Loét dạ dày tá tràng

Loét dạ dày tá tràng

Tổng quan [1]

Bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng là những người có vết loét hở ở niêm mạc dạ dày hoặc phần đầu của ruột non. Điều này xảy ra khi acid dạ dày ăn mòn lớp chất nhầy bảo vệ đường tiêu hóa. Bệnh nhân có thể không có triệu chứng, hoặc cảm thấy khó chịu hoặc đau rát. Loét dạ dày tá tràng có thể dẫn đến xuất huyết nội, mà đôi khi người bệnh cần phải nhập viện để truyền máu.

Có 2 loại loét:

  • Loét dạ dày: xuất hiện vết loét trên niêm mạc dạ dày.
  • Loét tá tràng: xuất hiện ở phần đầu của ruột non – nơi tiêu hóa và hấp thu phần lớn thức ăn

Loét có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, và nguy cơ mắc bệnh sẽ gia tăng theo độ tuổi.

Bệnh sinh

Vết loét hình thành khi dịch tiêu hóa làm tổn thương thành dạ dày hoặc ruột non. Nếu lớp chất nhầy quá mỏng hoặc dạ dày tạo ra quá nhiều acid, người bệnh sẽ cảm nhận được điều đó. Các nguyên nhân gây loét là:

  • Vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori): Hầu hết những người bị nhiễm H. pylori không bị loét dạ dày. Nhưng một số người, H.pylori có thể làm tăng lượng acid, phá vỡ lớp chất nhầy bảo vệ, và gây kích ứng đường tiêu hóa.
  • Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs). Các NSAIDs như aspirin, ibuprofen, naproxen,… ngăn cơ thể tạo ra một chất hóa học giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột non. Sử dụng NSAIDs trong thời gian dài sẽ làm tăng khả năng bị loét.
  • Thuốc lá
  • Rượu
  • Stress và thức ăn cay. Không gây loét nhưng chúng có thể khiến các vết loét trở nên trầm trọng và khó điều trị hơn

Triệu chứng [2]

  • Đau bụng nóng rát – phổ biến nhất
  • Cảm giác đầy hơi, chướng bụng hoặc ợ hơi
  • Không dung nạp thức ăn béo
  • Ợ nóng
  • Buồn nôn

Acid dạ dày và thời điểm bụng đói sẽ làm cơn đau trở nên nặng hơn. Cơn đau trở nên dữ dội nhất vào giữa các bữa ăn và ban đêm.

Nhiều trường hợp loét dạ dày tá tràng không xuất hiện triệu chứng. Nhưng đôi khi các vết loét có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như:

  • Nôn hoặc nôn ra máu – có màu đỏ hoặc đen
  • Phân có máu sẫm, hoặc phân có màu đen hoặc hắc ín
  • Khó thở
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Kém ăn

Chẩn đoán

4.1 Thăm khám lâm sàng [3]

Trong loét dạ dày tá tràng chưa biến chứng, có ít chẩn đoán lâm sàng và các chẩn đoán này không đặc hiệu, bao gồm:

  • Đau vùng thượng vị (thường nhẹ)
  • Đau bên hạ sườn phải có thể gợi ý bệnh lý ở mật, hoặc ít gặp hơn là viêm loét dạ dày tá tràng
  • Xét nghiệm máu ẩn trong phân Guaiac dương tính
  • Phân đen do xuất huyết tiêu hóa cấp tính hoặc bán cấp
  • Tiếng óc ách do hẹp môn vị một phần hoặc hoàn toàn

Bệnh nhân có biến chứng thủng dạ dày thường biểu hiện với những cơn đau bụng đột ngột, dữ dội. Hầu hết là cơn đau toàn thân; một số ít có biểu hiện đau dữ dội vùng thượng vị. Bệnh nhân nằm ở tư thế bào thai. Khám bụng thường cho thấy ấn đau khắp bụng, phản ứng dội, đề kháng thành bụng và co cứng thành bụng. Mức độ phúc mạc bị ảnh hưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm kích thước lỗ thủng, lượng vi khuẩn và dịch dạ dày xâm nhiễm vào khoang bụng, thời gian giữa lúc xuất hiện lỗ thủng và bộc lộ triệu chứng, và khả năng tự bịt lỗ thủng.

Ngoài ra còn có những dấu hiệu và triệu chứng của sốc nhiễm trùng như nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, và vô niệu. Những dấu hiệu này có thể không xuất hiện ở những bệnh nhân cao tuổi, hoặc suy giảm miễn dịch, hoặc tiểu đường. Bệnh nhân nên được hỏi xem có xảy ra tình trạng nôn  mửa trước khi bắt đầu đau hay không.

4.2 Cận lâm sàng [4]

  • Xét nghiệm tìm HP: xét nghiệm máu, phân hoặc hơi thở.
  • Nội soi.
  • Chụp X-quang đường tiêu hóa trên với chất cản quang (bari)

4.3 Chẩn đoán phân biệt [5]

  • Viêm dạ dày – biểu hiện với đau bụng trên và buồn nôn. Biểu hiện lâm sàng rất giống với bệnh loét dạ dày tá tràng.
  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) – Bệnh nhân thường mô tả cảm giác nóng rát ở thượng vị và vùng dưới hậu môn, tiết nhiều nước bọt hoặc trào ra từng đợt thức ăn.
  • Ung thư dạ dày – ngoài đau bụng thì còn có những triệu chứng báo động như sụt cân, phân đen, thường xuyên nôn mửa hoặc triệu chứng của những bệnh ác tính trong trường hợp đã di căn.
  • Viêm tụy – đau vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải dai dẳng và dữ dội hơn, nặng hơn khi nằm ngửa và bệnh nhân thường có tiền sử nghiện rượu hoặc sỏi mật. Chỉ số amylase và lipase huyết tương tăng được dùng để chẩn đoán trong trường hợp này.
  • Cơn đau quặn mật đau sâu dữ dội, theo từng cơn ở vùng hạ sườn phải hoặc thượng vị xảy ra sau khi ăn một bữa ăn chứa nhiều dầu mỡ.
  • Viêm túi mật – đau hạ sườn phải hoặc thượng vị thường kéo dài hàng giờ, đau nặng hơn khi ăn nhiều chất béo và đi kèm với buồn nôn và nôn. Các dấu hiệu như sốt, nhịp tim nhanh, dấu hiệu Murphy dương tính, tăng bạch cầu và chức năng gan bất thường giúp phân biệt rõ hơn viêm túi mật với cơn đau quặn mật.

Một số bệnh có nguy cơ đe dọa đến tính mạng cũng có những triệu chứng tương tự:

  • Nhồi máu cơ tim – đặc biệt là nhồi máu cơ tim thành dưới và liên quan đến thất phải, đôi khi bệnh nhân có thể bị đau vùng thượng vị kèm theo buồn nôn và nôn
  • Thiếu máu cục bộ mạc treo – trong khi thiếu máu cục bộ mạc treo cấp tính biểu hiện đau bụng dữ dội, khởi phát nhanh; thì thể mãn tính thường biểu hiện với đau thượng vị sau ăn và có thể bị nhầm với bệnh loét dạ dày tá tràng.
  • Viêm mạch mạc treo – có các triệu chứng đau bụng không rõ nguyên nhân có hoặc không kèm theo xuất huyết đường tiêu hóa dưới ở bệnh nhân có những đặc điểm của viêm mạch hệ thống tiềm ẩn.

Mục tiêu điều trị [6]

  • Giảm triệu chứng
  • Chữa lành các tổn thương
  • Ngăn ngừa tái phát
  • Ngăn ngừa biến chứng

Điều trị

6.1. Điều trị nội khoa [4]

  • Kháng sinh. Được dùng phối hợp trong phác đồ diệt H. pylory. Các kháng sinh gồm amoxicillin, clarithromycin, metronidazol, tinidazol, tetracyclin và levofloxacin.
  • Thuốc ức chế tiết acid và thúc đẩy sự hồi phục. Thuốc ức chế bơm proton (PPIs) làm giảm acid dạ dày bằng cách ức chế tế bào tiết acid . Những thuốc này bao gồm omeprazol, lansoprazol, rabeprazol, esomeprazol và pantoprazol.
  • Thuốc giảm tiết. Các thuốc kháng histamin H2 làm giảm lượng acid tiết vào ống tiêu hóa, từ đó làm dịu cơn đau và thúc đẩy sự hồi phục vết loét. Các thuốc này gồm cimetidin, famotidin và nizatidin.
  • Các antacids. Trung hòa acid dạ dày và giúp giảm nhanh cơn đau. Tuy nhiên các thuốc này không có tác dụng hồi phục vết loét. Tác dụng phụ của nó là tiêu chảy hoặc táo bón, tùy thuộc vào thành phần của thuốc.
  • Các thuốc bảo vệ dạ dày và tá tràng. Sulcrafat và misoprostol.

6.2. Điều trị ngoại khoa [5]

Được chỉ định khi bệnh nhân bị loét dai dẳng không đáp ứng với điều trị nội khoa, không tuân thủ điều trị, hoặc có nguy cơ biến chứng cao. Các phẫu thuật bao gồm cắt dây thần kinh phế vị hoặc cắt bỏ một phần dạ dày

Lối sống và các biện pháp phòng bệnh tại nhà [4]

Để tăng cường hiệu quả điều trị cần:

  • Cân nhắc chuyển đổi thuốc giảm đau. Nếu bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên, hãy hỏi bác sĩ xem liệu paracetamol có thể là lựa chọn thay thế được không.
  • Kiểm soát căng thẳng. Tránh hoặc giảm bớt căng thẳng bằng cách tập thể dục, dành thời gian với bạn bè hoặc viết nhật ký.
  • Không hút thuốc lá. Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến lớp màng bảo vệ của dạ dày khiến dạ dày dễ bị viêm loét hơn, đồng thời cũng làm tăng acid trong dạ dày.
  • Hạn chế hoặc ngưng uống rượu. Sử dụng quá nhiều rượu có thể gây kích ứng và bào mòn lớp niêm mạc trong dạ dày và ruột, gây viêm và chảy máu.
  • Theo dõi, giáo dục về tình trạng của bệnh nhân. Hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ sử dụng thuốc để tăng hiệu quả và thời gian điều trị.

 

Biên dịch: Lê Nguyễn Tấn Thiện, Phan Lâm Kiều Duyên

Hiệu đính: DS. Nguyễn Nhật Thiên Tú

 

Tài liệu tham khảo

[1] https://www.webmd.com/digestive-disorders/peptic-ulcer-overview

[2] https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/peptic-ulcer/symptoms-causes/syc-20354223

[3] https://emedicine.medscape.com/article/181753-clinical#b3

[4] https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/peptic-ulcer/diagnosis-treatment/drc-20354229

[5] https://www.statpearls.com/articlelibrary/viewarticle/26913/

[6] https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/peptic-ulcer-disease-treatment

Ảnh đại diện từ internet

 

Chia sẻ bài viết