thường bao gồm: bác sĩ (bác sĩ chăm sóc chính, bác sĩ nhi khoa, bác sĩ tim mạch, v.v.), nhà trị liệu tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ tâm thần, nhà trị liệu bổ sung theo yêu cầu (nhà trị liệu yoga, nhà trị liệu nghệ thuật, v.v.), người quản lý tại công ty bảo hiểm (nếu cần) [10]
Các chuyên gia về rối loạn ăn uống và các nhóm chăm sóc sức khỏe khác nên hợp tác để hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh đi kèm về thể chất hoặc tâm thần ở những người mắc chứng rối loạn ăn uống. Khi hợp tác, các nhóm nên sử dụng các thước đo kết quả cho cả chứng rối loạn ăn uống và các bệnh đi kèm về thể chất và tinh thần, để theo dõi hiệu quả của các phương pháp điều trị cho từng tình trạng cũng như tác động tiềm ẩn của chúng đối với nhau.
Hãy lưu ý rằng các thành viên trong gia đình hoặc người chăm sóc bệnh nhân mắc chứng rối loạn ăn uống có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi quá trình điều trị diễn ra, nên đề nghị các thành viên trong gia đình hoặc người chăm sóc bệnh nhân đánh giá nhu cầu của chính bản thân họ, bao gồm: tác động của chứng rối loạn ăn uống đối với họ và sức khỏe tâm thần của họ; họ cần hỗ trợ gì, bao gồm hỗ trợ thực tế và kế hoạch khẩn cấp nếu người mắc chứng rối loạn ăn uống có nguy cơ cao về y tế hoặc tâm thần.
Lưu ý: Tất cả những thông tin trên Pharmavn.org được cập nhật từ nhiều nguồn tham khảo của Hoa Kỳ và chỉ có tính chất tham khảo. Tuyệt đối tuân theo sự tư vấn và chỉ định của các chuyên gia Y tế khi điều trị và dùng thuốc. Chúng tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý chữa trị và dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmavn.org
Tài liệu tham khảo
[2] https://www.nimh.nih.gov/health/topics/eating-disorders/index.shtml
[3]https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/eating-disorders/diagnosis-treatment/drc-20353609
[5] https://www.aafp.org/afp/2003/0115/p297.html
[6] https://www.nice.org.uk/guidance/ng69/chapter/Recommendations#general-
principles-of-care
[7] https://www.nationaleatingdisorders.org/risk-factors
[8] https://www.nationaleatingdisorders.org/evaluation-and-diagnosis
[10] https://www.nationaleatingdisorders.org/what-expect-treatment