Các dấu hiệu phổ biến và xét nghiệm tầm soát ung thư sớm

Các dấu hiệu phổ biến và xét nghiệm tầm soát ung thư sớm

Nhóm tác giả

DS. Huỳnh Yến Thanh, Nguyễn Thanh Huyền, Nguyễn Cao Quỳnh Anh, TS. Nguyễn Thị Thanh Vân

 

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trên thế giới. Năm 2018, có khoảng 9.6 triệu ca tử vong do ung thư. Theo thống kê của Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế GLOBOCAN 2018, Việt Nam có khoảng 165.000 ca mới và khoảng 115.000 ca tử vong do ung thư mỗi năm. Như vậy, trung bình mỗi ngày có 315 người chết vì ung thư. Số lượng người mắc ung thư đang không ngừng gia tăng và hầu hết các bệnh nhân đều không được xét nghiệm sàng lọc sớm. Do đó, vào thời điểm được chẩn đoán mắc bệnh ung thư có thể đã quá muộn cho liệu pháp điều trị hiệu quả nhất. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung vào các dấu hiệu phổ biến và các xét nghiệm tầm soát ung thư ở giai đoạn đầu, giúp cho việc điều trị hoặc chữa khỏi dễ dàng hơn.

 

CÁC DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG PHỔ BIẾN CỦA UNG THƯ

  • Ho dai dẳng/ nước bọt có máu: có thể là triệu chứng của ung thư phổi hoặc ung thư đầu và cổ. Triệu chứng ho dai dẳng kéo dài hơn một tháng hoặc có máu trong chất nhầy khi ho nên đi khám bác sĩ.
  • Thay đổi thói quen đi tiêu: Bác sĩ đã ghi nhận tình trạng phân mỏng như bút chì (pencil-thin stools) ở bệnh nhân ung thư ruột kết. Thỉnh thoảng, ung thư có biểu hiện tiêu chảy liên tục. Bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong thói quen đi tiêu mà không thể giải thích hợp lý bằng sự thay đổi chế độ ăn uống đều có thể liên quan đến ung thư và cần được đánh giá.
  • Máu trong phân: ngay cả khi mắc bệnh trĩ, người bệnh nên thăm khám toàn bộ đường ruột khi có triệu chứng đi tiêu ra máu.
  • Thiếu máu không rõ nguyên nhân (công thức máu thấp): nhiều bệnh ung thư có thể gây thiếu máu, nhưng ung thư ruột thường gây thiếu máu thiếu sắt.
  • U vú hoặc tiết dịch ở vú: tất cả các khối u ở vú cần phải được xem xét kỹ lưỡng về khả năng bị ung thư vú. Nếu vú tiết dịch có máu hoặc chỉ từ một núm vú thì cần đánh giá thêm. Phụ nữ nên tự khám vú hàng tháng.
  • Khối u trong tinh hoàn: hầu hết nam giới (90%) bị ung thư tinh hoàn có một khối u không đau hoặc đau trên tinh hoàn. Một số nam giới có tinh hoàn phì đại. Nam giới nên tự khám tinh hoàn hàng tháng.
  • Thay đổi khi đi tiểu: các triệu chứng tiết niệu có thể bao gồm đi tiểu thường xuyên, lượng nước tiểu ít và dòng nước tiểu chậm hoặc thay đổi chung về chức năng bàng quang. Những triệu chứng này có thể báo hiệu ung thư tuyến tiền liệt. Ung thư bàng quang và khối u vùng chậu cũng có thể gây kích thích bàng quang và tần suất tiểu.
  • Một số dấu hiệu khác: Máu trong nước tiểu, khàn tiếng, các khối u hoặc sưng hạch dai dẳng, thay đổi rõ ràng ở mụn cơm hoặc nốt ruồi, khó tiêu hoặc khó nuốt, chảy máu hoặc tiết dịch âm đạo bất thường, sụt cân đột ngột, đổ mồ hôi ban đêm hoặc sốt, ngứa liên tục ở vùng hậu môn hoặc bộ phận sinh dục, vết loét không lành, đau đầu, đau lưng, đau vùng chậu, đầy bụng hoặc khó tiêu

 

CÁC LOẠI XÉT NGHIỆM SÀNG LỌC

Có rất nhiều loại xét nghiệm sàng lọc ung thư khác nhau bao gồm:

  • Khám lâm sàng và bệnh sử
  • Xét nghiệm cận lâm sàng
  • Chẩn đoán hình ảnh
  • Xét nghiệm gen

Các xét nghiệm sàng lọc thường không chẩn đoán ung thư, nó chỉ là các bước trong quá trình chẩn đoán khối u/ sự bất thường đó có phải là ung thư hay là cái gì đó khác. Nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc bất thường, các xét nghiệm đặc hiệu khác sẽ được tiến hành sau đó.

Mục tiêu của các xét nghiệm sàng lọc:

  • Phát hiện ung thư trước khi các triệu chứng xuất hiện
  • Tầm soát được các bệnh ung thư mà nếu can thiệp sớm thì dễ điều trị và chữa khỏi hơn
  • Tỉ lệ âm tính giả và dương tính giả thấp
  • Giảm nguy cơ tử vong do ung thư

Hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ về tầm soát sớm ung thư

  • Ung thư vú: Sàng lọc bằng chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú)
  • Phụ nữ 40 – 44 tuổi: nên chụp nhũ ảnh hằng năm nếu muốn
  • Phụ nữ 45 – 54 tuổi: nên chụp nhũ ảnh hằng năm
  • Phụ nữ trên 55 tuổi: nên chụp nhũ ảnh 2 năm/lần hoặc tiếp tục sàng lọc hằng năm

Phụ nữ nên biết rõ hình dạng và trạng thái bình thường vú và thông báo cho bác sĩ bất cứ sự thay đổi bất thường nào.

  • Polyp, ung thư ruột kết và trực tràng: Sàng lọc bằng xét nghiệm máu trong phân hoặc nội soi.
  • Nên sàng lọc từ 45 tuổi trở lên
  • Từ 76-85 tuổi: sàng lọc dựa trên y lệnh của bác sĩ
  • Lớn hơn 85 tuổi: không nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc nữa.

 

  • Ung thư cổ tử cung: Sàng lọc bằng xét nghiệm HPV và PAP
  • Nên sàng lọc từ 25 tuổi trở lên
  • Đối tượng 25-65 tuổi nên làm xét nghiệm HPV (cơ bản hoặc kết hợp với xét nghiệm PAP) 5 năm một lần hoặc xét nghiệm PAP 3 năm một lần. Quan trọng là phải thực hiện xét nghiệm đều đặn.
  • Đối tượng trên 65 tuổi đã xét nghiệm sàng lọc thường xuyên trong 10 năm trước đó với kết quả bình thường hoặc đối tượng đã cắt bỏ cổ tử cung (nguyên nhân không liên quan đến ung thư cổ tử cung hoặc bệnh tiền ung thư nghiêm trọng) thì không nên sàng lọc tiếp. Sau khi đã ngừng làm xét nghiệm sàng lọc thì không nên tái xét nghiệm lại. Đối tượng có tiền sử tiền ung thư cổ tử cung nên tiếp tục làm xét nghiệm sàng lọc tối thiểu 25 năm sau khi chẩn đoán bệnh, kể cả khi đã trên 65 tuổi.
  • Đối tượng đã tiêm vaccine phòng HPV vẫn tuân theo các khuyến cáo sàng lọc theo nhóm tuổi.

 

  • Ung thư nội mạc tử cung
  • Vào thời kỳ mãn kinh, tất cả phụ nữ nên được tư vấn về các nguy cơ và triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung. Chảy máu bất thường ở âm đạo là một triệu chứng điển hình.
  • Đối tượng nguy cơ cao nên sinh thiết nội mạc tử cung hằng năm.
  • Ung thư phổi: Sàng lọc bằng chụp CT phổi liều thấp ở các đối tượng có nguy cơ cao.
  • Ung thư tuyến tiền liệt: bắt đầu từ tuổi 50, bệnh nhân nam nên trao đổi với chuyên viên y tế về lợi ích và nguy cơ của xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt để đưa ra quyết định đúng đắn. Nếu bệnh nhân đồng ý, có thể làm xét nghiệm chỉ số PSA trong máu, kèm với hoặc không khám trực tràng. Tần suất xét nghiệm phụ thuộc vào chỉ số PSA.

 

PHƯƠNG PHÁP MỚI ĐỂ CHẨN ĐOÁN UNG THƯ SỚM

Xét nghiệm đa ung thư thế hệ mới của Công ty Công nghệ sinh học Grail (Mỹ) phát hiện 50 bệnh ung thư giai đoạn đầu với độ chính xác đến 93%.

Công ty Grail đã công bố dữ liệu xác thực cho công nghệ xét nghiệm máu phát hiện sớm đa ung thư. Công nghệ này có thể phát hiện hơn 50 loại ung thư khác nhau ở tất cả các giai đoạn với tỷ lệ dương tính giả dưới 1%, thực hiện trên một mẫu máu duy nhất và cho kết quả chính xác đến 93%. Cách tiếp cận của Grail là tổng quát các dấu hiệu ung thư di truyền trong máu và thông qua xét nghiệm máu để tìm các dấu hiệu ban đầu của nhiều loại ung thư. Thử nghiệm này phân tích các nhóm methyl gắn vào DNA của tế bào ung thư. Nhóm methyl giúp điều chỉnh hoạt động của tế bào và biểu hiện gen. Được tìm thấy trong máu, các mô hình methyl hóa đặc biệt khác với DNA của các tế bào khỏe mạnh. Xét nghiệm dường như hiệu quả hơn khi ung thư đang tiến triển. Ung thư càng tiến triển, càng có nhiều tế bào ung thư và DNA ung thư trong máu. Nghiên cứu báo cáo tỷ lệ phát hiện là 39% ở giai đoạn I, 69% ở giai đoạn II, 83% ở giai đoạn III và 92% ở giai đoạn IV. Nếu tất cả các bệnh ở giai đoạn IV được chẩn đoán sớm hơn thì tỷ lệ tử vong có thể giảm xuống tới 24%.

Cách tốt nhất để chống lại bệnh ung thư là phòng ngừa (loại bỏ hoặc giảm các yếu tố nguy cơ) và phát hiện sớm. Do đó, các cá nhân cần biết những triệu chứng nào có thể chỉ ra ung thư. Mọi người không nên bỏ qua một triệu chứng cảnh báo để có thể được chẩn đoán sớm và chữa khỏi bệnh. Tỷ lệ sống sót tăng lên đáng kể khi ung thư được xác định ở giai đoạn đầu, vì khối u có thể được phẫu thuật cắt bỏ hoặc điều trị bằng các phác đồ thuốc nhẹ hơn. Do đó, việc nghiên cứu sâu hơn về các xét nghiệm sàng lọc ung thư ở giai đoạn sớm, bằng phương pháp xâm lấn hay không xâm lấn là điều vô cùng cần thiết trong điều trị căn bệnh này.

Các bài viết khác cùng chủ đề

Hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ 2020

Phương pháp mới trong điều trị ung thư

Disclaimers: các thông tin chỉ để tham khảo; khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và nhận liệu pháp trị liệu thích hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cancer in Viet Nam (WHO). https://www.who.int/vietnam/health-topics/cancer
  2. 18 Common Cancer Symptoms and Signs (2020).

https://www.emedicinehealth.com/cancer_symptoms/article_em.htm?fbclid=IwAR2AiVZBBUatAO9zn-FGCv8ZpCoQzMdGTtKTqdy1y2hvgY2w_cyylaLcEfQ

  1. Cancer Screening Overview (PDQ®)–Patient Version

https://www.cancer.gov/about-cancer/screening/patient-screening-overview-pdq?fbclid=IwAR2Uz-j7XvVGwE6DKOZs2ZAi3SSMu1K3vtX1C_fa6GAa7ABZx2xCaz6shD0

  1. American Cancer Society Guidelines for the Early Detection of Cancer.

https://www.cancer.org/healthy/find-cancer-early/cancer-screening-guidelines/american-cancer-society-guidelines-for-the-early-detection-of-cancer.html?fbclid=IwAR2AiVZBBUatAO9zn-FGCv8ZpCoQzMdGTtKTqdy1y2hvgY2w_cyylaLcEfQ

  1. Grail’s Next-Gen Multi-Cancer Test Detects 50 Early-Stage Cancers with 93% Accuracy (2020).

https://www.biospace.com/article/grail-validates-test-able-to-detect-more-than-50-cancers-at-an-early-stage

Photo created by rawpixel.com – www.freepik.com

 

 

Chia sẻ bài viết