Vắc-xin mRNA HIV – thử nghiệm an toàn và có triển vọng trên động vật

Vắc-xin mRNA HIV – thử nghiệm an toàn và có triển vọng trên động vật

Theo các nhà khoa học tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID – National Institute of Allergy and Infectious Diseases), một loại vắc-xin HIV đang được thử nghiệm dựa trên công nghệ mRNA – cùng một công nghệ nền tảng với 2 loại vắc-xin COVID-19 – cho thấy triển vọng ở chuột và khỉ vằn Rhesus. Kết quả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine, cho thấy loại vắc-xin mới này an toàn và thúc đẩy các phản ứng miễn dịch tế bào và tạo ra kháng thể chống lại một loại vi rút giống với vi rút HIV. Khỉ vằn Rhesus được tiêm mũi vắc-xin chính (priming vaccine) sau đó tiêm mũi vắc-xin nhắc lại (booster) nhiều lần, kết quả cho thấy nguy cơ nhiễm vi rút suy giảm miễn dịch giống HIV (SHIV – simian-human immunodeficiency virus) thấp hơn 79% so với động vật không được tiêm chủng.

Vắc-xin mRNA HIV thử nghiệm hoạt động giống như vắc-xin mRNA COVID-19. Tuy nhiên, thay vì mang mRNA mã hóa protein gai của coronavirus, vắc-xin mRNA HIV này cung cấp các chỉ dẫn được mã hóa để tạo ra 2 protein chính của HIV là Env và Gag. Trong các nghiên cứu ở chuột, 2 lần tiêm vắc-xin mRNA VLP đã tạo ra kháng thể trung hòa ở tất cả các động vật. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm vắc-xin mRNA VLP trên khỉ. Các phác đồ tiêm vắc-xin khác nhau giữa các phân nhóm động vật nhưng giống nhau trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch bằng mũi vắc-xin chính để tối ưu hóa việc tạo ra kháng thể. Tiếp theo là nhiều lần tiêm mũi vắc-xin tăng cường trong suốt một năm. Mục tiêu của các kháng thể là trung hòa phổ rộng thay vì chỉ tập trung vào các vùng biến đổi khác nhau ở mỗi dòng vi rút.

Mặc dù liều vắc-xin mRNA HIV được thử nghiệm cao, vắc-xin cho thấy khả năng dung nạp tốt và chỉ tạo ra các tác dụng phụ tạm thời và nhẹ ở khỉ như chán ăn. Vào tuần 58, tất cả khỉ vằn được tiêm chủng đã phát triển các kháng thể trung hòa ở mức độ có thể đo lường được để chống lại hầu hết các chủng HIV trong bảng xét nghiệm gồm 12 chủng. Ngoài việc trung hòa các kháng thể, vắc-xin VLP mRNA cũng tạo ra một phản ứng mạnh mẽ của tế bào T hỗ trợ.

Bởi vì các loài linh trưởng không phải con người nên không dễ bị nhiễm HIV-1 nên các nhà khoa học đã sử dụng vi rút SHIV để thử nghiệm vì vi rút này nhân lên ở khỉ. Sau 13 lần tiêm chủng hàng tuần, 2 trong số 7 con khỉ được tiêm chủng không bị nhiễm bệnh, 5 con khỉ còn lại nhiễm bệnh chậm hơn (trung bình sau 8 tuần). Ngược lại, những con khỉ chưa được tiêm chủng bị nhiễm bệnh trung bình sau 3 tuần.

Bất chấp nỗ lực gần 4 thập kỷ của cộng đồng nghiên cứu toàn cầu, một loại vắc-xin hiệu quả để ngăn ngừa HIV vẫn là một mục tiêu khó khăn. Vắc-xin mRNA HIV thử nghiệm này kết hợp một số tính năng mới có thể khắc phục được những thiếu sót của các vắc-xin HIV thử nghiệm khác và là cách tiếp cận mới đầy hứa hẹn. Nếu được xác nhận an toàn và hiệu quả, vắc-xin này sẽ được tiến hành thử nghiệm Giai đoạn 1 trên những người tình nguyện trưởng thành khỏe mạnh.

 

Biên dịch: Nguyễn Thanh Huyền

Hiệu đính: TS. Nguyễn Thị Thanh Vân

Source

  1. NIH/National Institute of Allergy and Infectious Diseases. “Experimental mRNA HIV vaccine safe, shows promise in animals.” ScienceDaily. ScienceDaily, 9 December 2021. <www.sciencedaily.com/releases/2021/12/211209124236.htm>.
  2. Peng Zhang et al. A multiclade env–gag VLP mRNA vaccine elicits tier-2 HIV-1-neutralizing antibodies and reduces the risk of heterologous SHIV infection in macaques. Nature Medicine, 2021; DOI: 10.1038/s41591-021-01574-5

 

Chia sẻ bài viết