Các biến cố bất lợi liên quan đến việc phối hợp Aspirin với thuốc kháng đông trực tiếp đường uống mà không có chỉ định rõ ràng
Biên dịch : BS. Ngô Như Ngọc
Hiệu đính : BS. Đặng Xuân Thắng
Viết tắt : DOAC (direct oral anticoagulant) = Thuốc kháng đông trực tiếp đường uống; ASA (acetylsalicylic) = Aspirin; VTE (enous thromboembolic disease) = Bệnh huyết khối tĩnh mạch; AF (atrial fibrillation) = Rung nhĩ; MI (myocardial infarction) = Nhồi máu cơ tim.
Chú thích : Anticoagulation Clinics (ACs) là các phòng khám chuyên về chống đông máu. Ban đầu nó được phát triển để cung cấp dịch vụ chăm sóc an toàn và hiệu quả cho những bệnh nhân được điều trị bằng Wafarin cho rung nhĩ, huyết khối tĩnh mạch và thay van cơ học. (Nguồn: https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/CIRCOUTCOMES.115.002366)
Tóm tắt
Tầm quan trọng
Hiện nay chưa có thống kê cụ thể có bao nhiêu bệnh nhân được điều trị bằng thuốc chống đông trực tiếp đường uống (DOAC) đang sử dụng đồng thời với axit acetylsalicylic (ASA, hoặc aspirin) và điều này ảnh hưởng như thế nào đến kết quả lâm sàng.
Mục tiêu
Đánh giá tần suất và kết cục của việc kê đơn đồng thời ASA và DOAC trên bệnh nhân rung nhĩ (AF) hay huyết khối tĩnh mạch (VTE).
Nguồn hình: https://pmj.bmj.com/content/90/1067/520
Thiết kế, bối cảnh và đối tượng tham gia nghiên cứu
Nghiên cứu thuần tập này dựa trên cơ sở dữ liệu được tiến hành tại 4 phòng khám chuyên về chống đông ở Michigan từ tháng 01/2015 đến tháng 12/2019. Đối tượng phải đảm bảo điều kiên tham gia bao gồm: là người trưởng thành, đang điều trị AF/VTD với DOAC, không ghi nhận tiền sử nhồi máu cơ tim (MI) hoặc thay van tim trước đó và phải theo dõi ít nhất 3 tháng.
Yếu tố phơi nhiễm
Sử dụng phối hợp ASA với DOAC.
Kết quả chính và tham số đo lường
Tỷ lệ chảy máu (bất kỳ, không nặng, nặng); tỷ lệ huyết khối (đột quỵ, VTE, MI) và các biến cố gồm: đến khoa cấp cứu, nhập viện và tử vong.
Kết quả
Trong nghiên cứu thuần tập này bao gồm 3280 bệnh nhân (1673 [51.0%] nam; tuổi trung bình [độ lệch chẩn] 68.2 [13.3]), trong đó 1107 (33.8%) bệnh nhân được điều trị phối hợp ASA và DOAC nhưng không có chỉ định rõ ràng về ASA. Các tác giả chia đối tượng nghiên cứu thành 2 nhóm, mỗi nhóm có 1047 bệnh nhân, một nhóm phối hợp DOAC với ASA và một nhóm chỉ dùng DOAC. Bệnh nhân được theo dõi trong thời gian trung bình (độ lệch chuẩn) là 20.9 (19.0) tháng. Nhóm bệnh nhân dùng DOAC phối hợp với ASA gặp nhiều biến cố chảy máu hơn so với nhóm đơn trị liệu DOAC (26.0 so với 31.6 lần chảy máu trên 100 bệnh nhân năm, P = 0.01). Cụ thể, nhóm bệnh nhân đang điều trị phối hợp có tỷ lệ chảy máu “không nặng” cao hơn đáng kể (26.1 chảy máu so với 21.7 lần chảy máu trên 100 bệnh nhân năm, P = 0.02) so với nhóm đơn trị liệu DOAC. Tỷ lệ chảy máu nặng thì tương tự nhau giữa 2 nhóm. Tỷ lệ biến cố huyết khối cũng tương tự giữa các nhóm thuần tập (2.5 biến cố so với 2.3 biến cố trên 100 năm bệnh nhân đối với bệnh nhân sử dụng phối hợp DOAC và ASA so với DOAC đơn trị liệu, P = 0.80). Nhóm bệnh nhân sử dụng liệu pháp kết hợp có tuần suất thường xuyên hơn (9.1 so với 6.5 lần nhập viện trên 100 bệnh nhân năm, P = 0.02).
Kết luận:
Gần 1/3 bệnh nhân rung nhĩ và/hoặc huyết khối tĩnh mạch được điều trị bằng DOAC phối hợp với ASA mà không có chỉ định rõ ràng. So sánh với DOAC đơn trị liệu, sử dụng DOAC và ASA đồng thời có liên quan đến việc tăng nguy cơ chảy máu và tần suất nhập viện nhưng tỷ lệ huyết khối quan sát được thì tương tự ở cả hai nhóm. Các nghiên cứu trong tương lai nên xác định và mô tả ASA cho bệnh nhân khi mà nguy cơ vượt quá lợi ích có thể dự đoán được.
Nguồn ảnh đại diện: https://centerforhealthreporting.org/thuoc/aspirin