Covid-19: Tiêm BCG hay xông hơi xoa bóp tốt hơn?

Covid-19: Tiêm BCG hay xông hơi xoa bóp tốt hơn?

TS.DS.Phạm Đức Hùng, BV Nhi Cincinnati, Ohio, Mỹ

Một nghiên cứu dịch tể gần đây cho thấy có sự liên hệ có ý nghĩa thống kê giữa các nước có chương trình tiêm chủng BCG (vaccine ngừa lao phổi) và sự giảm số ca nhiễm cũng như chết do Covid-19 (hình 1) [1]. Theo nghiên cứu cho thấy, các nước có tỉ lệ mắc và chết vì Covid-19 cao nhất là những nước chưa bao giờ có chương trình tiêm chủng BCG như Ý, Hà Lan, Mỹ và Bỉ, ngược lại các nước có chương trình tiêm BCG toàn dân thì tỉ lệ nhiễm và chết do BCG thấp hơn nhiều, đặc biệt nước càng ‘nghèo’ thì tỉ lệ càng giảm.

Rõ ràng nhất là Ý: 1 nước không có chương trình vaccine toàn dân và tỉ lệ tử vong chọc trời. Ở chiều ngược lại, Nhật, 1 nước từ sớm đã bị Covid-19, không có cách ly xã hội quyết liệt nhưng tỉ lệ tử vong rất thấp. Nhật có chương trình tiêm BCG từ 1947. Hoặc là Việt Nam, 1 nước tiêm BCG quyết liệt và hiện giờ ta có khoảng 220 ca và chưa có ca tử vong nào.

Tất nhiên bản chất nghiên cứu dịch tễ chỉ là nêu dấu hiệu ban đầu và có nhiều yếu tố gây nhiễu ví dụ: độ trung thực trong báo cáo các ca, sự khác biệt về sinh học/tuân thủ/ý thức giữa các dân tộc …

Tuy nhiên mặt miễn dịch học của vaccine BCG vs Covid-19 có 1 số chi tiết khá thú vị, mà tôi sẽ nói sau đây.

1. Vaccine BCG là gì?

Hầu hết vaccine làm từ vi khuẩn Mycobacterium bovis còn sống và bị làm yếu đi. M.bovis là họ hàng của vi khuẩn M. tuberculosis – là con gây ra bệnh lao. Với người Việt Nam thì vaccine ngừa lao phổi này không có gì lạ vì trẻ em sẽ được tiêm vào năm đầu tiên, rẻ và an toàn, khả năng ngừa lao khoảng 60%.

2. Các loại tế bào trong hệ miễn dịch

Để hiểu hơn về các phần sau thì ta nên xem lại 1 chút về hệ miễn dịch, hệ miễn dịch con người có 2 nhóm chính là hệ miễn dịch bẩm sinh (innate immunity) và hệ miễn dịch thu nhận (adaptive immunity): xem lại bài viết về vaccine của tôi để hiểu rõ hơn về hệ miễn dịch thu nhận và tế bào T và B trí nhớ (hình 1).

Hệ miễn dịch bẩm sinh

Gồm rất nhiều tế bào, tiêu biểu là đại thực bào (macrophages) và tế bào tua (dendritic cells)

Chức năng:

  • Nhận diện những đặc điểm chung của vi khuẩn hay virus
  • Tạo chốt chặn đầu tiên để tấn công chúng
  • Tạo 1 ‘lô cốt’ ngăn ngừa virus hay vi khuẩn xâm nhập vào máu (đó là lý do chỗ viêm da hay bị sưng và đỏ)
  • Ăn vi sinh vật, lúc chết thì sẽ tạo ra nhầy (mủ xanh)
  • Trình diện ‘thành phần’ của virus cho tế bào hệ miễn dịch đáp ứng.

Ưu điểm của chúng là nhanh vì chúng có sẵn, tuy nhiên nhược điểm của chúng là không đặc hiệu, 1 số vi sinh vật có thể né được hệ miễn dịch thụ động vì chúng che đậy các đặc điểm chung lại. Trường hợp đấy, hệ miễn dịch thụ động sẽ tìm cách ‘xé’ nhỏ những thành phần của vi sinh và trình diện chúng cho tế bào T và B để nhờ 2 bạn này xử lý dùm.

1 nhược điểm khác là chúng không có trí nhớ như tế bào T hay B.

3. Cơ chế của vaccine BCG rất khác biệt

Đối với đa số các vaccine, nguyên lý kích thích chính vào hệ miễn dịch thu nhận, tạo ra tế bào T và B trí nhớ để nhớ mặt 1 dạng kháng nguyên cụ thể của vi khuẩn hay virus, và sản xuất kháng thể rất đặc hiệu để tiêu diệt chúng vào lần xâm nhập sau. Tuy nhiên BCG được cho là đẩy mạnh hệ miễn dịch nói chung gồm cả hệ miễn dịch thu nhận và hệ miễn dịch bẩm sinh [2].

Ý tưởng này ban đầu bị chỉ trích nhiều, tuy nhiên nhóm của GS Netea (Hà Lan) đã chứng minh rằng, BCG có thể nằm dưới da của người được tiêm nhiều tháng, kích hoạt cả tế bào T và B trí nhớ và chúng cũng kích thích tế bào miễn dịch bẩm sinh cho một thời gian dài. Họ gọi hiện tượng này là ‘đề kháng được huấn luyện’ (trained immunity). Trong 1 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có kiểm soát, họ cho thấy vaccine BCG bảo vệ người được tiêm chống lại virus gây bệnh sốt vàng [2][3].

4. Vai trò quan trọng của hệ miễn dịch bẩm sinh chống Covid-19

Theo nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, khi nCoV xâm nhập vào cơ thể người, chúng làm suy yếu hệ miễn dịch và chủ yếu là hệ miễn dịch bẩm sinh [4][5], làm kiệt quệ sức đề kháng, và đặc biệt vì làm giảm khả năng của tế bào miễn dịch bẩm sinh, việc trình diện kháng nguyên không hiệu quả mà còn tác dụng phụ là có thể kích thích tế bào T và B quá mức, tạo ra cơn bão cytokine. Đi sâu 1 chút, nhóm bệnh nhân bị nặng và chết thể hiện Th2 cytokine (IL-4, IL-5, IL-10) trong máu [4].

Sơ sơ chút: Th1 là dạng đáp ứng của tế bào T chống lại vi sinh vật xâm nhập bên trong tế bào còn Th2 là phản ứng khi vi sinh vật ở ngoài tế bào. Cơ bản là khi tế bào bị xâm nhập BÊN TRONG phản ứng Th1 có lợi, còn Th2 sẽ gây hại.

Một điều thú vị ở đây là trong bệnh lao phổi, hoặc đặc biệt hơn là bệnh phong gây ra do M. leprea (họ hàng của M. tuberculosis), người có đáp ứng Th1 nhanh khỏi bệnh, còn người có đáp ứng Th2 sẽ trở nặng hoặc chết [6][7].

Những kiến thức trên gợi ý nhiều về vaccine BCG, vì nó giúp tăng cường hệ miễn dịch bẩm sinh, từ đó tăng khả năng đề kháng Covid-19 hoặc ít nhất là làm giảm tác động có hại của Covid-19 có lẽ thông qua việc tăng cường đáp ứng miễn dịch Th1.

5. Ý nghĩa thực tiễn lâm sàng là gì?

Để nghiên cứu cơ bản thì phải mất 1 thời gian rất dài. Tuy nhiên điều đơn giản mà có thể thực hiện ngay là tiến hành các nghiên cứu lâm sàng dùng BCG và đánh giá khả năng chống Covid-19 của vaccine này. Đây là điều mà nhiều nhóm khoa học gia tại Hà Lan, Đức và Mỹ đang tiến hành [3]. Đối tượng mà họ nhắm tới là nhân viên y tế, và người cao tuổi, chỉ trong ít tháng sẽ có kết quả. Điều thuận lợi là như đã nói, vaccine này có hồ sơ an toàn tốt, tiêm nhắc lại với người lớn cũng không có hại gì mà lại rất rẻ.

Nhân tiện trả lời vấn đề: xông hơi có giúp chống Covid-19?

Bà con thích làm những phương pháp tự nghĩ ra để chống virus. Xông hơi giúp tăng nhiệt độ cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch bẩm sinh [8]. Nhiều người dùng trị cúm. Tuy nhiên người bị Covid-19 thường bị sốt mà còn xông hơi nữa là nổ đầu luôn nhé. Và cũng chưa có bằng chứng, nên hy vọng mọi người không nên tự xử như vậy.

Các bài viết có liên quan

Vaccine chống Covid-19: https://www.facebook.com/duchungyk/posts/3380966478587330

Phương pháp kháng thể đơn dòng và đa dòng: https://www.facebook.com/duchungyk/posts/3389521321065179

Ngừa tử vong do covid-19: dẹp cơn bão cytokine: https://www.facebook.com/duchungyk/posts/3364934720190506

HCQ và covid-19: https://www.facebook.com/duchungyk/posts/3387885791228732

 

Tài liệu tham khảo

  1. Miller et al. Correlation between universal BCG vaccination policy and reduced morbidity and mortality for COVID-19: an epidemiological study. Medrxiv 2020 (Credits: DS. Khải Phan cung cấp tài liệu)
  2. Arts et al. BCG Vaccination Protects against Experimental Viral Infection in Humans through the Induction of Cytokines Associated with Trained Immunity. Cell Host and microbe 2017.
  3. https://www.sciencemag.org/news/2020/03/can-century-old-tb-vaccine-steel-immune-system-against-new-coronavirus#
  4. http://apjai-journal.org/wp-content/uploads/2020/03/1.pdf
  5. https://www.nature.com/articles/s41591-020-0819-2
  6. https://iai.asm.org/content/64/4/1351.short
  7. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5712391/
  8. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0079612306620086?via%3Dihub&fbclid=IwAR1E9vrALp5ACjzb4tbUud8ibvg-g7w9e509Hf71blhgaqz2m25BFhHItu8
  9. Ảnh bìa: (C) shutterstock.com

Chia sẻ bài viết