Các khuyến nghị mới về tầm soát và điều trị giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung

Các khuyến nghị mới về tầm soát và điều trị giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung

Ngày càng có nhiều phụ nữ, đặc biệt là  phụ nữ có thu nhập thấp, đã tử vong vì căn bệnh ung thư cổ tử cung – một căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị được. Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản (HRP) đã đưa ra một hướng dẫn mới về các biện pháp tầm soát và điều trị căn bệnh quái ác này.

Chấm dứt bệnh ung thư cổ tử cung

Vào năm 2020, hơn nửa triệu phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung và khoảng 342,000 người đã tử vong do căn bệnh này, hầu hết là phụ nữ đến từ các quốc gia thu nhập thấp. Do đó, các chương trình sàng lọc nhanh và chính xác là rất quan trọng để giúp các phụ nữ mắc bệnh được điều trị và giảm thiểu khả năng tử vong.

Chiến lược toàn cầu của WHO về loại trừ ung thư cổ tử cung được Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) thông qua vào năm 2020, với mục tiêu là 70% phụ nữ trên toàn cầu xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên và 90% người mắc bệnh được điều trị chăm sóc thích hợp. Bên cạnh việc tiêm chủng cho trẻ em gái chống lại virus HPV (Human papillomavirus – HPV), việc thực hiện chiến lược toàn cầu này có thể ngăn chặn hơn 62 triệu ca tử vong do ung thư cổ tử cung trong vòng 100 năm tới.

Hướng dẫn điều trị mới này của WHO sẽ  giúp các tổ chức y tế công nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua việc sử dụng công cụ chẩn đoán tốt hơn, quy trình thực hiện hoàn thiện hơn và  nhiều lựa chọn phương pháp tầm soát hơn để tiếp cận nhiều phụ nữ hơn, cũng như cứu sống nhiều người hơn.

Thay đổi trong việc chăm sóc

Hướng dẫn mới bao gồm một số thay đổi quan trọng trong các phương pháp tiếp cận, sàng lọc ung thư được khuyến nghị bởi WHO để. Đặc biệt, WHO khuyến nghị xét nghiệm HPV-DNA là phương pháp để tầm soát ung thư cổ tử cung, hơn là nghiệm pháp acid acetic (Visual inspection with acetic acid – VIA) hay phết tế bào cổ tử cung (Pap smear).

Xét nghiệm HPV-DNA phát hiện các chủng HPV nguy cơ cao gây ra hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung. Không giống như các xét nghiệm kiểm tra trực quan, xét nghiệm HPV-DNA là một chẩn đoán khách quan, giảm thiểu việc sai lầm trong diễn giải kết quả. Mặc dù quy trình lấy mẫu cổ tử cung ở các xét nghiệm là tương tự nhau, nhưng so với VIA hay Pap smear thì xét nghiệm HPV-DNA đơn giản hơn, giúp ngăn ngừa nhiều khả năng tiền ung thư và ung thư hơn, ngoài ra còn tiết kiệm chi phí hơn.

Các khuyến nghị về mối liên hệ giữa HPV và HIV

Những phụ nữ bị suy giảm miễn dịch, ví dụ như nhiễm HIV, là những người có nguy cơ cao bị bệnh ung thư cổ tử cung. Họ có nhiều khả năng bị nhiễm HPV dai dẳng và tiến triển nhanh hơn đến tiền ung thư và ung thư. Điều này dẫn đến nguy cơ ung thư cổ tử cung ở phụ nữ sống chung với HIV cao gấp 6 lần so với những người không suy giảm miễn dịch

Để giải quyết điều này, hướng dẫn mới đã bao gồm các khuyến nghị dành riêng cho phụ nữ mắc HIV. Các khuyến nghị bao gồm việc sử dụng xét nghiệm sàng lọc chính là HPV-DNA, sau đó là xét nghiệm bộ ba (triage test) nếu kết quả dương tính với HPV để đánh giá kết quả về nguy cơ ung thư cổ tử cung và nhu cầu điều trị. Các khuyến nghị toàn cầu cũng khuyên rằng, với đối tượng này, nên bắt đầu sàng lọc ung thư cổ tử cung ở độ tuổi sớm hơn (25 tuổi) so với phụ nữ nói chung (30 tuổi). Phụ nữ  mắc HIV cũng cần được tái kiểm tra sau một khoảng thời gian ngắn hơn sau khi xét nghiệm dương tính và sau khi điều trị so với phụ nữ không nhiễm HIV.

Mọi can thiệp đều có giá trị để loại bỏ ung thư cổ tử cung

WHO kêu gọi tất cả phụ nữ đảm bảo được xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên theo khuyến nghị của cơ quan y tế địa phương.

Source: New recommendations for screening and treatment to prevent cervical cancer. World Health Organization. 6 July 2021.

Biên dịch: Nguyễn Thanh Huyền

Hiệu đính: DS. Nguyễn Thị Tùng Lê

Image by goonerua from freepik.com

Chia sẻ bài viết