Gen điều hòa nhịp sinh học CRY1 và ung thư tuyến tiền liệt

Gen điều hòa nhịp sinh học CRY1 và ung thư tuyến tiền liệt

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung Thư Sidney Kimmel -Jefferson Health (SKCC) đã phát hiện ra một vai trò bất ngờ của gen đồng hồ sinh học CRY1 trong sự tiến triển của bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Phát hiện cho thấy CRY1 thúc đẩy sự phát triển của khối u bằng cách thay đổi quá trình sửa chữa DNA, mở ra một hướng mới trong điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Tiến sĩ Karen E. Knudsen, Phó giám đốc điều hành khoa ung thư của Jefferson Health, tác giả đứng đầu của nghiên cứu cho biết: “Gián đoạn nhịp sinh học có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, và ngược lại, điều trị phù hợp với nhịp sinh học hoặc vào những thời điểm nhất định trong ngày có thể mang lại lợi ích.”

Đồng hồ sinh học đồng bộ hóa các quá trình của cơ thể với chu kì ngày đêm. Việc phá vỡ đồng hồ này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể chúng ta. Nghiên cứu chỉ ra rằng sự xáo trộn nhịp sinh học do thiếu ngủ, trễ máy bay hoặc làm việc theo ca chẳng hạn, có liên quan đến tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư tuyến tiền liệt – nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư ở nam giới tại Mỹ. Mất kiểm soát nhịp sinh học cũng liên quan đến giảm hiệu quả điều trị và tỷ lệ tử vong sớm ở bệnh nhân ung thư.

Khi phân tích dữ liệu về bệnh ung thư ở người, các nhà nghiên cứu phát hiện yếu tố nhịp sinh học CRY1 gia tăng trong ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối và có liên quan chặt chẽ đến giảm hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, vai trò của CRY1 đối với bệnh ung thư ở người vẫn chưa được khám phá.

Liệu pháp đầu tay trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt là ức chế nội tiết tố nam androgen và / hoặc thụ thể androgen, do khối u tuyến tiền liệt cần androgen cho sự phát triển và tiến triển bệnh. Tuy nhiên liệu pháp này về sau có thể trở nên kém hiệu quả do kháng trị.

Nghiên cứu sử dụng mô khối u tuyến tiền liệt thu được từ các bệnh nhân cho thấy CRY1 được cảm ứng bởi thụ thể androgen, điều này phần nào giải thích sự tăng biểu hiện của CRY1 ở người bệnh.

Các phương pháp điều trị ung thư nhắm tới phá hỏng DNA tế bào và gây ra các khiếm khuyết trong cơ chế sửa chữa, cuối cùng dẫn đến chết tế bào do các tổn thương nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu đã thăm dò vai trò của CRY1 trong việc sửa chữa DNA trong các tế bào nuôi cấy, mô hình động vật và mô từ bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt. Đầu tiên, họ gây ra tổn thương DNA bằng cách cho các tế bào ung thư tiếp xúc với bức xạ và nhận thấy rằng mức CRY1 tăng lên, cho thấy nó đang đáp ứng với tổn thương này. Họ cũng phát hiện ra rằng CRY1 trực tiếp điều hòa sự có mặt của các yếu tố cần thiết cho quá trình sửa chữa DNA và thay đổi phương thức mà các tế bào ung thư đáp ứng với tổn thương DNA. Những kết quả này cho thấy CRY1 làm thay đổi quá trình sửa chữa DNA và có thể làm giảm hiệu quả của các liệu pháp điều trị. Việc CRY1 tăng cao trong ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối có thể giải thích tại sao các phương pháp điều trị nhắm mục tiêu androgen trở nên không hiệu quả ở những giai đoạn sau đó. Các nghiên cứu này cho thấy CRY1 có khả năng bảo vệ tế bào trong các liệu pháp điều trị nhắm vào mục tiên tổng thương DNA. Nếu một khối u có mức CRY1 cao, thì các phương pháp điều trị nhắm mục tiêu DNA có thể trở nên kém hiệu quả hơn.

Đây là lần đầu tiên vai trò của CRY1 trong hỗ trợ phát triển khối u được tiết lộ. Phát hiện này mở ra vô số câu hỏi nghiên cứu mới về mối liên hệ giữa nhịp sinh học và ung thư cũng như gợi ý hướng mới trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Biên dịch:

Lê Thị Minh Trang

Lê Huỳnh Tú Mỹ

TS. Nguyễn Thị Thanh Vân

Tài liệu tham khảo: https://www.genengnews.com/news/circadian-rhythm-target-identified-for-prostate-cancer/?fbclid=IwAR0ygoTkpuCuubxH8Q7E-mQjuez9O3u77p1ZXYdgPbOYcvjBgGNRZZdnW7I

image by k_e_n at freepik.com

Chia sẻ bài viết