Tổng quát về bệnh Đậu mùa khỉ (Số liệu tại Anh)

Tổng quát về bệnh Đậu mùa khỉ (Số liệu tại Anh)

Khi dịch đậu mùa khỉ ở Anh tiếp tục lan rộng và Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, chúng ta cần xem xét kỹ hơn về sự truyền nhiễm, cách lây truyền và các bước để ngăn chặn nó.

Bệnh đậu mùa khỉ do virus đậu mùa khỉ gây ra – một loại virus DNA sợi kép, thuộc chi Orthopoxvirus, cũng bao gồm bệnh đậu mùa. Được phát hiện lần đầu ở khỉ trong một phòng thí nghiệm ở Đan Mạch vào năm 1958, bất chấp tên gọi, bệnh đậu mùa ở khỉ có thể lây nhiễm sang nhiều loài động vật khác nhau, bao gồm sóc dây, sóc cây, chuột túi Gambian và chuột ngủ đông.

Lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc gần với động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc gần hoặc quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh, hoặc với các đồ vật bị nhiễm virus (VD: khăn trải giường, khăn tắm…).

1. Bệnh đậu mùa khỉ lây lan nhanh như thế nào ở Anh?

Trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được xác định là ở Cộng hòa Dân chủ Congo (1970), sau đó trở thành dịch bệnh khắp Trung và Tây Phi. Có 558 trường hợp bị nghi ngờ ở Nigeria từ năm 2017 đến 4/2022, trong thời gian đó virus đã truyền sang một số quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Israel và Singapore.

Tuy nhiên, vào năm 2022, nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu được phát hiện ở nhiều quốc gia không lưu hành dịch bệnh, bao gồm các nước Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Úc, với tổng số 25.864 trường hợp ở 80 quốc gia chưa ghi nhận bệnh đậu mùa khỉ tính đến ngày 3/8/2022. Các trường hợp đầu tiên ở Anh được xác định vào ngày 6/5/2022 và, tính đến ngày 2/8/2022, đã có 2.759 trường hợp có khả năng nhiễm cao và được xác nhận. Trong đó, gần 3/4 (73%) trường hợp là ở London.

2. Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ là 5–21 ngày sau khi tiếp xúc, nhưng thường là 6–13 ngày. Hầu hết các triệu chứng đều nhẹ và tự khỏi, với giai đoạn tiền triệu chứng kéo dài 1-5 ngày, sau đó giai đoạn thứ 2 là phát ban (xem Hình 1). Phát ban thường bắt đầu tại vị trí nhiễm, và lây lan nhanh chóng đến các bộ phận khác của cơ thể, đi từ rát và sần đến mụn nước và mụn mủ, sau đó đóng vảy và rụng trong 2-3 tuần. Tổn thương có thể xuất hiện trên niêm mạc miệng, bộ phận sinh dục, kết mạc và giác mạc ở một số bệnh nhân, có thể có một tổn thương đơn lẻ hoặc hàng nghìn tổn thương.

Khoảng 1/10 trường hợp ở Anh đã được chăm sóc tại bệnh viện (bao gồm một số trường hợp không thể cách ly tại nhà). Bệnh nhân được nhập viện vì lý do lâm sàng có bệnh nặng. Cho đến nay, không có trường hợp tử vong nào được báo cáo ở Anh, nhưng một số bệnh nhân ở các nước châu Âu và những nơi thường không đặc hữu bệnh nhiễm trùng đã có ca tử vong.

Hình 1: Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Nguồn ảnh: Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh

Vị trí tổn thương da

 

Số lượng tổn thương da

 

Số lượng vị trí tổn thương 

3. Ai có nguy cơ nhiễm cao nhất?

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, tính đến ngày 19 tháng 7 năm 2022, 96,5% trường hợp ở Anh là đồng tính nam, lưỡng tính và nam quan hệ tình dục đồng giới và sự lây truyền tiếp tục xảy ra chủ yếu trong các mạng lưới tình dục liên kết với nhau (xem Hình 2).

Hình 2: Các số liệu dịch tễ học có chọn lọc của các trường hợp dương tính

Đã có 13 trường hợp ở phụ nữ và 1 trường hợp ở trẻ em (dưới 16 tuổi) tại Anh tính đến ngày 19 tháng 7 năm 2022 (xem Hình 3).

Hình 3: Tuổi và giới tính của các trường hợp được xác nhận

Tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ phụ thuộc vào chủng vi rút, và nó rơi vào khoảng từ 1% đến 10% đối với chủng khu vực Trung Phi và dưới 3% đối với chủng khu vực Tây Phi. Chủng khu vực Tây Phi hiện đang xuất hiện ở Anh, phụ nữ mang thai, trẻ em và vật chủ bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh nặng cao nhất.

4. Nên làm gì khi gặp trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh?

Các trường hợp nghi ngờ hoặc có khả năng cao nên xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ. BN nên liên hệ với bệnh viện qua điện thoại để được hướng dẫn. BN nên ở nhà và tránh tiếp xúc gần gũi với người khác cho đến khi họ nhận được kết quả từ bệnh viện.

Nguy cơ nhiễm bệnh có thể xảy ra nếu phù hợp với một hoặc nhiều tiêu chí sau:

  • Các triệu chứng sốt báo hiệu tương thích với bệnh đậu mùa khỉ khi ở nơi hoặc tiếp xúc với một trường hợp đã được xác nhận trong 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.
  • Một căn bệnh mà bác sĩ lâm sàng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ – điều này có thể bao gồm các tổn thương ở bộ phận sinh dục hoặc miệng không rõ nguyên nhân (ví dụ như vết loét, nốt sần) hoặc viêm vòi trứng (ví dụ như đau hậu môn trực tràng, chảy máu).

Trường hợp có khả năng nhiễm cao:

Bị phát ban hoặc tổn thương không rõ nguyên nhân trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể (bao gồm bộ phận sinh dục/quanh hậu môn, miệng) hoặc viêm vòi trứng (ví dụ: đau hậu môn trực tràng, chảy máu) và những người:

  • Có mối liên hệ với một trường hợp bệnh đậu khỉ đã được xác nhận, có thể xảy ra hoặc có khả năng xảy ra cao trong 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng HOẶC
  • Được xác định là một người đồng tính nam, lưỡng tính hoặc người có quan hệ tình dục đồng giới nam-nam HOẶC
  • Đã có một hoặc nhiều bạn tình mới trong 21 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng HOẶC
  • Báo cáo lịch sử du lịch đến Tây hoặc Trung Phi trong 21 ngày trước khi triệu chứng khởi phát

5. Phương pháp điều trị là gì?

Điều trị bệnh đậu mùa khỉ thường là điều trị triệu chứng (VD: giảm đau, giữ nước, v.v.). Tuy nhiên, thuốc kháng vi-rút có thể được sử dụng cho những trường hợp nặng hơn, hoặc cho những người có nguy cơ mắc bệnh nặng.

Vào tháng 7/2022, Cơ quan Quản lý thuốc và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe (Medicines and Healthcare products Regulatory Agency) đã phê duyệt tecovirimat, một loại thuốc kháng vi-rút có tác dụng chống lại Orthopoxvirus, bao gồm bệnh đậu mùa, bệnh đậu bò và bệnh đậu mùa khỉ, dành cho người lớn và trẻ em nặng trên 13kg.

Tecovirimat chưa được nghiên cứu trong các thử nghiệm về hiệu quả trên người đối với bệnh đậu mùa ở khỉ, mặc dù nó đã chứng minh hiệu quả chống lại các loại Orthopoxvirus (bao gồm cả bệnh đậu mùa ở khỉ) trên mô hình động vật và có dữ liệu về dược động học và an toàn ở người.

Tecovirimat ức chế hoạt động của protein vỏ VP37, được mã hóa bởi một gen được bảo tồn cao trong tất cả các thành viên của chi orthopoxvirus; điều này ngăn không cho vi-rút rời khỏi tế bào bị nhiễm, do đó làm chậm quá trình lây lan của bệnh.

Viện Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia đã ủy quyền một nghiên cứu giai đoạn II để kiểm tra hiệu quả của tecovirimat trong việc điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở những bệnh nhân không nhập viện.

6. Có thể ngăn chặn bênh đậu mùa khỉ?

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh đã đặt hàng hơn 100.000 liều vaccine đậu mùa thế hệ thứ ba Imvanex (MVA-BN; Bavarian Nordic), được phê duyệt ở Anh để phòng ngừa bệnh đậu mùa và có thể được sử dụng cho bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguồn cung cấp toàn cầu lại có hạn. Do đó, chỉ tiêm một liều đầu tiên, liều thứ hai sẽ được tiếp tục nếu dịch bệnh lại bùng phát và khi có nhiều vaccine hơn.

Imvanex chứa một loại virus bị lỗi sao chép nên được coi là một loại vaccine bất hoạt.

7. Lịch tiêm phòng

Tiêm phòng trước phơi nhiễm:

  • Hai liều, cách nhau 28 ngày cho những người trước đây không được tiêm phòng bệnh đậu mùa (vaccin đậu mùa mới chỉ được tiêm phòng từ những năm 1970);
  • Một liều duy nhất cho những người đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa trước đó.

Tiêm phòng sau phơi nhiễm:

  • Một liều duy nhất, tốt nhất là trong vòng 4 ngày kể từ khi phơi nhiễm nhưng có thể được tiêm trong vòng 14 ngày sau khi phơi nhiễm ở những người có nguy cơ mắc bệnh, hoặc những người có nguy cơ cao bị các biến chứng nặng của bệnh đậu mùa khỉ.

Liều tăng cường:

  • Một liều tăng cường có thể được tiêm ít nhất hai năm sau liều tiêm phòng chính nếu người đó đang có nguy cơ mắc bệnh.

 

Biên dịch: Mỹ Ân, Nhật Hà.

Hiệu đính: Ds. Q.Tuyến

 

TLTK: https://pharmaceutical-journal.com/article/feature/monkeypox-a-visual-guide

 

Chia sẻ bài viết