PHÁT HIỆN CƠ CHẾ HẠ ĐƯỜNG HUYẾT MỚI CỦA METFORMIN

PHÁT HIỆN CƠ CHẾ HẠ ĐƯỜNG HUYẾT MỚI CỦA METFORMIN

Tác giả: Lâm Trịnh Diễm Ngọc

Mentor: Võ Đức Duy, Ph.D.

 

Trong số các loại thuốc có thể làm giảm đường huyết, metformin là một trong những nhóm được dùng lâu đời nhất (60 năm), được kê toa nhiều nhất và cũng được khuyên dùng như là thuốc hàng đầu ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên đến nay, cơ chế hạ đường huyết của thuốc này vẫn còn chưa rõ ràng.

Một nghiên cứu sử dụng kỹ thuật “Chụp cắt lớp bằng bức xạ positron (PET) kết hợp cộng hưởng từ (MRI)” đã phát hiện ra rằng metformin thúc đẩy sự bài tiết đường trong máu từ ruột già vào phân. Đây là một phát hiện hoàn toàn mới, chưa từng được dự đoán trước đây.

PHƯƠNG PHÁP VÀ KẾT QUẢ

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Ogawa đã sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp bằng bức xạ positron (PET) để điều tra sự chuyển động của fluorodeoxyglucose (FDG) trong cơ thể bệnh nhân tiểu đường. FDG được xem như chất “giả đường”, nó hoạt động theo cách tương tự như đường trong cơ thể, do đó nếu FDG tích lũy tại mô, cơ quan nào thì suy ra đường cũng tích lũy ở mô, cơ quan đó. Sự tích tụ của FDG được đánh giá bằng thang đo trực quan dựa trên ảnh chụp cắt lớp và phép đo giá trị hấp thu tiêu chuẩn hóa tối đa (SUVmax).

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng đường (tức FDG) được tích lũy rất nhiều trong ruột của bệnh nhân dùng metformin.

Để biết chính xác đường tích tụ tại phần nào của ruột, nhóm nghiên cứu tiếp tục theo dõi vùng “thành ruột” và “bên trong lòng ruột” bằng một thiết bị tích hợp PET và MRI (chụp cắt lớp bức xạ positron – cộng hưởng từ). MRI sử dụng một từ trường mạnh, có thể giúp kiểm tra các cấu trúc bên trong cơ thể mà CT không thể phân tích được. Họ phát hiện ra rằng, ở những bệnh nhân dùng metformin, có nhiều đường được tích lũy ở khu vực “bên trong lòng ruột” (ruột già và hồi tràng của ruột non). Sự tích lũy đường tại “thành ruột” giữa bệnh nhân đang dùng và không dùng metformin là như nhau.

KẾT LUẬN

Như vậy, nhờ công nghệ hình ảnh mới PET-MRI, nhóm nghiên cứu đã chứng minh khi bệnh nhân dùng metformin, đường trong máu sẽ được tích lũy vào trong lòng ruột chứ không phải tại thành ruột, sau đó bài tiết qua phân. Đây là một phát hiện mới, hoàn toàn chưa từng được dự đoán trước đây.

BÀN BẠC

Kết quả nghiên cứu góp phần giải thích một số tác dụng sinh học của thuốc: ví dụ metformin gây thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột nhưng trước đây chưa biết cơ chế vì sao, hiện tại có thể giải thích do lượng đường bài tiết vào lòng ruột tăng cao ảnh hưởng sự phát triển của vi khuẩn. Một ứng dụng khác là giúp phát hiện tế bào ung thư: tế bào ung thư tiêu thụ đường nhiều hơn mô bình thường nên có thể dùng kỹ thuật FDG-PET để xác định vị trí các tế bào ung thư tích lũy nhiều đường. Đồng thời, việc phát hiện một cơ chế mới của thuốc cũng góp phần định hướng phát triển thuốc mới điều trị đái tháo đường theo cơ chế này.

Tuy nhiên, giới hạn của nghiên cứu là chưa thể định lượng có bao nhiêu gram đường được bài tiết trong phân, do đó cần sử dụng thêm một phương pháp cho phép định lượng được.

Những phát hiện này đã được công bố vào ngày 3 tháng 6 năm 2020 trong ấn bản trực tuyến của Diab Care, một tạp chí y khoa do Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ xuất bản.

 

TLTK:

1. https://www.kobe-u.ac.jp/research_at_kobe_en/NEWS/news/2020_06_03_01.html

2. https://diabetesjournals.figshare.com/articles/Enhanced_Release_of_Glucose_into_the_Intraluminal_Space_of_the_Intestine_Associated_with_Metformin_Treatment_as_Revealed_by_18F_Fluorodeoxyglucose_PET-MRI/12106923

3. https://www.sciencedaily.com/releases/2020/06/200603100503.htm

Chia sẻ bài viết