Thiết bị cấy ghép não Stentrode™ phục hồi khả năng vận động cho bệnh nhân liệt nặng

Thiết bị cấy ghép não Stentrode™ phục hồi khả năng vận động cho bệnh nhân liệt nặng

Stentrode™ được phát triển bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Melbourne, Bệnh viện Hoàng gia Melbourne, Viện Khoa học Thần kinh và Sức khỏe Tâm thần Florey, Đại học Monash và Synchron Australia – một công ty chế tạo thiết bị được thành lập bởi Phó Giáo sư Thomas Oxley (Giám đốc điều hành) và Nicholas Opie ( Giám đốc kỹ thuật) nhằm phát triển và thương mại hóa các sản phẩm và công nghệ sinh học thần kinh. Stentrode™ được tạo ra nhờ vào các chuyên gia kỹ thuật và y tế hàng đầu thế giới.

Stentrode™ đã được cấy ghép thành công trên hai bệnh nhân, cả hai đều bị liệt nặng do bệnh thần kinh vận động (MND) – hay còn gọi là bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) – và hoàn toàn không có khả năng cử động chi trên.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy Stentrode™ có thể khôi phục dẫn truyền các xung động não ra khỏi cơ thể mà không cần các dây kết nối. Điều này giúp bệnh nhân có thể thực hiện tốt các công việc hàng ngày mà trước đây họ không thể làm được như giao dịch ngân hàng trực tuyến, mua sắm và nhắn tin.

Thiết bị đã được đưa vào mạch máu não những người tham gia nghiên cứu, bên cạnh vỏ não vận động, thông qua một vết rạch nhỏ ở cổ. “Quá trình cấy ghép không dễ dàng, và có sự khác biệt trong mỗi ca phẫu thuật tùy thuộc vào cơ địa giải phẫu học của bệnh nhân, tuy nhiên trong cả hai trường hợp, bệnh nhân có thể xuất viện sau chỉ vài ngày, cho thấy sự hồi phục nhanh chóng sau ca phẫu thuật”, GS. Mitchell, Bệnh viện Hoàng gia Melbourne, nghiên cứu viên chính của cuộc thử nghiệm cho biết.

“Chúng tôi đã cung cấp một công nghệ không dây có thể cấy ghép hoàn toàn và mang về nhà mà không cần phẫu thuật mở não, có chức năng khôi phục các hoạt động tự do cho những người khuyết tật nặng”, Phó Giáo sư Oxley – Nhà nghiên cứu thần kinh kiêm Giám đốc điều hành của Synchron – đối tác thương mại của nghiên cứu cho biết.

Hai bệnh nhân đã sử dụng Stentrode™ để điều khiển hệ điều hành máy tính, kết hợp với thiết bị theo dõi ở mắt để điều hướng con trỏ mà không cần chuột hoặc bàn phím.

Họ cũng tiến hành huấn luyện với sự hỗ trợ của máy học để kiểm soát nhiều hành động nhấp chuột, bao gồm cả thu phóng và nhấp chuột trái. Hai bệnh nhân đầu tiên đạt được độ chính xác khi nhấp chuột trung bình lần lượt là 92% và 93%, và tốc độ đánh máy là 14 và 20 ký tự mỗi phút.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng mặc dù còn vài năm nữa trước khi công nghệ có khả năng phục hồi khả năng hoàn thành các công việc hàng ngày một cách độc lập được công bố rộng rãi, những nhóm nghiên cứu liên ngành trên toàn cầu đang làm việc không mệt mỏi để biến điều này thành hiện thực.

 

Biên dịch

Huỳnh Yến Thanh

TS. Nguyễn Thị Thanh Vân

 

Tài liệu tham khảo

  1. https://about.unimelb.edu.au/newsroom/news/2020/october/small-brain-device-proves-big-game-changer-for-severely-paralysed-patients?fbclid=IwAR3-Mkzt1TQC60fKa-PhAetW5etVHwzRWkxcDqGSiivKjasg1QBF5hUCrpE
  2. Thomas J Oxley et al, Motor neuroprosthesis implanted with neurointerventional surgery improves capacity for activities of daily living tasks in severe paralysis: first in-human experience, Journal of NeuroInterventional Surgery (2020).

Image credit : Synchron, medgadget.com , University of Melbourne.

Chia sẻ bài viết