Vi khuẩn và mối liên hệ với cảm giác sợ hãi ở trẻ em

Vi khuẩn và mối liên hệ với cảm giác sợ hãi ở trẻ em

Nghiên cứu mới cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ sơ sinh có thể chứa các manh mối giúp theo dõi và hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh của hệ thần kinh.

Tại sao khi đối mặt với một mối nguy hiểm, một số trẻ sơ sinh lại có phản ứng sợ hãi mạnh mẽ hơn so với những đứa trẻ khác? Theo nghiên cứu mới từ Đại học Bang Michigan và Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill, một phần câu trả lời có thể được tìm thấy ở một nơi đáng kinh ngạc: hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh!

Hệ tiêu hóa của con người là môi trường sống của một hệ rất lớn các vi sinh vật, gọi là hệ vi sinh vật đường ruột. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có sự khác nhau giữa hệ vi sinh vật đường ruột ở những trẻ sơ sinh có phản ứng sợ hãi mạnh và những trẻ sơ sinh có phản ứng sợ hãi ở mức độ nhẹ hơn. Theo Knickmeyer – một nhà nghiên cứu trong nhóm, cho rằng những phản ứng sợ hãi là một phần bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. Trẻ em nên nhận thức được các mối đe dọa trong môi trường sống và sẵn sàng ứng phó. Tuy nhiên, sau khi đã an toàn, nếu phản ứng sợ hãi vẫn còn hiện hữu, trẻ có thể có nguy cơ cao phát triển chứng lo âu và trầm cảm trong tương lai. Mặt khác, ở nhóm trẻ không có biểu hiện sợ hãi, những đứa trẻ này có thể sẽ phát triển các phần tính cách như nhẫn tâm, vô cảm, liên quan đến hành vi chống đối xã hội khi trưởng thành.

Để xác định sự liên hệ của vi sinh vật đường ruột đến phản ứng sợ hãi ở người, Knickmeyer và các đồng nghiệp đã thiết kế một nghiên cứu thử nghiệm với khoảng 30 trẻ sơ sinh. Nhóm thử nghiệm được lựa chọn cẩn thận để giữ nhiều yếu tố có ảnh hưởng phù hợp đến hệ vi sinh vật đường ruột nhất có thể (ví dụ, tất cả trẻ em đều được bú sữa mẹ và không có trẻ em nào được dùng kháng sinh). Sau đó, các nhà nghiên cứu xác định điểm đặc trưng từ hệ vi sinh vật ở trẻ bằng cách phân tích mẫu phân và đánh giá phản ứng sợ hãi của trẻ qua một bài kiểm tra đơn giản: quan sát cách trẻ phản ứng với ai đó đeo mặt nạ Halloween đi vào phòng. Kết quả từ việc tổng hợp tất cả dữ liệu cho thấy mối liên hệ đáng kể giữa những đặc điểm cụ thể từ hệ vi sinh vật đường ruột và cường độ của phản ứng sợ hãi ở trẻ sơ sinh. 

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không quan sát thấy mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ và cách trẻ phản ứng với những người lạ không đeo mặt nạ. Điều này có thể là do việc xử lý các tình huống đáng sợ tiềm ẩn có liên quan đến nhiều phần khác nhau của não. Mặt khác, qua ảnh chụp MRI não của trẻ, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ ở thời điểm 1 tuổi có liên quan đến kích thước của hạch hạnh nhân (một phần của não bộ), liên quan đến việc đưa ra quyết định nhanh chóng về các mối đe dọa tiềm ẩn.

Biên dịch: Đỗ Mỹ Ngọc, Nguyễn Thanh Huyền

Source: Michigan State University, “Bacteria are connected to how babies experience fear”, ScienceDaily. ScienceDaily, 4 June 2021

image by microone on freepik.com

Chia sẻ bài viết