Chủ đề chăm sóc da: Vitamin C

Vitamin C

Chủ đề chăm sóc da: Vitamin C

Bài viết thuộc series bài chủ đề Chăm sóc da. Trong bài này, chúng tôi thảo luận về các vai trò tiềm năng và tổng hợp những kiến ​​thức hiện tại về vitamin C đối với sức khỏe làn da.

Nhóm tác giả: Nguyễn Thanh Huyền, Nguyễn Thị Cẩm Trâm, DS. Huỳnh Yến Thanh, TS. Nguyễn Thị Thanh Vân

Tổng quan

Vitamin C (acid ascorbic) là một chất được yêu thích trong ngành công nghiệp làm đẹp nhờ đặc tính làm sáng da và se khít lỗ chân lông.[1] Đặc tính chống oxy hóa và vai trò của nó trong quá trình tổng hợp collagen làm cho vitamin C trở thành một phân tử quan trọng đối với sức khỏe làn da. Acid ascorbic trong chế độ ăn uống và bôi tại chỗ có tác dụng hữu ích đối với tế bào da. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin C có thể giúp ngăn ngừa và điều trị lão hóa da do ảnh hưởng bởi tia cực tím (UV). Tuy nhiên, tác dụng đối với làn da vẫn chưa được hiểu rõ do nghiên cứu còn hạn chế.

Vitamin C là một trong những chất chống oxy hóa tự nhiên trong thiên nhiên. Hầu hết các loài thực vật và động vật đều có thể tổng hợp vitamin C in vivo từ glucose. Con người và một số loài động vật có xương sống khác thiếu enzyme L-glucono-gamma lactone oxidase cần thiết để tổng hợp vitamin C in vivo và do đó, con người phải bổ sung từ các nguồn tự nhiên như trái cây họ cam quýt, rau xanh, dâu tây, đu đủ và bông cải xanh. Từ “Ascorbus” có nghĩa là không có bệnh Scorbut. Thực phẩm giàu vitamin C như chanh được các thủy thủ mang theo trong những chuyến đi dài để tránh bệnh Scorbut – một bệnh gây chảy máu nướu răng. Năm 1937, Tiến sĩ Albert Szent Goyrgi được trao giải Nobel cho công trình cô lập phân tử vitamin C từ ớt đỏ và xác định vai trò của nó trong bệnh Scorbut.[5]

Vitamin C là một thành phần của da được tìm thấy trong cả lớp hạ bì và biểu bì với hàm lượng cao. Tuy nhiên, quá trình lão hóa gây ra sự suy giảm hàm lượng vitamin C ở cả lớp biểu bì và hạ bì. Việc tiếp xúc quá nhiều với tia UV hoặc các chất ô nhiễm (ví dụ, khói thuốc lá) cũng có thể làm giảm hàm lượng vitamin C, chủ yếu ở lớp biểu bì.[4] Acid L-ascorbic (LAA) là dạng hoạt động hóa học của vitamin C. Trong tự nhiên, vitamin C tồn tại ở hai dạng đồng phân là LAA và D-acid ascorbic và có thể hoán đổi cho nhau. Tuy nhiên, chỉ LAA có hoạt tính sinh học và do đó hữu ích trong thực hành y tế. Ngoài ra, sự hấp thu vitamin C trong ruột bị giới hạn bởi một cơ chế vận chuyển tích cực nên dù khi sử dụng ở liều cao thì cơ thể cũng chỉ hấp thụ một lượng giới hạn. Hơn nữa, sinh khả dụng của vitamin C trong da cũng không phát huy đầy đủ khi dùng đường uống. Do vậy, việc sử dụng acid ascorbic tại chỗ được ưa chuộng hơn trong thực hành da liễu.[5]

Vitamin C và sức khỏe làn da         

Vai trò của vitamin C đối với sức khỏe làn da đã được thảo luận kể từ khi nó được phát hiện vào những năm 1930. Nguyên bào sợi của da phụ thuộc tuyệt đối vào vitamin C để tổng hợp collagen và điều chỉnh sự cân bằng collagen / elastin trong lớp hạ bì. Ngoài ra, việc bổ sung vitamin C đã cho thấy sự tổng hợp collagen được cải thiện trong cơ thể. Tế bào sừng của da có khả năng tích tụ nồng độ vitamin C cao, kết hợp với vitamin E tạo ra khả năng bảo vệ làn da chống lại tia UV. Vitamin C ảnh hưởng đến biểu hiện gen của các enzym chống oxy hóa, tổ chức và tích tụ phospholipid, thúc đẩy sự hình thành của lớp sừng và sự biệt hóa của các tế bào biểu mô nói chung. Các dấu hiệu lão hóa trên da người có thể được cải thiện thông qua việc cung cấp vitamin C, giúp chữa lành vết thương và giảm thiểu sự hình thành sẹo lồi. Điều này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu lâm sàng trên người và động vật.[2],[3]

Các nghiên cứu trên người thường đánh giá sức khỏe làn da bằng những thay đổi về độ sâu hoặc số lượng nếp nhăn và theo nhận thức của từng cá nhân về sức khỏe làn da. Đã có nghiên cứu cho thấy rằng lượng vitamin C hấp thụ cao hơn từ chế độ ăn uống có liên quan đến một làn da đẹp hơn, giảm đáng kể nếp nhăn trên da. Việc  bôi tại chỗ (3-10%) trong ít nhất 12 tuần đã được chứng minh là làm giảm nếp nhăn, giảm tổn thương sợi protein, giảm rõ rệt độ thô ráp của da và tăng sản xuất collagen. Vitamin C bôi tại chỗ cũng đã được chứng minh là có thể đảo ngược một số thay đổi cấu trúc liên quan đến lớp hạ bì và lớp biểu bì. Điều thú vị là một nghiên cứu cho thấy rằng những người có chế độ ăn uống nhiều vitamin C lại làm giảm hoặc mất tác dụng của vitamin C bôi da.[4]

Trong khi một số hoạt chất chỉ có thể được sử dụng vào ban đêm, thì vitamin C có thể được sử dụng vào ban ngày vì khả năng bảo vệ gốc tự do, điều mà làn da thường cần nhiều hơn trong ngày do ảnh hưởng của môi trường ô nhiễm và tia UV. Ngoài ra, khác với một số thành phần chăm sóc da có khả năng gây kích ứng cao hơn như retinol cần được đưa vào quy trình chăm sóc da một cách chậm rãi, thì vitamin C không cần quá thận trọng. Nếu có cảm giác ngứa ran nhẹ khi sử dụng thì đó là điều hoàn toàn bình thường. Vitamin C có thể được sử dụng cho mọi loại da nhưng do độ pH thấp nên đôi khi có cảm giác châm chích nhẹ.[1]

Vitamin C và một số bệnh ngoài da

Việc thiếu hụt vitamin C có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm sự xuất hiện và phát triển của một số bệnh ngoài da, chẳng hạn như viêm da dị ứng (atopic dermatitis – AD) và rối loạn chuyển hóa porphyrin (porphyria cutanea tarda – PCT). Mặt khác, liều lượng cao vitamin C đã làm giảm đáng kể khả năng tồn tại của tế bào ung thư, cũng như khả năng xâm lấn và gây ra quá trình chết tế bào theo chương trình của các khối u ác tính ở người. Ngoài ra, vitamin này còn là chiến lược tiềm năng để điều trị các bệnh ngoài da như bệnh rối loạn chuyển hóa porphyrin, viêm da dị ứng, u hắc tố ác tính, herpes zoster, đau dây thần kinh hậu Zona và là chất bổ trợ cho thuốc hoặc vật lý trị liệu trong các bệnh ngoài da khác.[6]

Kết hợp vitamin C, vitamin E, và chiết xuất tế bào lá mâm xôi có tác dụng chống lão hóa và làm sáng da

Một nghiên cứu[7] đã chứng minh rằng một sản phẩm serum có chứa vitamin C, vitamin E và chiết xuất nuôi cấy tế bào lá mâm xôi có thể cải thiện hầu hết các dấu hiệu của da lão hóa, cụ thể là sạm da, làm tăng độ đàn hồi, rạng rỡ, mịn màng, căng da và giảm nếp nhăn. Hơn nữa, serum được dung nạp tốt. Vitamin C và vitamin E có tác dụng bảo vệ quan trọng trong quá trình lão hóa và cần được cung cấp từ bên ngoài. Chiết xuất lá mâm xôi chứa các hoạt chất thực vật có khả năng cấp ẩm và giữ ẩm cho da. Do đó, các sản phẩm bôi ngoài da có sự kết hợp của ba thành phần này mang lại hiệu quả chống lão hóa tốt hơn so với khi sử dụng các thành phần đơn lẻ.

Dẫn chất Vitamin C – squalene giúp thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp collagen ở da người 

Khi càng có tuổi, cơ thể sẽ càng giảm tổng hợp hai loại collagen chính trong da là collagen loại 1 và loại 3. Vitamin C là một trong những chất giúp thúc đẩy sự tổng hợp các collagen này, tuy nhiên vì có tính thân nước nên khả năng thấm qua lớp sừng của chúng rất kém. Để khắc phục tình trạng trên, các nhà khoa học đã nghiên cứu [8] tạo ra một phiên bản thân dầu hơn của Vit C nhằm cải thiện khả năng thấm qua da của chúng, họ dùng liên kết hóa trị để gắn vitamin C với squalene (SQ) – một loại lipid tự nhiên trong da để tạo thành một dẫn chất Vit C-SQ phù hợp cho các công thức kem bôi da. Hiệu quả về mặt sinh học của dẫn chất này được xác định trên một mô hình nuôi cấy da người ex vivo. Khi so sánh kết quả với chất tham chiếu là Vit C-Palmitate (một loại acid béo thân dầu khác), người ta nhận thấy rằng dẫn chất Vit C-SQ giúp tăng độ dày của lớp thượng bì một cách đáng kể và tăng tổng hợp collagen loại 3 một cách có chọn lọc trên da chỉ sau 10 ngày. Đồng thời, dẫn chất này cũng làm tăng sự tổng hợp glycosaminoglycans (duy trì và hỗ trợ collagen) nhiều hơn khi so sánh với Vit C-Palmitate và Vit C ở dạng tự do.

Tác động bảo vệ của Vitamin C trước và sau khi đã hình thành tổn thương da do tia UVB 

Nhiều nghiên cứu trước đây đã cho thấy hiệu quả của vitamin C (L-AA) trên các tế bào keratin nuôi cấy bị tổn thương do tia UVB. Tuy nhiên, thượng bì có rất nhiều lớp tế bào khác nhau và tác động của vitamin C trên các lớp tế bào nãy vẫn chưa được hiểu rõ. Các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu [9] trên mô hình nuôi cấy thượng bì người, các mô hình này được điều trị với 100 và 500 mM vitamin C trước hoặc sau khi bắt đầu chiếu tia UVB. Kết quả cho thấy, việc điều trị với vitamin C trước và sau khi chiếu tia đều giúp ức chế sự chết tế bào theo chu trình, tổn thương DNA, sự tạo thành các gốc tự do hay phản ứng viêm gây ra bởi tia UVB. Bên cạnh đó, điều trị với vitamin C trước khi chiếu tia cho tác động ngăn ngừa tổn thương da do tia UVB hiệu quả hơn là điều trị sau.

 

 

Tài liệu tham khảo
  1. Emily MacCulloch. Everything You Need To Know About Vitamin C In Skincare. St. Joseph Communications. August 11, 2020.

Link:https://www.chatelaine.com/style/beauty/how-to-use-vitamin-c-skincare/#gallery/vitamin-c-products-2020/slide-3

  1. Soledad Ravetti, Camila Clemente, Sofía Brignone, Lisandro Hergert, Daniel Allemandi, Santiago Palma 3. Ascorbic Acid in Skin Health. Multidisciplinary Digital Publishing Institute. October 2019.

Link: https://www.mdpi.com/2079-9284/6/4/58/htm

  1. Juliet M. Pullar, Anitra C. Carr, Margreet C. M. Vissers. US National Library of Medicine National Institutes of Health. 2017.

Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5579659/#:~:text=Vitamin%20C%20is%20a%20potent,is%20concentrated%20in%20the%20skin

  1. Alexander J. Michels, Zoe Diana Draelos. Linus Pauling Institute.

Link: https://lpi.oregonstate.edu/mic/health-disease/skin-health/vitamin-C

  1. Pumori Saokar Telang. Indian Dermatology Online Journal.

Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3673383/

  1. Kaiqin Wang, Hui Jiang, Wenshuang Li, Mingyue Qiang, Tianxiang Dong, Hongbin Li. Front. Physiol., 04 July 2018. Link: https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fphys.2018.00819/full
  2. Pattarawan Rattanawiwatpong, Rungsima Wanitphakdeedecha, Akkarach Bumrungpert, Mart Maiprasert. Anti‐aging and brightening effects of a topical treatment containing vitamin C, vitamin E, and raspberry leaf cell culture extract: A split‐face, randomized controlled trial. Journal of Cosmetic Dermatology. 2020. Link: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/jocd.13305
  3. Gref, R., et al. “Vitamin C–squalene bioconjugate promotes epidermal thickening and collagen production in human skin.” Scientific reports 10.1 (2020): 1-12.
  4. Kawashima, Saki, et al. “Protective effect of pre-and post-vitamin C treatments on UVB-irradiation-induced skin damage.” Scientific reports 8.1 (2018): 1-12.

 

Image: iStock

Chia sẻ bài viết