Chủ đề chăm sóc da: Hydroquinone

Chủ đề chăm sóc da: Hydroquinone

Bài viết thuộc series bài chủ đề Chăm sóc da. Trong bài này chúng tôi trình bày vai trò và tác động của hydroquinone đối với sức khỏe làn da.

Nhóm tác giả: Đỗ Thị Biển, DS. Huỳnh Yến Thanh, TS. Nguyễn Thị Thanh Vân

TÁC DỤNG CỦA HYDROQUINONE

Hydroquinone là một chất làm trắng da có trong thành phần của một số loại mỹ phẩm điều trị tình trạng tăng sắc tố da. [1]

Về mặt lâm sàng, nó được sử dụng để điều trị các vùng rối loạn sắc tố, chẳng hạn như:

  • Nám da
  • Đồi mồi
  • Tàn nhang
  • Tăng sắc tố sau viêm

Hydroquinone được sử dụng phổ biến nhất ở những bệnh nhân bị tăng sắc tố sau viêm và nám da. [2]

Tác dụng làm sáng da của hydroquinone có thể đảo ngược khi tiếp xúc với ánh nắng, do đó cần sử dụng thường xuyên cho đến khi đạt được kết quả mong muốn. Các chế phẩm của hydroquinone thường ở dạng: kem, nhũ tương, gel, lotion và dung dịch.  Ở dạng kem 2%, hydroquinone là thuốc không kê đơn và cần bác sĩ kê đơn ở nồng độ lớn hơn 2%. [1]

TÁC DỤNG PHỤ CỦA HYDROQUINONE

Thông thường hydroquinone dung nạp rất tốt, nhưng vẫn có tác dụng phụ. Các tác dụng phụ bao gồm gây khô, kích ứng, ngứa, ban đỏ và viêm da tiếp xúc kích ứng nhẹ. [1]

Ochronosis ngoại sinh là một tác dụng phụ hiếm gặp trên da khi sử dụng lâu dài các chất làm giảm sắc tố như hydroquinone. [4] Biểu hiện đặc trưng của ochronosis là xuất hiện sắc tố xanh – đen ở da và sụn. Các nghiên cứu cho thấy hydroquinone có thể ức chế enzym oxydase của acid homogentisic ở lớp hạ bì. Sự tích tụ của acid homogentisic trong lớp hạ bì gây ra lắng đọng sắc tố ochronotic.

[4] Những thay đổi sắc tố này không thể đảo ngược và không có cách điều trị hiệu quả. Tuy nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng nhưng có mối tương quan chặt chẽ giữa ochronosis và thời gian sử dụng hydroquinone. Trong một nghiên cứu dịch tễ học được thực hiện ở Nam Phi, không có trường hợp nào bị bệnh ochronosis khi sử dụng hydroquinone dưới 6 tháng, trong khi tỷ lệ mắc bệnh là 92% ở những người đã sử dụng sản phẩm này hơn 16 năm. Những dữ liệu này đã làm dấy lên lo ngại về tính an toàn khi sử dụng hydroquinone lâu dài, đặc biệt trong trường hợp dùng quá liều, dùng thường xuyên các sản phẩm có nồng độ cao mà không được giám sát. [3]

FDA đã đưa ra cảnh báo về khả năng gây ung thư của hydroquinone. Hydroquinone – một chất chuyển hóa của benzen, là chất ức chế tổng hợp DNA và RNA. Sử dụng liều caokéo dài đã được chứng minh là gây ra u tuyến gan, u tuyến thận và bệnh bạch cầu trên động vật thí nghiệm. Đã có các cáo buộc về u tuyến gan và u tuyến thận từ các nghiên cứu trên chuột,  tuy nhiên không đủ bằng chứng để chứng minh việc sử dụng hydroquinone đường uống hoặc dùng ngoài da gây ung thư. Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật cho thấy hydroquinone liên quan đến việc gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân. Khả năng gây bệnh bạch cầu chỉ khi có tiếp xúc với phenol và trong nghiên cứu ở chuột sau khi uống liều cao trong hơn 2 năm. Không có báo cáo về bệnh bạch cầu đơn nhân nào khi sử dụng hydroquinone tại chỗ. [4]

Các nghiên cứu cũng cho thấy hydroquinone có thể làm tăng sự sai lệch về lượng glucose trong mao mạch khi đo bằng máy đo đường huyết. [2]

Kích ứng đường hô hấp: Hydroquinone có thể có hại nếu hít phải, gây kích ứng mũi, họng và đường hô hấp trên. Một nghiên cứu về phơi nhiễm hydroquinone do nghề nghiệp cho thấy những đối tượng tiếp xúc với có tỷ lệ ho và giảm dung tích phổi cao hơn so với những người không tiếp xúc. [5]

QUẢN LÝ

Ở Liên minh Châu Âu: Cấm các sản phẩm mỹ phẩm chứa hydroquinone; Canada: Hạn chế sử dụng hydroquinone trong mỹ phẩm. Hội đồng Đánh giá Thành phần Mỹ phẩm Hoa Kỳ chỉ ra rằng hydroquinone là thành phần không an toàn trong các sản phẩm dùng trên da.  Nhưng do việc thực thi còn lỏng lẻo, các sản phẩm làm sáng da chứa hydroquinone có xu hướng được sử dụng thường xuyên trên da. Nó đã được khuyến cáo để nghiên cứu thêm và FDA vẫn tiếp tục cho phép cung cấp các sản phẩm chứa hydroquinone trong nhóm thuốc không kê đơn (OTC). [5]

 

Tài liệu tham khảo

  1. Link: https://www.aocd.org/page/Hydroquinone
  2. Chelsea Schwartz; Arif Jan; Patrick M. Zito (2020). Hydroquinone

Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539693/

  1. Katsambas AD, Stratigos AJ (2001). “Depigmenting and bleaching agents: coping with hyperpigmentation”. Clin Dermatol.19 (4): 484.

Link: https://doi.org/10.1016/S0738-081X(01)00182-1

  1. Talakoub, L., Neuhaus, I. M., & Yu, S. S. (2009). “Cosmeceuticals”. Cosmetic Dermatology, 22.doi:10.1016/b978-0-7020-3143-4.10002-3

Link: https://doi.org/10.1016/B978-0-7020-3143-4.10002-3

  1. Hydroquinone, Link: https://www.safecosmetics.org/get-the-facts/chemicals-of-concern/hydroquinone/, xem 04/02/2021.

 

Các bài viết khác có liên quan:

Axit hyaluronic

Vitamin C

Chia sẻ bài viết