Vùng não liên quan đến hành vi tìm kiếm các thông tin tiêu cực?

Vùng não liên quan đến hành vi tìm kiếm các thông tin tiêu cực?

Trong thời kì COVID-19 như hiện nay, một thuật ngữ mới đang dần nổi lên “doom-scrolling” – ý chỉ hiện tượng liên tục lướt các trạng mạng xã hội để tìm đọc các tin tức xấu, tiêu cực hay bất kì mẩu tin đầy giật gân nào. Điều này có thể được giải thích theo khoa học thần kinh vì các nhà nghiên cứu ở Đại học Y Washington vừa xác định được các vùng và tế bào não cụ thể bị kích thích khi một cá nhân đối diện với lựa chọn tìm hiểu hay trốn tránh trước một tin xấu mà họ không có khả năng đề phòng được. Nghiên cứu này có thể giúp chúng ta hiểu thêm về các cơ chế ẩn dưới các vấn đề tâm lý như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn lo âu, cũng như hiểu được cách bộ não chúng ta xử lý thế nào với cơn bão thông tin trong thời đại ngày nay.

Ilya Monosov – tác giả chính của nghiên cứu, đồng thời là PGS.TS của khoa kỹ thuật y sinh, phẫu thuật thần kinh và khoa học thần kinh cho biết “Bộ não của chúng ta không được trang bị để có thể xử lý tốt trong thời đại thông tin như hiện nay. Mọi người liên lục và không ngừng tìm kiếm các tin tức mới, trong khi đó, có rất nhiều tin tức hoàn toàn không giúp ích gì. Lối sống này có thể bắt nguồn từ các mạch thần kinh bên trong não – thứ mà đã tiến hóa qua hàng triệu năm để có thể giúp chúng ta sống sót trong một thế giới đầy bất ổn và đổi thay.”

Vào năm 2019, các nhà nghiên cứu thuộc phòng lab của Monosov – TS. J. Kael White và TS. Ethan S. Bromberg-Martin khi tiến hành nghiên cứu trên khỉ, đã xác định được 2 vùng não liên quan đến vấn đề theo dõi các sự kiện tích cực được biết trước. Hoạt động của các vùng não này đã thúc đẩy những chú khỉ tìm hiểu thêm về các sự kiện tích cực sắp diễn ra. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các nhà khoa học vẫn không rõ liệu cơ chế này có tương tự đối với các tin tức tiêu cực hay không. Monosov cho biết: “Ở phòng khám, khi bạn đề nghị ai đó xét nghiệm gen để xác định xem họ có mắc các chứng bệnh như Huntington hay không, một số người sẽ lập tức đồng ý, một số khác sẽ từ chối cho đến khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện.”

Để xác định được vùng não liên quan đến việc tìm kiếm thông tin tiêu cực, T.S Ahmad Jezzini và Monosov đã huấn luyện các chú khỉ nhận dạng một điều xấu sắp xảy ra bằng ký hiệu, khi ký hiệu này xuất hiện, chúng sẽ bị thổi vào mặt một luồng gió gây khó chịu với nhiều mức độ chắc chắn khác nhau, sau đó xuất hiện một ký hiệu thứ hai để khẳng định lại việc chúng có bị thổi gió hay không. Các nhà nghiên cứu sẽ ghi nhận liệu các chú khỉ sẽ muốn xem ký hiệu thứ hai hay sẽ nhắm mắt để lẩn tránh, bên cạnh đó trong một thí nghiệm riêng biệt khác, chúng còn được phép lựa chọn giữa các ký hiệu khác nhau (đi kèm với một kết quả cụ thể).

Cũng như chúng ta, các chú khỉ phản ứng rất khác nhau đối với tin xấu, một số thì muốn biết, một số thì không. Tuy nhiên, đối với tin tốt, thái độ phản ứng cùa chúng lại hoàn toàn tương đồng, khi được lựa chọn liệu có muốn biết chúng có được uống nước trái cây hay không (phần thưởng), thì tất cả đều lựa chọn muốn biết. Bằng cách đo các hoạt động thần kinh của não bộ khi đối diện với những lựa chọn đó, các nhà khoa học đã xác định được rằng, vùng vòng cung vỏ não trước (AAC) mã hóa thông tin về thái độ đối với các sự kiện tốt hoặc xấu một cách riêng biệt. Một vùng não khác – vỏ não trước trán bụng bên (VLPFC) – chứa các tế bào riêng lẻ có chức năng phản ánh thái độ chung của loài khỉ: “có” đối với cả tin tốt và tin xấu hoặc chỉ “có” đối với tin tốt mà thôi.

Việc hiểu các hoạt động thần kinh liên quan đến sự bất định là một bước tiến giúp chúng ta có thể xây dựng các liệu pháp điều trị tốt hơn cho những bệnh nhân mắc các chứng rối loạn có liên quan đến tình trạng không chịu được sự bất định hay thay đổi như rối loạn lo âu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Monosov cho rằng “Chúng ta sống trong một thế giới mà bộ não ta có chưa kịp tiến hóa để có thể thích nghi. Việc tiếp xúc với các cơn bão thông tin một cách liên tục là một thử thách cần phải vượt qua. Tôi cho rằng nghiên cứu này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cơ chế tìm kiếm thông tin và đặc biệt quan trọng đối với xã hội cũng như sức khỏe tinh thần ở mức độ dân số.”

Người dịch: Nguyễn Thị Cẩm Trâm

Nguồn:

Tamara Bhandari. “Study finds brain areas involved in seeking information about bad possibilities”. Science Daily. Ngày cập nhật: 11/6/21. Ngày truy cập 23/6/21. <https://www.sciencedaily.com/releases/2021/06/210611110807.htm>

image by freepik.com

Chia sẻ bài viết