Nghiên cứu cho thấy giấc ngủ rất quan trọng để liên kết cảm xúc với ký ức

Nghiên cứu cho thấy giấc ngủ rất quan trọng để liên kết cảm xúc với ký ức

Các nhà khoa học của đại học Michigan đã nghiên cứu cách ký ức liên quan đến cảm giác được hình thành và lưu trữ ở chuột. Họ phát hiện ra rằng không chỉ các tế bào thần kinh đã được kích hoạt bởi kích thích thị giác hoạt động nhiều hơn trong giấc ngủ, mà giấc ngủ cũng quan trọng đối với khả năng kết nối những ký ức sợ hãi với sự kiện liên quan.

 

Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các vùng não bộ hoạt động mạnh trong quá trình học tập chuyên sâu trước đó có xu hướng hoạt động nhiều hơn trong giấc ngủ. Nhưng điều chưa rõ là việc tái kích hoạt ký ức này trong khi ngủ có cần thiết để lưu trữ đầy đủ ký ức về sự kiện xảy ra trước đó không. Và liệu có xảy ra sự giao tiếp giữa các bộ phận của não bộ làm nền tảng cho sự liên kết giữa ký ức và các tế bào thần kinh hay không? Nếu có, thì bằng cách nào và liệu nó có diễn ra trong suốt quá trình ngủ? Có phải một nhóm tế bào thần kinh cụ thể hay là một giai đoạn cụ thể của giấc ngủ tạo điều kiện cho quá trình liên kết này?

 

Với công nghệ chèn các đoạn gen di truyền vào những tế bào được kích hoạt bởi một trải nghiệm trong một khoảng thời gian cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào một nhóm tế bào thần kinh trong vỏ não thị giác sơ cấp để tiến hành khảo sát trí nhớ thị giác. Họ cho một nhóm chuột xem một hình ảnh có màu trung tính và tiến hành đánh giá sự biểu hiện của các gen trong tế bào thần kinh vỏ não thị giác. Để xác minh rằng những tế bào thần kinh này đã  ghi lại những hình ảnh trên, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra xem liệu có thể kích hoạt ký ức về hình ảnh bằng cách kích hoạt có chọn lọc các tế bào thần kinh mà không cho chúng thấy lại hình ảnh đó hay không. Khi kích hoạt các tế bào thần kinh bằng một cú sốc nhẹ ở chân, họ nhận thấy rằng đối tượng nghiên cứu sẽ sợ các kích thích thị giác trông giống với hình ảnh có màu trung tính được thấy trước đó. Họ cũng phát hiện ra rằng sau khi kết hợp đồng thời kích thích thị giác bằng hình ảnh với một cú sốc nhẹ ở chân, đối tượng nghiên cứu cũng sẽ có đáp ứng tương tự.

 

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nếu làm gián đoạn giấc ngủ của đối tượng nghiên cứu, sau khi được xem hình ảnh và kích thích bằng một cú sốc nhẹ ở chân, thì chúng không có cảm giác sợ hãi với các kích thích làm tái kích hoạt các tế bào thần kinh.

 

Qua đó có thể thấy rằng, để tạo ra mối liên hệ chính xác giữa cảm xúc sợ hãi với kích thích thị giác, phải có sự tái kích hoạt các tế bào thần kinh trong vùng cảm giác của vỏ não có nhiệm vụ mã hóa kích thích đó thông qua giấc ngủ. Đồng thời các nhà nghiên cũng cho rằng vùng cảm giác của vỏ não phải giao tiếp với các bộ phận khác của não bộ để kết hợp phần cảm giác của ký ức với phần cảm xúc. Những phát hiện mới này có thể có ý nghĩa đối với cách lý giải về bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

 

 

Biên dịch:

Phan Lâm Kiều Duyên

Lê Huỳnh Tú Mỹ

Tài liệu tham khảo: https://www.sciencedaily.com/releases/2021/02/210222164216.htm

Brittany C. Clawson, Emily J. Pickup, Amy Ensing, Laura Geneseo, James Shaver, John Gonzalez-Amoretti, Meiling Zhao, A. Kane York, Femke Roig Kuhn, Kevin Swift, Jessy D. Martinez, Lijing Wang, Sha Jiang, Sara J. Aton. Causal role for sleep-dependent reactivation of learning-activated sensory ensembles for fear memory consolidation. Nature Communications, 2021; 12 (1) DOI: 10.1038/s41467-021-21471-2

Image from freepik.com

 

Chia sẻ bài viết