BỆNH ALZHEIMER

Alzheimer

BỆNH ALZHEIMER

Biên soạn: Phạm Thị Thư Thư

Hiệu đính: DS. Phan Diệu Hiền

GIỚI THIỆU

Bệnh Alzheimer là một tình trạng thoái hóa thần kinh tiến triển. Đây là một trong những dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất – một nhóm các triệu chứng dẫn đến suy giảm nghiêm trọng chức năng thần kinh gây trở ngại cho cuộc sống hàng ngày. Bệnh Alzheimer gây ra các vấn đề về trí nhớ và khả năng học hỏi, suy luận, đánh giá, giao tiếp và thực hiện các hoạt động hàng ngày. [1]

Bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer thường là người cao tuổi, nhưng bệnh này không phải là một vấn đề bình thường của quá trình lão hóa. Yếu tố nguy cơ được biết đến nhiều nhất là tuổi cao, phần lớn bệnh nhân mắc Alzheimer từ 65 tuổi trở lên. Tuy nhiên, Alzheimer không chỉ là bệnh của tuổi già. Gần 200.000 người Mỹ dưới 65 tuổi khởi phát bệnh Alzheimer khi còn trẻ (bệnh Alzheimer khởi phát sớm). [2][3]

BỆNH SINH

Nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bệnh Alzheimer đến từ 2 loại tổn thương thần kinh chủ yếu [3]

– Các tế bào thần kinh bị rối, gọi là đám rối thần kinh

– Sự lắng đọng các protein gọi là mảng beta-amyloid trong não

Các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác vai trò của các mảng protein và đám rối thần kinh trong bệnh Alzheimer. Phần lớn các chuyên gia tin rằng bằng một cách nào đó, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn truyền tải thông tin giữa các tế bào thần kinh và gây gián đoạn các quá trình mà tế bào cần để tồn tại. Các tế bào thần kinh bị thay đổi cấu trúc và chết dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ, thay đổi tính cách, gặp vấn đề trong các hoạt động hàng ngày và các triệu chứng khác của bệnh Alzheimer. [2]

YẾU TỐ NGUY CƠ [4]

– Tuổi tác

– Tiền sử gia đình và yếu tố di truyền

– Hội chứng Down

– Giới tính: Nữ > Nam

– Tổn thương nhận thức nhẹ

– Chấn thương đầu

– Ô nhiễm không khí

– Uống nhiều rượu

– Giấc ngủ kém

– Sự gắn kết với xã hội và trình độ học vấn

– Lối sống và sức khỏe tim mạch

Các nghiên cứu cho thấy các yếu tố nguy cơ tương tự với bệnh tim mạch có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Bao gồm:

  • Thiếu tập thể dục thể thao
  • Béo phì
  • Hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động
  • Tăng huyết áp
  • Tăng cholesterol
  • Kiểm soát đái tháo đường tuýp 2 kém

Các yếu tố trên đều có thể hiệu chỉnh. Vậy nên, thay đổi lối sống có thể thay đổi phần nào các yếu tố nguy cơ. Ví dụ, tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn ít chất béo, nhiều trái cây và rau củ có mối liên quan đến giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer.

CÁC DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG [5]

– Bệnh Alzheimer tiền lâm sàng

Bệnh nhân mắc Alzheimer tiền lâm sàng có thể hoàn toàn bình thường khi khám sức khỏe và kiểm tra tình trạng tâm thần. Các vùng riêng biệt của não (ví dụ: vỏ não nội khứu, hồi hải mã) có khả năng bị ảnh hưởng hàng thập kỷ trước khi bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào xuất hiện.

– Bệnh Alzheimer nhẹ

Các dấu hiệu của bệnh Alzheimer nhẹ có thể bao gồm:

  • Mất trí nhớ
  • Tốn nhiều thời gian để hoàn thành các công việc hàng ngày bình thường
  • Lẫn lộn về các vị trí hoặc địa điểm quen thuộc
  • Gặp vấn đề trong việc quản lý tiền bạc và thanh toán hóa đơn
  • Suy giảm khả năng phán đoán, thường dẫn đến các quyết định sai lầm
  • Mất sự thanh thoát và óc sáng kiến

– Bệnh Alzheimer trung bình

Các triệu chứng của giai đoạn này có thể bao gồm:

  • Tăng mất trí nhớ và lẫn lộn
  • Gỉam thời gian tập trung
  • Gặp vấn đề khi nhận dạng bạn bè và các thành viên gia đình
  • Gặp khó khăn với ngôn ngữ; gặp vấn đề với đọc, viết và tính toán
  • Gặp khó khăn khi sắp xếp các suy nghĩ và suy nghĩ một cách logic
  • Không có khả năng học hỏi điều mới hoặc giải quyết các tình huống mới hoặc không dự đoán trước
  • Cảm giác bồn chồn, kích động, lo lắng, chảy nước mắt, đi lang thang, đặc biệt vào chiều muộn hoặc ban đêm
  • Lặp đi lặp lại các câu nói hoặc chuyển động; thỉnh thoảng co giật cơ
  • Ảo giác, ảo hưởng, nghi ngờ hoặc hoang tưởng, cáu kỉnh
  • Mất kiểm soát xung động: thể hiện qua các hành vi như cởi quần áo tại nơi chốn hoặc thời gian không thích hợp hoặc dùng từ ngữ thô tục
  • Các vấn đề về vận động – tri giác: như gặp vấn đề khi rời ghế hoặc sắp xếp bàn ghế

– Bệnh Alzheimer nặng

Bệnh nhân mắc AD nặng không thể nhận ra người thân hoặc gia đình và không thể giao tiếp hiệu quả. Họ hoàn toàn phụ thuộc vào người khác để chăm sóc bản thân và mọi ý thức về bản thân gần như biến mất.

– Các triệu chứng khác của bệnh AD nặng có thể bao gồm:

  • Giảm cân
  • Co giật, nhiễm khuẩn da, khó nuốt
  • Rên rỉ, than vãn, cằn nhằn
  • Ngủ nhiều
  • Thiếu kiểm soát bàng quang và ruột

– Trong giai đoạn cuối của AD, bệnh nhân có thể ngủ nhiều quá mức hoặc cả ngày, tử vong thường là kết cục của các bệnh khác, thường là viêm phổi do hít phải.

MỤC TIÊU ĐIỀU TRỊ [7]

– Bảo tồn chức năng tâm thần kinh

– Kiểm soát các triệu chứng về hành vi

– Trì hoãn các triệu chứng của bệnh

CHẨN ĐOÁN

– Một phần quan trọng của việc chẩn đoán bệnh Alzheimer là khả năng tự giải thích các triệu chứng của bệnh nhân, cũng như quan điểm của một người thân trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết về các triệu chứng và tác động của triệu chứng đến cuộc sống hàng ngày. Thêm vào đó, chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa trên các xét nghiệm mà bác sĩ thực hiện để đánh giá các kỹ năng về trí nhớ và suy luận. Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh có thể loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác hoặc giúp bác sĩ xác định rõ hơn bệnh gây ra các triệu chứng sa sút trí tuệ. Nhưng bệnh Alzheimer chỉ được chẩn đoán hoàn toàn chắc chắn sau khi tử vong, khi kiểm tra não bằng kính hiển vi cho thấy các mảng lắng đọng và đám rối thần kinh đặc trưng. [6]

– Các phương pháp chẩn đoán AD: [5]

  • Thăm khám lâm sàng: Chẩn đoán lâm sàng của AD thường được thực hiện trong giai đoạn bệnh nhẹ (sử dụng danh sách các dấu hiệu ở trên)
  • Chọc dò tủy sống: nồng độ TAU và TAU phosphoryl hóa trong dịch não tủy thường tăng trong AD, trong khi đó nồng độ amyloid thường thấp. Tuy nhiên, hiện tại, việc đo lường TAU và amyloid thường quy không được khuyến cáo ngoại trừ trong các cơ sở nghiên cứu.
  • Chẩn đoán hình ảnh: các chẩn đoán hình ảnh đặc biệt quan trọng trong việc loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn có thể điều trị được của suy giảm nhận thức tiến triển, như máu tụ dưới màng cứng mạn tính hoặc não úng thủy áp lực bình thường. Hơn nữa, các nghiên cứu về thể tích của hồi hải mã và chụp cắt lớp phát xạ 2- [18F] -fluoro-2-Deoxy-D-glucose positron (FDG-PET) có hoặc không có hình ảnh amyloid đã được sử dụng để phát hiện sớm và phân biệt căn nguyên của bệnh sa sút trí tuệ.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị không dùng thuốc

– Điều trị chứng kích động và gây hấn trong bệnh Alzheimer [8]

  • Trấn an bệnh nhân. Trò chuyện một cách nhẹ nhàng. Lắng nghe những lo lắng và những thất vọng của bệnh nhân. Cố gắng thể hiện sự thấu hiểu nếu bệnh nhân giận dữ hoặc sợ hãi.
  • Cho phép bệnh nhân kiểm soát cuộc sống của họ nhiều nhất có thể
  • Cố gắng giữ một thói quen, như tắm rửa, thay quần áo và ăn uống tại một thời điểm nhất định trong ngày.
  • Thiết lập khoảng thời gian yên tĩnh trong ngày cùng với các hoạt động
  • Giữ các đồ vật và hình ảnh thân thuộc xung quanh nhà để bệnh nhân cảm thấy an tâm hơn
  • Thử tiếp xúc nhẹ nhàng, nghe nhạc êm dịu, đọc sách hoặc đi dạo.
  • Giảm tiếng ồn, sự lộn xộn hoặc số lượng người trong phòng.
  • Cố gắng đánh lạc hướng bệnh nhân bằng món ăn nhẹ, đồ vật hoặc hoạt động yêu thích.
  • Hạn chế lượng caffeine, đường, và “đồ ăn vặt” bệnh nhân ăn uống.

– Kiểm soát các vấn đề liên quan giấc ngủ [9]

  • Giúp bệnh nhân tập thể dục mỗi ngày, hạn chế ngủ trưa và đảm bảo bệnh nhân ngủ đủ vào bạn đêm. Mệt mỏi quá mức có thể làm tăng sự thao thức vào buổi chiều muộn và ban đêm.
  • Lên kế hoạch cho các hoạt động sử dụng nhiều năng lượng hơn vào đầu ngày. Ví dụ, hãy thử tắm vào buổi sáng hoặc dùng bữa cơm gia đình lớn nhất vào giữa ngày.
  • Tạo trạng thái tĩnh lặng, yên bình vào buổi tối để giúp bệnh nhân thư giãn. Để đèn ở mức thấp, cố gắng giảm mức độ tiếng ồn và mở những bài nhạc nhẹ nhàng nếu bệnh nhân cảm thấy yêu thích.
  • Cố gắng cho bệnh nhân đi ngủ cùng thời điểm mỗi tối. Một thói quen trước khi đi ngủ, chẳng hạn như đọc thành tiếng cũng có thể hữu ích.
  • Hạn chế caffeine.
  • Sử dụng đèn ngủ trong phòng ngủ, phòng ăn và phòng tắm.

– Điều trị trầm cảm: [11]

  • Hỗ trợ nhóm có thể rất hữu ích, đặc biệt nhóm giai đoạn sớm cho bệnh nhân mắc Alzheimer nhận thức được căn bệnh của mình và thích tham gia các hoạt động tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc giúp đỡ người khác; việc tư vấn cũng là một sự lựa chọn đặc biệt đối với những bệnh nhân không cảm thấy thoải mái trong nhóm.
  • Lên kế hoạch cho những thói quen hàng ngày có thể dự tính được, tận dụng thời gian tốt nhất trong ngày của bệnh nhân để thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, chẳng hạn như tắm rửa
  • Lên danh sách các hoạt động, đối tượng hoặc nơi chốn mà bệnh nhân yêu thích và lên kế hoạch cho những việc này một cách thường xuyên
  • Giúp bệnh nhân tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là vào buổi sáng
  • Thừa nhận sự thất vọng hoặc nỗi buồn của bệnh nhân, đồng thời tiếp tục bày tỏ hy vọng rằng họ sẽ sớm cảm thấy tốt hơn
  • Tán dương những thành công và cơ hội nhỏ
  • Tạo điều kiện để bệnh nhân đóng góp cho cuộc sống gia đình và đảm bảo việc ghi nhận những đóng góp của họ
  • Đảm bảo rằng bệnh nhân được yêu thương, tôn trọng và đánh giá cao như một phần của gia đình, chứ không chỉ vì những gì họ có thể làm bây giờ
  • Nuôi dưỡng bệnh nhân bằng các món ăn yêu thích hoặc các hoạt động nhẹ nhàng hoặc truyền cảm hứng
  • Đảm bảo với bệnh nhân rằng họ sẽ không bị bỏ rơi

Điều trị dùng thuốc

Khi bệnh Alzheimer tiến triển, các tế bào não chết đi và mất liên kết giữa các tế bào khiến cho các triệu chứng về nhận thức ngày càng nghiêm trọng. Trong khi các thuốc hiện nay không thể ngăn chặn các tổn hại do bệnh Alzheimer gây ra với tế bào não, thuốc có thể giúp giảm nhẹ hoặc ổn định các triệu chứng trong thời gian giới hạn thông qua các chất hóa học nhất định liên quan đến truyền tải thông tin giữa các tế bào thần kinh. [10] Hầu hết các thuốc hoạt động tốt nhất đối với các bệnh nhân mắc Alzheimer giai đoạn đầu hoặc giữa. [10]

Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận hai loại thuốc – ức chế cholinesterase (Aricept®, Exelon®, Razadyne®) và memantine (Namenda®) để điều trị các triệu chứng nhận thức (mất trí nhớ, lẫn lộn, và các vấn đề về suy nghĩ và suy luận) của bệnh Alzheimer. [10]

Điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn nhẹ đến trung bình [10]

Tất cả các thuốc kê đơn được chấp thuận gần đây để điều trị triệu chứng Alzheimer trong giai đoạn nhẹ đến trung bình là các loại thuốc ức chế cholinesterase. Thuốc ức chế cholinesterase được kê đơn để điều trị các triệu chứng liên quan đến trí nhớ, suy luận, ngôn ngữ, khả năng đánh giá và các quá trình suy luận khác.

Ba loại thuốc ức chế cholinesterase thường được kê đơn:

  • Donepezil (Aricept) được chấp thuận điều trị bệnh Alzheimer mọi giai đoạn.
  • Galantamine (Razadyne) được chấp thuận điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn nhẹ đến trung bình.
  • Rivastigmine (Exelon) được chấp thuận điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn nhẹ đến trung bình cũng như suy giảm trí tuệ nhẹ đến trung bình liên quan đến bệnh Parkinson.

Điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn trung bình đến nặng

Memantine (Namenda) và kết hợp memantine và donepezil (Namzaric®) được chấp thuận bởi FDA để điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn trung bình đến nặng. Memantine có tác dụng chính giảm triệu chứng, cải thiện trí nhớ, tập trung, suy luận, ngôn ngữ; từ đó giúp bệnh nhân duy trì các chức năng hằng ngày nhất định lâu hơn những bệnh nhân không dùng thuốc.

FDA cũng chấp thuận Aricept®, miếng dán Exelon® và Namzaric® để điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn trung bình đến nặng.

Bảng 1. Tổng hợp các thuốc điều trị Alzheimer. [7]

Tên thuốc Nhóm thuốc và chỉ định Liều khuyến nghị theo tờ HDSD Cơ chế tác động Các tác dụng phụ phổ biến
Aricept® (donepezil) – Ức chế Cholinesterase

– Điều trị triệu chứng nhẹ, trung bình và nặng của Alzheimer

Viên nén*: Liều khởi đầu 5 mg 1 lần/1 ngày; có thể tăng liều lên 10 mg/ngày sau 4-6 tuần nếu dung nạp tốt, sau đó tăng đến 23 mg/ngày trong khoảng thời gian tối thiểu 3 tháng.

Viên nén rã trong miệng*: Liều tương tự như trên (không có dạng 23 mg)

Ngăn chặn sự phân hủy acetylcholine trong não Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chuột rút, mệt mỏi, giảm cân
Exelon® (rivastigmine) – Ức chế cholinesterase

– Điều trị triệu chứng nhẹ đến trung bình của Alzheimer (miếng dán cũng được sử dụng cho Alzheimer nặng)

Viên nang*: Liều khởi đầu 3 mg/ngày (1,5 mg 2 lần/ngày); có thể tăng liều lên 6 mg/ngày (3 mg 2 lần/ngày), 9 mg/ngày (4,5 mg 2 lần/ngày) và 12 mg/ ngày (6 mg 2 lần/ngày) trong ít nhất 2 tuần nếu dung nạp tốt

Miếng dán*: Liều khởi đầu 4,6 mg 1 lần/ngày; có thể tăng liều lên 9,5 mg 1 lần/ngày và 13,3 mg 1 lần/ngày trong khoảng thời gian tối thiểu 4 tuần nếu dung nạp tốt

Ngăn chặn sự phân hủy acetylcholine và buyrylcholine (chất hóa học trong não tương tự acetylcholine) Nôn, buồn nôn, tiêu chảy, giảm cân, không tiêu, yếu cơ
Namenda® (memantine) – Chất đối kháng N-methyl D-aspartate (NMDA)

– Điều trị triệu chứng trung bình đến nặng của Alzheimer

Viên nén*: Liều khởi đầu 5 mg 1 lần/ngày; có thể tăng liều lên 10 mg/ngày (5 mg 2 lần/ngày), 15 mg/ngày (5 mg và 10 mg khi chia liều), và 20 mg/ngày (10 mg 2 lần/ngày) trong khoảng thời gian ít nhất 1 tuần nếu dung nạp tốt

Dung dịch uống*: Liều tương tự trên

Viên nén phóng thích kéo dài*: Liều khởi đầu 7 mg 1 lần/ngày; có thể tăng liều lên 14 mg/ngày, 21 mg/ngày, và 28 mg/ngày trong khoảng thời gian ít nhất 1 tuần nếu dung nạp tốt

Ngăn chặn các tác động độc hại liên quan đến quá mức glutamate và điều chỉnh sự kích hoạt glutamte Chóng mặt, nhức đầu, tiêu chảy, táo bón, lú lẫn
Namzaric® (memantine và donepezil) – Đối kháng NMDA và ức chế cholinesterase

– Điều trị triệu chứng trung bình đến nặng của Alzheimer

Viên nén phóng thích kéo dài*: Liều khởi đầu 28 mg memantine/10 mg donepezil 1 lần/ngày nếu bệnh nhân ổn định với memantine và donepezil

Nếu bệnh nhân chỉ ổn định với donezepil, liều khởi đầu 7 mg memantine/10 mg donepezil 1 lần/ngày; có thể tăng liều lên 28 mg memantine/10 mg donepezil, tăng 7 mg trong khoảng thời gian tối thiểu 1 tuần nếu dung nạp tốt.

Duy nhất 14 mg memantine/10 mg donepezil và 28 mg memantine/10 mg donepezil có dạng generic

 

Ngăn chặn các tác động độc hại liên quan đến quá mức glutamate và ức chế sự phân hủy acetylcholine trong não Đau đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, chán ăn.
Razadyne® (galantamine) – Ức chế Cholinesterase

– Điều trị triệu chứng nhẹ đến trung bình của Alzheimer

Viên nén*: Liều khởi đầu 8 mg/ngày (4 mg 2 lần/ngày); có thể tăng liều lên 16 mg/ngày (8 mg 2 lần/ngày) và 24 mg/ngày (12 mg 2 lần/ngày) trong khoảng thời gian tối thiểu 4 tuần nếu dung nạp tốt

Viên nang phóng thích kéo dài*: Liều tương tự trên nhưng dùng 1 lần/ngày

Ngăn chặn sự phân hủy của acetylcholine và hoạt hóa nicotinic receptor để giải phóng nhiều acetylcholine trong não Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, giảm cảm giác thèm ăn, chóng mặt, đau đầu.

* Thuốc tồn tại dạng generic

Thuốc thay thế: [4] [12]

Các liệu pháp dược liệu, vitamin và các thực phẩm bảo vệ sức khỏe khác được quảng cáo rộng rãi như sư dự trù trước cho bệnh Alzheimer do có thể hỗ trợ nhận thức hoặc dự phòng hoặc trì hoãn bệnh Alzheimer. Các thử nghiệm lâm sàng có các kết quả khác nhau với rất ít chứng cứ ủng hộ việc sử dụng chúng như liệu pháp điều trị hiệu quả.

Các liệu pháp điều trị được nghiên cứu gần đây bao gồm

  • Vitamin E: Mặc dù Vitamin E không dự phòng bệnh Alzheimer, sử dụng 2000 IU mỗi ngày có thể giúp trì hoãn sự tiến triển ở những bệnh nhân đã có bệnh giai đoạn nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu có nhiều khác biệt, chỉ vài nghiên cứu cho thấy những lợi ích tối thiểu. Cần thêm các nghiên cứu trong tương lai về an toàn của việc sử dụng Vitamin E 2000 IU mỗi ngày trên các bệnh nhân mất trí nhớ trước khi khuyến cáo thường quy.
  • Acid béo Omega-3: Acid béo Omega-3 trong cá hoặc từ các thực phẩm chức năng có thể làm giảm nguy cơ tiến triển sa sút trí tuệ, nhưng các nghiên cứu lâm sàng cho thấy không có lợi ích trong việc điều trị các triệu chứng bệnh Alzheimer.
  • Curcumin: hoạt chất có trong củ nghệ với hoạt tính kháng viêm và chống oxy hóa có thể ảnh hưởng đến các quá trình hóa học trong não. Tới nay, các thử nghiệm lâm sàng chưa ghi nhận lợi ích điều trị bệnh AD của chất này.
  • Ginkgo: Ginkgo là dịch chiết từ một loài thực vật chứa nhiều thành phầm dược liệu khác nhau. Một nghiên cứu lớn được tài trợ bởi Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ cho thấy không có lợi ích trong việc dự phòng hoặc trì hoãn bệnh Alzheimer.
  • Melatonin: Đây là một hormone điều hòa giấc ngủ được nghiên cứu để xác minh liệu có lợi ích trong việc kiểm soát giấc ngủ ở bệnh nhân sa sút trí tuệ. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng melatonin có thể làm tâm trạng bệnh nhân suy giảm trí tuệ càng tệ hơn. Cần thêm nhiều nghiên cứu trong tương lai.
  • Liệu pháp thay thế hormone (HRT). Trong một vài thời điểm, các nghiên cứu cho thấy phụ nữ sử dụng liệu pháp thay thế hormon sau khi mãn kinh có nguy cơ mắc Alzheimer thấp hơn. Hormon nữ (estrogen) giúp kết nối các tế bào thần kinh với nhau và ngăn cản não tạo các mảng protein giữa các tế bào não. Nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy HRT không có tác dụng, và một nghiên cứu thậm chí cho thấy thực ra sử dụng estrogen làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer hơn là chống lại nó. HRT cũng có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và ung thư vú.
  • Âm nhạc và nghệ thuật trị liệu. Các nhà nghiên cứu cho rằng các liệu pháp điều trị này (kích thích giác quan) có thể cải thiện tâm trạng, hành vi và chức năng sống mỗi ngày cho bệnh nhân mắc Alzheimer. Âm nhạc và nghệ thuật có thể tạo những ký ức và giúp bệnh nhân hòa nhập lại với thế giới xung quanh họ.

TIPS AND PEARLS

Năm 2018, Hiệp hội Alzheimer Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn thực hành lâm sàng đầu tiên để đánh giá tình trạng suy giảm nhận thức nghi ngờ là hậu quả của bệnh Alzheimer và liên quan chứng sa sút trí tuệ ở cả cơ sở chăm sóc ban đầu và chăm sóc chuyên biệt. [13]

Phân loại Khuyến nghị Mức độ chứng cứ
Loại bệnh nhân và quy trình KHUYẾN NGHỊ 1: Đối với những bệnh nhân tự báo cáo hoặc người chăm sóc hoặc bác sĩ lâm sàng báo cáo về sự thay đổi nhận thức, hành vi hoặc chức năng sống, các bác sĩ lâm sàng nên bắt đầu đánh giá đa tầng tập trung vào vấn đề cụ thể. A
KHUYẾN NGHỊ 2: Đối với những bệnh nhân có các triệu chứng nhận thức – hành vi không điển hình hoặc tiến triển nhanh chóng, bác sĩ lâm sàng nên tiến hành đánh giá nhiều cấp độ và nên cân nhắc chuyển đến bác sĩ chuyên khoa. A
KHUYẾN NGHỊ 3: Đánh giá tiến triển bệnh nên sử dụng các biện pháp đánh giá và các xét nghiệm đa tầng dựa trên biểu hiện mỗi bệnh nhân, yếu tố nguy cơ và hồ sơ bệnh án để xem xét sự hiện diện và các đặc điểm của triệu chứng nhận thức – hành vi (CBS) và điều tra các nguyên nhân có thể và các yếu tố góp phần để đi đến chẩn đoán căn nguyên A
KHUYẾN NGHỊ 4: Bác sĩ lâm sàng nên tạo một cuộc đối thoại mang tính hợp tác với bệnh nhân và người chăm sóc trong suốt quá trình đánh giá để có biện pháp giáo dục thích hợp, trao đổi các chứng cứ và thông báo các chẩn đoán về hội chứng và căn nguyên; và đảm bảo quản lý, chăm sóc và hỗ trợ liên tục A
Tiền sử bệnh KHUYẾN NGHỊ 5: Trong quá trình khai thác tiền sử cho một bệnh nhân được đánh giá về các triệu chứng nhận thức – hành vi, bác sĩ lâm sàng cần có được thông tin đáng tin cậy liên quan đến người cung cấp thông tin về những thay đổi trong A) nhận thức; B) các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (IADL và ADL); C) tâm trạng và các triệu chứng tâm thần kinh khác; và D) chức năng cảm giác và vận động. Việc sử dụng các công cụ được cấu tạo để đánh giá những yếu tố này có thể hữu ích. A
KHUYẾN NGHỊ 6: Trong quá trình khai thasc bệnh sử cho một bệnh nhân được đánh giá về các triệu chứng nhận thức-hành vi, bác sĩ lâm sàng nên có được thông tin đáng tin cậy về các yếu tố nguy cơ của từng bệnh nhân đối với suy giảm nhận thức A
Các thăm khám tại phòng khám KHUYẾN NGHỊ 7: Đối với bệnh nhân được đánh giá các triệu chứng nhận thức – hành vi, bác sĩ lâm sàng nên kiểm tra nhận thức, tâm trạng và hành vi (các bài kiểm tra về trạng thái tâm thần) và các thăm khám tập trung vào chứng sa sút trí tuệ, nhằm mục đích chẩn đoán hội chứng nhận thức – hành vi A
KHUYẾN NGHỊ 8: Đối với bệnh nhân được đánh giá các triệu chứng nhân thức – hành vi, bác sĩ lâm sàng nên sử dụng các công cụ đã được kiểm chứng để đánh giá nhận thức. A
KHUYẾN NGHI 9: Đối với những bệnh nhân có biểu hiện không điển hình theo tiền sử hoặc thăm khám, hoặc có chẩn đoán không chắc chắn, nên được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa. A
KHUYẾN NGHỊ 10: Bác sĩ chuyên khoa khi đánh giá bệnh nhân có triệu chứng về nhận thức – hành vi nên thực hiện đánh giá tiền sử một cách toàn diện và các thăm khám tại phòng khám về nhận thức, tâm thần kinh và chức năng thần kinh để chẩn đoán hội chứng nhận thức – hành vi. A
Đánh giá tâm lý thần kinh của bệnh nhân KHUYẾN NGHỊ 11: Đánh giá tâm lý thần kinh được khuyến nghị khi các đánh giá nhận thức tại phòng khám không đủ thông tin. Ví dụ khi một bệnh nhân hoặc người cung cấp thông tin báo cáo về các triệu chứng đáng lo ngại trong cuộc sống hàng ngày nhưng thăm khám bệnh nhân cho thấy biểu hiệu trong giới hạn bình thường, hoặc khi thăm khám chức năng nhận thức – hành vi không bình thường nhưng không chắc chắn về việc giải thích kết quả do tình trạng lâm sàng phức tạp hoặc các đặc điểm về bệnh nhân bị xáo trộn. Đánh giá tâm thần kinh ở mức tối thiểu nên bao gồm kiểm tra tâm thần kinh bình thường về khía cạnh học hỏi và trí nhớ (trong các trì hoãn cụ thể hoặc gợi ý các hồi ức/ nhận thức), chức năng điều hành; chức năng thị giác không gian, và ngôn ngữ. A
Chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm KHUYẾN NGHỊ 12: Các xét nghiệm lâm sàng đánh giá triệu chứng nhận thức – hành vi nên đánh giá đa tầng và cá thể hóa theo yếu tố nguy cơ và tiền sử từng bệnh nhân. Bác sĩ lâm sàng nên thực hiện các xét nghiệm thường quy bậc 1 ở tất cả các bệnh nhân A
KHUYẾN NGHỊ 13: Đối với bệnh nhân được đánh giá hội chứng nhận thức – hành vi, bác sĩ lâm sàng nên thức hiện chụp cộng hưởng từ (MRI) (như một phương pháp tiếp cận bậc 1) để hỗ trợ xác định căn nguyên. Nếu không có hoặc chống chỉ định thực hiện MRI, nên thực hiện chụp cắt lớp vi tính (CT) B
KHUYẾN NGHỊ 14: Khi chẩn đóan không chắc chắn, bác sĩ lâm sàng có thể thực hiện thêm các xét nghiệm dựa trên hồ sơ y tế, tâm thần kinh và yếu tố nguy cơ của từng bệnh nhân. A
KHUYẾN NGHỊ 15: Đối với bệnh nhân mắc hội chứng nhận thức – hành vi, vẫn chưa chẩn đoán chắc chắn về nguyên nhân bệnh sau khi tiến hành các chẩn đoán hình ảnh cấu trúc, các bác sĩ chuyên khoa sa sút trí tuệ nên tiến hành chụp cắt lớp phát xạ positron FDG – PET để cải thiện độ chính xác để chẩn đoán B
KHUYẾN NGHỊ 16: Đối với bệnh nhân mắc hội chứng nhận thức – hành vi, vẫn chưa chẩn đoán chắc chắn về nguyên nhân bệnh sau khi tiến hành các chẩn đoán hình ảnh cấu trúc và hoặc FDG – PE, các bác sĩ chuyên khoa sa sút trí tuệ có thể thiến hành lấy dịch não tủy (CSF) theo tiêu chuẩn phù hợp để phân tích aβ42 amyloid và tau/p-tau để đánh giá bệnh Alzheimer C
KHUYẾN NGHỊ 17: Nếu vẫn còn chưa chẩn đoán chắc chắn sau khi tiến hành chẩn đoán hình ảnh cấu trúc và FDG – PET và/hoặc phân tích dịch não tủy CSF aβeta và tau/p-tau không được thực hiện hoặc không được diễn giải, bác sĩ chuyên khoa sa sút trí tuệ có thể tiến hành amyloid PET scan theo các tiêu chuẩn phù hợp. C
KHUYẾN NGHỊ 18: Đối với bệnh nhân mắc hội chứng nhận thức – hành vi có khả năng có tiền sử gia đình đột biến trội về NST thường, bác sĩ chuyên khoa sa sút trí tuệ nên xem xét liệu xét nghiệm di truyền có được bảo đảm hay không. Một cố vấn di truyền nên được tham gia trong suốt quá trình A
Truyền đạt các chứng cứ chẩn đoán và khuyến nghị theo dõi KHUYẾN NGHỊ 19: Trong suốt quá trình đánh giá, bác sĩ lâm sàng nên đối thoại với bệnh nhân và người chăm sóc để đánh giá sự hiểu biết (kiến thức thực tế) và nhận thức đúng (nhận ra các vấn đề phù hợp với bệnh nhân) về sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của hội chứng nhận thức – hành vi. Sự hiểu biết và nhận thức đúng của bệnh nhân và người chăm sóc về hội chứng này nên được dùng để định hướng cách giáo dục, truyền đạt và ghi nhận các bằng chứng, đánh giá cũng như kết quả chẩn đoán. A
KHUYẾN NGHỊ 20: Khi trao đổi về các bằng chứng chẩn đoán, bác sĩ lâm sàng nên thông báo cho bệnh nhân và người chăm sóc một cách chân thành, thấu hiểu các thông tin sau theo quy trình: tên, đặc điểm và mức độ nghiêm trọng của hội chứng nhận thức – hành vi; các bệnh có khả năng gây ra hội chứng nhận thức – hành vi; giai đoạn của bênh; tiến triển bệnh; các lựa chọn để điều trị và kỳ vọng sống; các vấn đề tiềm ẩn về sự an toàn; và các nguồn lực y tế, tâm lý xã hội và cộng đồng cho giáo dục, lập kế hoạch chăm sóc và điều phối, và các dịch vụ hỗ trợ A

TEAMWORK

Các đánh giá không chỉ cần có sự tham gia của bệnh nhân và bác sĩ lâm sàng mà còn cần sự tham gia của người chăm sóc (ví dụ: các thành viên gia đình hoặc tri kỷ). [13] Nhiều bệnh nhân mắc Alzheimer và gia đình của họ nhận được nhiều lợi ích từ dịch vụ chăm sóc và tư vấn tại địa phương. Bệnh nhân liên lạc với chi nhánh của Hiệp hội bệnh Alzheimer tại địa phương của mình để kết nối với các nhóm hỗ trợ, bác sĩ, chuyên gia vật lý trị liệu, các nguồn lực và người liên hệ, các cơ quan chăm sóc tại nhà, cơ sở chăm sóc tại khu dân cư, đường dây hỗ trợ qua điện thoại và các hội thảo giáo dục. [6]

NGUỒN THAM KHẢO

[1] https://www.psychiatry.org/patients-families/alzheimers/what-is-alzheimers-disease

[2] https://www.alz.org/alzheimers-dementia/what-is-alzheimers

[3] https://www.webmd.com/alzheimers/guide/understanding-alzheimers-disease-basics

[4] https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/alzheimers-disease/symptoms-causes/syc-20350447

[5] https://emedicine.medscape.com/article/1134817-overview

[6] https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/alzheimers-disease/diagnosis-treatment/drc-20350453

[7] https://www.nia.nih.gov/health/how-alzheimers-disease-treated

[8] https://www.nia.nih.gov/health/coping-agitation-and-aggression-alzheimers-disease

[9] https://www.nia.nih.gov/health/6-tips-managing-sleep-problems-alzheimers

[10] https://www.alz.org/alzheimers-dementia/treatments/medications-for-memory

[11] https://www.alz.org/alzheimers-dementia/treatments/treatments-for-behavior

[12] https://www.webmd.com/alzheimers/guide/alzheimers-disease-therapy-options#2

[13] https://www.alz.org/aaic/downloads2018/Sun-clinical-practice-guidelines.pdf

 

 

 

Chia sẻ bài viết