Yếu tố quan trọng mới trong trí nhớ dài hạn

Yếu tố quan trọng mới trong trí nhớ dài hạn

Một nhóm nghiên cứu đa ngành dẫn đầu bởi các Giáo sư McGill, Arkady Khoutorky, Jean-Claude Lacaille và Haifa Kobi Rosenblum – tác giả của bài báo được công bố trên tạp chí Nature đã phát hiện ra rằng trong quá trình củng cố trí nhớ, có ít nhất hai quá trình riêng biệt diễn ra trong hai mạng lưới não khác nhau – mạng kích thích và mạng ức chế. Các tế bào thần kinh kích thích tham gia vào việc tạo ra dấu vết ghi nhớ, các tế bào thần kinh ức chế giúp loại bỏ tiếng ồn xung quanh và cho phép ghi nhớ lâu dài. Kết quả nghiên cứu góp phần trả lời cho câu hỏi lâu nay về loại tế bào thần kinh phụ nào có liên quan đến việc củng cố trí nhớ, mở ra tiềm năng để phát triển các thuốc mới trong điều trị các bệnh liên quan đến quá trình thay đổi của trí nhớ như bệnh Alzheimer và chứng tự kỷ.

Các nhà khoa học luôn đặt ra câu hỏi làm thế nào để trí nhớ ngắn hạn (chỉ kéo dài vài giờ) chuyển thành trí nhớ dài hạn (có thể kéo dài hàng năm). Trong nhiều thập kỷ qua các nhà khoa học đã tìm ra quá trình này được gọi là củng cố trí nhớ đòi hỏi sự tổng hợp các protein mới trong tế bào não nhưng cho đến nay vẫn chưa biết được loại tế bào thần kinh phụ nào đang tham gia vào quá trình này.

Để trả lời được câu hỏi trên, các nhà nghiên cứu sử dụng chuột biến đổi gen tìm hiểu tác động của eIF2α trong các loại tế bào thần kinh nhất định. eIF2α là phân tử đã được chứng minh vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự hình thành trí nhớ dài hạn và điều chỉnh sự tổng hợp protein trong các tế bào thần kinh. Hơn nữa còn có vai trò quan trọng đối với bệnh rối loạn phát triển thần kinh và thoái hóa thần kinh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy cả hai hệ thống kích thích và ức chế đều đóng vai trò trong việc củng cố trí nhớ. Việc tăng cường trí nhớ bằng cách kích thích tổng hợp protein không chỉ ở tế bào thần kinh kích thích mà còn diễn ra ở một loại tế bào thần kinh ức chế cụ thể là tế bào neuron thần kinh trung gian somatostatin (SST-interneuron).

Như vậy việc phát hiện ra sự tổng hợp protein trong các tế bào thần kinh ức chế, đặc biệt là tế bào SST-interneuron là một phát hiện quan trọng, đầy tiềm năng để tiếp tục nghiên cứu, phát triển các biện pháp phòng ngừa và điều trị những rối loạn liên quan đến suy giảm trí nhớ.

 

Biên dịch:

Hồ Thị Thu Hương

DS. Nguyễn Cao Quỳnh Anh

TS. Nguyễn Thị Thanh Vân

 

Tài liệu tham khảo:

Vijendra Sharma, Rapita Sood, Abdessattar Khlaifia, Mohammad Javad Eslamizade, eIF2α controls memory consolidation via excitatory and somatostatin neurons. Nature, 2020; DOI: 10.1038/s41586-020-2805-8

New key player in long-term memory https://www.sciencedaily.com/releases/2020/10/201007123121.htm

image by jackie_niam at freepik.com

Chia sẻ bài viết