Viêm khớp dạng thấp

viem-khop-dang-thap

Viêm khớp dạng thấp

Tác giả: Lâm Trịnh Diễm Ngọc, TS.DS. Phạm Đức Hùng

1. GIỚI THIỆU

– Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn và viêm, gây ra tình trạng viêm (sưng đau) ở các bộ phận bị ảnh hưởng của cơ thể [1].

– RA chủ yếu tấn công màng hoạt dịch của khớp, gây viêm và đau kéo dài. Bệnh thường ảnh hưởng đến các khớp ở bàn tay, cổ tay, đầu gối hoặc mắt cá chân và thường là cùng một khớp ở cả hai bên cơ thể [2].

– RA cũng có thể gây biến chứng ở các cơ quan như phổi, tim, mạch máu và mắt [2].

2. BỆNH SINH [1,3]

– RA là kết quả của phản ứng tự miễn, có nghĩa là hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Nguyên nhân cụ thể của RA vẫn chưa được biết rõ, nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gồm có:

+ Tuổi tác (nguy cơ cao từ 40-60 tuổi)

+ Giới tính: tỉ lệ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam 2-3 lần, được cho là có liên quan đến hormone

+ Yếu tố di truyền: Người mang gen HLA lớp II (kháng nguyên bạch cầu người) có khả năng phát triển bệnh

+ Bệnh nhiễm: Có giả thuyết cho rằng một số vi khuẩn hoặc vi-rút (EBV, E. coli, HCV, mycobacterium) có thể gây ra sự “nhầm lẫn” của hệ thống miễn dịch.

+ Hút thuốc lá

+ Béo phì

+ Stress

3. TRIỆU CHỨNG [2,4]

– Giai đoạn đầu: Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể không thấy đỏ hoặc sưng ở các khớp, nhưng họ có thể bị căng cứng và đau. Một số triệu chứng gợi ý chẩn đoán RA gồm có:

+ Đau, sưng hoặc cứng khớp kéo dài trong 6 tuần hoặc lâu hơn.

+ Cứng khớp buổi sáng kéo dài trong 30 phút hoặc lâu hơn.

+ Nhiều hơn một khớp bị ảnh hưởng.

+ Các khớp nhỏ (cổ tay, bàn tay, bàn chân) thường bị ảnh hưởng đầu tiên.

+ Khớp bệnh có tính đối xứng ở hai bên trái phải của cơ thể

+ Nhiều người bị RA rất mệt mỏi và một số có thể bị sốt nhẹ.

– Giai đoạn 2: Cơ thể sản sinh kháng thể và tình trạng sưng trở nên tồi tệ hơn. Các cục u trên khuỷu tay được gọi là nốt thấp khớp (rheumatoid nodules) cũng có thể phát triển. Bệnh có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác (phổi, mắt, tim, phát ban da) và gây viêm ở đó.

– Giai đoạn 3: Các khớp bắt đầu bị cong và biến dạng. Những khớp sai lệch này có thể đè lên các dây thần kinh và gây đau dây thần kinh.

– Giai đoạn 4: Các khớp trở nên hợp nhất. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn cuối, trong đó “không còn khớp nào và khớp về cơ bản được hợp nhất”. May mắn thay, nếu được điều trị, bệnh sẽ không phát triển đến giai đoạn này.

viem-khop-dang-thap

4. LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG [2]

– Thăm khám lâm sàng: dựa trên các triệu chứng khớp, thời gian, mức độ nghiêm trọng, tiền sử gia đình…

– Cận lâm sàng:

Xét nghiệm máu – Công thức máu: Hồng cầu giảm, bạch cầu và tiểu cầu tăng

– Tốc độ lắng máu (ESR) và nồng độ protein phản ứng C (CRP) thường tăng (chỉ dấu viêm)

– Yếu tố dạng thấp (RF) thường giảm, còn khoảng 60 – 70% ở những người bị RA

Xét nghiệm hình ảnh – Chụp X-quang, siêu âm hoặc MRI (chụp cộng hưởng từ) có thể quan sát thấy hình ảnh mòn xương. Nhưng nếu chúng không xuất hiện trong các xét nghiệm ban đầu có nghĩa là RA đang ở giai đoạn đầu và chưa làm tổn thương xương.

– Kết quả hình ảnh cũng có thể cho thấy hiệu quả của việc điều trị.

viem-khop-dang-thap

 

Xem thêm: bệnh thoái hoá khớp

 

5. ĐIỀU TRỊ

– Mục tiêu điều trị [2]

+ Ngừng viêm hoặc giảm xuống mức thấp nhất có thể

+ Giảm triệu chứng.

+ Ngăn ngừa tổn thương khớp và nội tạng.

+ Cải thiện chức năng và sức khỏe tổng thể.

+ Hạn chế các biến chứng lâu dài.

– Thời gian điều trị: Suốt đời

– Điều trị dùng thuốc: Bắt đầu dùng thuốc càng sớm càng tốt giúp ngăn ngừa các khớp bị tổn thương lâu dài hoặc  vĩnh viễn [5]:

+ Nhóm đầu tay: DMARD (thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm). Thông thường, bác sĩ kê đơn DMARD cùng với NSAID và / hoặc corticosteroid liều thấp, để giảm sưng và đau. Các thuốc DMARD phổ biến bao gồm methotrexate (Rheumatrex, Trexall, Otrexup, Rasuvo), leflunomide (Arava), hydroxychloroquine (Plaquenil) và sulfasalazine (Azulfidine).

+ Những bệnh nhân mắc bệnh nghiêm trọng hơn có thể cần dùng đến các loại thuốc sinh học như kháng TNF, kháng IL6. Chúng có thể ngăn chặn các tín hiệu hóa học của hệ thống miễn dịch dẫn đến viêm và tổn thương mô/khớp. Các loại thuốc được FDA chấp thuận thuộc loại này bao gồm abatacept (Orencia), adalimumab (Humira), anakinra (Kineret), certolizumab (Cimzia), etanercept (Enbrel), golimumab (Simponi) infliximab (Remicade), rituximab (Rituxan, Mabumabra), saril (Kevzara) và tocilizumab (Actemra). Thông thường, bệnh nhân dùng những loại thuốc này với methotrexate, vì sự kết hợp của các loại thuốc sẽ hữu ích hơn.

+ Thuốc ức chế Janus kinase (JAK) là một loại DMARD khác. Những người không thể điều trị bằng methotrexate một mình có thể được kê đơn thuốc ức chế JAK như tofacitinib (Xeljanz) hoặc baracitinib (Olumiant).

– Điều trị không dùng thuốc [1,2]

+ Tập thể dục, cân bằng hoạt động với nghỉ ngơi: các chuyên gia khuyên nên hoạt động thể chất 150 phút/tuần

+ Giáo dục bệnh nhân

+ Bỏ thuốc lá

+ Ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý

+ Liệu pháp “nóng” và “lạnh”: Các liệu pháp nhiệt chẳng hạn như miếng đệm nhiệt hoặc tắm nước ấm giúp làm dịu các khớp cứng và cơ mệt mỏi. Các liệu pháp lạnh tốt nhất cho cơn đau cấp tính và sưng khớp nhờ làm tê các vùng đau và giảm viêm.

+ Sử dụng các sản phẩm bôi ngoài da (kem, gel hoặc miếng dán) để làm dịu cơn đau.

+ Sử dụng các thực phẩm bổ sung: Các nghiên cứu cho thấy thực phẩm bổ sung chứa curcumin/nghệ và dầu cá omega-3 có thể giúp giảm đau do viêm khớp dạng thấp và cứng khớp vào buổi sáng.

+ Giảm stress

 

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.cdc.gov/arthritis/basics/rheumatoid-arthritis.html
  2. https://www.arthritis.org/diseases/rheumatoid-arthritis
  3. https://www.verywellhealth.com/risk-factors-for-rheumatoid-arthritis-190347
  4. https://creakyjoints.org/treatment/rheumatoid-arthritis-stages-progression/
  5. https://www.rheumatology.org/I-Am-A/Patient-Caregiver/Diseases-Conditions/Rheumatoid-Arthritis

Thumbnail pic at get healthy stay healthy

Chia sẻ bài viết