Trầm cảm

benh-tram-cam

Trầm cảm

Tác giả: DS. Hồng (Rosie) Lê, Huỳnh Yến Thanh, Nguyễn Thị Tùng Lê, Đỗ Mỹ Ngọc, Nguyễn Thanh Huyền, TS. Nguyễn Thị Thanh Vân

GIỚI THIỆU

Trầm cảm, còn được gọi là rối lọan trầm cảm chính [3], không chỉ đơn thuần là cảm giác buồn chán. Những người bị trầm cảm có thể cảm thấy không có hứng thú và niềm vui trong các hoạt động hàng ngày, giảm cân hoặc tăng cân đáng kể, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, thiếu năng lượng, không thể tập trung, cảm thấy vô dụng hoặc tội lỗi quá mức và thường có những suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử. [1]

Trầm cảm là một bệnh rối loạn tâm thần phổ biến nhất. Rất may là trầm cảm có thể chữa trị được. Sự kết hợp giữa liệu pháp và thuốc chống trầm cảm có thể giúp đảm bảo sự phục hồi. [1]

Theo Tổ chức Y tế Thế giới ( World Health Organization – WHO): [2]

  • Có hơn 264 triệu người ở mọi lứa tuổi bị trầm cảm trên toàn cầu.
  • Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn tật trên thế giới và nguyên nhân chính gây ra gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
  • Phụ nữ bị ảnh hưởng bởi trầm cảm nhiều hơn nam giới.
  • Trầm cảm có thể dẫn đến tự tử. Hàng năm có gần 800 000 người chết do tự tử. Tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở lứa tuổi 15 đến 29.
  • Có các phương pháp điều trị tâm lý và dược lý hiệu quả cho bệnh trầm cảm vừa và nặng.

BỆNH SINH

Nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh trầm cảm vẫn chưa được biết rõ nhưng có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm:[3]

  • Cấu trúc của bộ não
  • Hóa chất trong não
  • Hormone
  • Di truyền

Một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ phát triển trầm cảm: [5][4]

  • Có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị trầm cảm
  • Mắc các bệnh nghiêm trọng như bệnh đái tháo đường, ung thư, bệnh tim, và bệnh Parkinson
  • Có những thay đổi lớn trong cuộc sống, chấn thương hoặc stress
  • Một số bệnh về thể chất và thuốc
  • Tính cách: Những người thiếu tự tin, dễ bị căng thẳng, hoặc bi quan thường có khả năng bị trầm cảm.
  • Các nhân tố môi trường: Tiếp xúc liên tục với bạo lực, bị bỏ rơi, bị lạm dụng hoặc nghèo đói có thể khiến một số người dễ bị trầm cảm hơn

TRIỆU CHỨNG [6]

Theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê Các rối loạn Tâm thần, Ấn bản lần thứ 5 (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition, DSM-5) của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, trong số các tiêu chí của một bệnh rối loạn trầm cảm chính, ít nhất 5 trong số các triệu chứng sau phải xuất hiện trong cùng khoảng thời gian 2 tuần (và ít nhất phải có một triệu chứng giảm hứng thú/ niềm vui hoặc tâm trạng chán nản):

  • Tâm trạng chán nản: Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, đây cũng có thể là một tâm trạng cáu kỉnh
  • Giảm hứng thú hoặc mất niềm vui trong hầu hết các hoạt động (anhedonia)
  • Thay đổi cân nặng đáng kể hoặc rối loạn cảm giác thèm ăn: Đối với trẻ em, điều này có thể làm ảnh hưởng sự tăng cân bình thường
  • Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều)
  • Kích động tâm thần vận động hoặc chậm phát triển
  • Mệt mỏi hoặc mất năng lượng
  • Cảm thấy vô dụng
  • Giảm khả năng suy nghĩ hoặc tập trung; thiếu quyết đoán
  • Hay suy nghĩ về cái chết, thường có ý nghĩ tự tử mà không có kế hoạch cụ thể, hoặc có ý định tự sát hoặc kế hoạch cụ thể để tự tử

PHÂN LOẠI TRẦM CẢM [3]

  • Trầm cảm chính đơn cực
  • Rối loạn trầm cảm dai dẳng, còn được gọi là dysthymia, khi trầm cảm kéo dài ít nhất 2 năm
  • Rối loạn mất điều hòa gián đoạn khí sắc, khi trẻ em và thanh thiếu niên trở nên rất cáu kỉnh, tức giận và thường có những cơn bộc phát dữ dội nghiêm trọng hơn phản ứng điển hình của trẻ
  • Trầm cảm chu kỳ sinh
  • Rối loạn cảm xúc theo mùa
  • Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt
  • Rối loạn tâm trạng do chất gây nghiện
  • Rối loạn trầm cảm do một tình trạng bệnh lý khác
  • Các rối loạn trầm cảm khác, chẳng hạn như trầm cảm tâm thần

Chứng trầm cảm có thể có các đặc điểm đặc trưng khác, chẳng hạn:

  • Hồi hộp lo lắng.
  • Các đặc điểm hỗn hợp, gồm cả hai trạng thái trầm cảm và hưng cảm.
  • Các đặc điểm không điển hình. Cảm thấy dễ chịu sau những sự kiện hạnh phúc nhưng cũng cảm thấy đói hơn, cần ngủ nhiều, và nhạy cảm với sự từ chối.
  • Các đặc điểm loạn thần. Tin vào những điều không có thật, hoặc nhìn thấy và nghe những thứ không có ở đó.
  • Catatonia. Không thể cử động cơ thể một cách bình thường.
  • Trầm cảm sau sinh. Các triệu chứng bắt đầu trong khi mang thai hoặc sau khi sinh.
  • Mô hình theo mùa. Các triệu chứng trở nên tệ hơn theo sự thay đổi của mùa, đặc biệt là những tháng lạnh lẽo, ảm đạm hơn.

THĂM KHÁM [3]

  • Thăm khám lâm sàng: kiểm tra sức khỏe tổng thể.
  • Cận lâm sàng: xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone nhất định.
  • Đánh giá tâm thần. Bác sĩ sẽ chú ý đến sức khỏe tâm thần của bệnh nhân và sẽ hỏi những suy nghĩ, cảm xúc, và kiểu hành vi của bệnh nhân. Bệnh nhân cũng có thể điền vào một bảng câu hỏi.
  • Kiểm tra các triệu chứng dựa vào các tiêu chí trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê Các rối loạn Tâm thần 5 (DSM-5) do Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ liệt kê.

ĐIỀU TRỊ

Trong tất cả các quần thể bệnh nhân, sự kết hợp giữa thuốc và tâm lý trị liệu thường đem lại đáp ứng nhanh nhất và ổn định nhất .[6]

A. Điều trị dùng thuốc: [6], [7]

Tất cả các loại thuốc chống trầm cảm trên thị trường đều có khả năng đem lại hiệu quả chữa trị. Thông thường, cần 2–6 tuần ở mức liều điều trị để quan sát đáp ứng lâm sàng. Lựa chọn thuốc dựa vào tính an toàn và khả năng dung nạp được dự đoán trước, điều này sẽ giúp cho việc tuân thủ điều trị; sự quen thuộc của bác sĩ, điều này sẽ hỗ trợ trong việc giáo dục bệnh nhân và dự đoán các tác dụng phụ; và tiền sử của các điều trị trước đó. [7]

  • Nhóm đầu tay:

  1. Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (Selective Serotonin Reuptake Inhibitors – SSRIs) là lựa chọn ban đầu cho bệnh trầm cảm không biến chứng vì có tác dụng kháng cholinergic tối thiểu. [8]

SSRIs có ưu điểm là dễ định liều và độc tính thấp khi dùng quá liều. SSRIs được ưa chuộng hơn nhiều so với các loại thuốc chống trầm cảm khác để điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên, và các thuốc này là cũng là thuốc đầu tay cho bệnh trầm cảm khởi phát muộn, do khả năng dung nạp vượt trội và tiểu sử an toàn tương đối lành tính hơn. [8]

Các thuốc phổ biến bao gồm Citalopram (Celexa), Escitalopram (Lexapro), Fluoxetine (Prozac), Fluvoxamine, Paroxetine (Paxil, Pexeva), Sertraline (Zoloft), Vilazodone (Viibryd), Vortioxetine (Trintellix). [8]

  1. Thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin/Norepinephrine (Serotonin/Norepinephrine Reuptake Inhibitors – SNRIs) có thể được sử dụng như thuốc đầu tay, đặc biệt ở những bệnh nhân có hội chứng mệt mỏi đáng kể hoặc đau liên quan đến giai đoạn trầm cảm. SNRIs cũng có một vai trò quan trọng như là thuốc lựa chọn thứ hai ở những bệnh nhân không đáp ứng với SSRIs.[9]

Các thuốc phổ biến bao gồm Desvenlafaxine (Pristiq), Duloxetine (Cymbalta), Venlafaxine (Effexor XR), Levomilnacipran (Fetzima). [9]

  • Thuốc chống trầm cảm không điển hình
  • Bộ điều chỉnh hoạt động Serotonin-Dopamine
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng (Tricyclic Antidepressants – TCAs)
  • Thuốc ức chế Monoamine Oxidase, Monoamine Oxidase Inhibitors – MAOIs
  • Chất đối kháng thụ thể N-methyl-D-aspartate (NMDA)
  • Thảo dược:

St. John’s wort (hypericum perforatum) là một phương thuốc thảo dược có bán không cần kê đơn. Mặc dù St. John’s wort được xem là một loại thuốc chống trầm cảm đầu tay ở nhiều nước châu Âu, nó chỉ mới trở nên phổ biến gần đây ở Hoa Kỳ. Công dụng bao gồm điều trị các triệu chứng trầm cảm nhẹ đến trung bình, nhưng lưu ý, hiệu quả của nó chưa được chứng minh trong các giai đoạn trầm cảm chính và không được khuyến nghị như một phương pháp điều trị đầu tay cho bệnh trầm cảm ở mức trung bình. [10]

B. Điều trị không dùng thuốc: [4], [5]

  • Vận động và tập thể dục
  • Ngủ đủ giấc một cách thường xuyên
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh và tránh những đồ uống có cồn
  • Đặt mục tiêu thực tế cho bản thân
  • Cố gắng dành thời gian với những người khác và tâm sự với một người bạn hoặc người thân đáng tin cậy
  • Không cô lập bản thân và hãy nhận sự giúp đỡ từ người khác
  • Nhận thức rằng tâm trạng sẽ được cải thiện dần dần, không phải ngay lập tức
  • Hoãn các quyết định quan trọng, chẳng hạn như kết hôn hoặc ly hôn, hoặc thay đổi công việc cho đến khi cảm thấy tốt hơn
  • Giáo dục bệnh nhân về bệnh trầm cảm

C. Một số biện pháp khác:[6]

–  Tâm lý trị liệu:

  • Liệu pháp hành vi/ Kích hoạt hành vi
  • Liệu pháp nhận thức
  • Hệ thống phân tích nhận thức hành vi của liệu pháp tâm lý
  • Liệu pháp tâm lý tương tác cá nhân (Interpersonal psychotherapy-IPT)
  • Liệu pháp giải quyết vấn đề (Problem-solving therapy-PST)
  • Liệu pháp tự quản lý/ Kiểm soát bản thân

Các phương pháp điều trị tâm lý dựa trên bằng chứng cho trẻ em và thanh thiếu niên bị rối loạn trầm cảm chính bao gồm:

  • Liệu pháp tâm lý tương tác cá nhân (IPT)
  • Liệu pháp nhận thức-hành vi (Cognitive-behavioral therapy-CBT)
  • Liệu pháp hành vi (Behavior therapy-BT)
  • Liệu pháp sốc điện (Electroconvulsive therapy-ECT): Liệu pháp sốc điện là một phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả cao. Các chỉ định cho ECT bao gồm:
  • Cần đáp ứng nhanh với thuốc chống trầm cảm
  • Thất bại của liệu pháp điều trị bằng thuốc
  • Lịch sử đáp ứng tốt với ECT
  • Sự lựa chọn của bệnh nhân
  • Nguy cơ tự tử cao
  • Nguy cơ mắc bệnh y tế và tử vong cao
  • Các kỹ thuật kích thích:
  • Kích thích từ xuyên sọ (Transcranial magnetic stimulation-TMS)
  • Kích thích thần kinh phế vị (Vagus nerve stimulation-VNS)

CÁC KẾT QUẢ MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM

Xem Trầm cảm phần II: các kết quả mới trong điều trị trầm cảm theo link

Xem thêm: Sự khác biệt khi trầm cảm được nhìn nhận từ góc nhìn sinh học

NGUỒN THAM KHẢO

  1. https://www.apa.org/topics/depression
  2. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/depression
  3. https://www.webmd.com/depression/guide/what-is-depression#4
  4. https://www.psychiatry.org/patients-families/depression/what-is-depression
  5. https://www.nimh.nih.gov/health/topics/depression/index.shtml
  6. https://emedicine.medscape.com/article/286759-overview#a1
  7. https://emedicine.medscape.com/article/286759-medication#1
  8. https://emedicine.medscape.com/article/286759-medication#2
  9. https://emedicine.medscape.com/article/286759-medication#3
  10. https://www.medscape.com/answers/286759-14765/is-st-john39s-wort-effective-in-the-treatment-of-major-depressive-disorder-clinical-depression

 

Chia sẻ bài viết