Allopurinol

allopurinol-gut-gout

Allopurinol

Tác giả: Nguyễn Lê Hiệp

Hiệu đính: Phạm Đức Hùng

 

Allopurinol là chất có cấu trúc tương tự hypoxanthine, có tác dụng hạ acid uric máu và acid uric nước tiểu, do đó được chỉ định trong điều trị Gout mạn tính và sỏi thận do acid uric1.

1.Dược lý và cơ chế tác dụng

allopurinol-gut-gout-co-che

 

Hình 1. Cơ chế tác dụng của allopurinol2

Cả allopurinol và chất chuyển hóa alloxanthine đều có tác dụng ức chế enzyme xanthine oxidase, qua đó ức chế quá trình biến đổi hypoxanthine thành xanthine và xanthine thành acid uric. Hypoxanthine và xanthine qua đó được tái sử dụng để tổng hợp acid nucleic và nucleotid, làm ức chế ngược quá trình tổng hợp purin. Ngoài ra, nồng độ hypoxanthine và xanthine trong nước tiểu tăng làm giảm độ tan của acid uric, giảm nguy cơ bài niệu tinh thể1,3.

2.Cảnh báo

Sàng lọc allele HLA-B*5801 được khuyến cáo thực hiện trước khi bắt đầu sử dụng allopurinol trên nhóm bệnh nhân gốc Hán và Mỹ gốc Phi – nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao gặp phản ứng bất lợi trên da 4,5.

3.Chỉ định, liều lượng và cách sử dụng

3.1. Gout

Trong các thuốc hạ acid uric máu, allopurinol được ưu tiên sử dụng trên bệnh nhân Gout, bao gồm cả bệnh nhân suy thận mạn độ 3 trở lên4.

Việc sử dụng allopurinol nên được cân nhắc giữa nguy cơ-lợi ích, đánh giá dựa trên nồng độ acid uric (>9mg/dl), chức năng thận, tình trạng tim mạch4.

Nên bắt đầu với liều 100mg/ngày (có thể thấp hơn với bệnh nhân suy thận), tăng dần liều 100mg/ngày mỗi tuần (có thể tới 800mg/ngày) cho tới khi đạt đích acid uric huyết thanh <6mg/dl (5mg/dl với bệnh nhân có hạt Topi)5.

Liều dùng của allopurinol cần được hiệu chỉnh theo chức năng thận, khả năng dung nạp và đáp ứng của bệnh nhân. Việc hiệu chỉnh có thể tham khảo chuyên luận về thuốc trong các tài liệu chuyên sâu.

3.2. Tăng acid uric máu do hóa trị liệu:

– Người lớn: 600-800mg/ngày, bắt đầu 2-3 ngày trước hóa trị.

– Trẻ em dưới 15 tuổi: 10-15mg/kg, tối đa 400mg/ngày.

3.3. Sỏi thận do calci oxalate tái phát: khởi đầu 200-300mg/ngày, điều chỉnh theo mức tăng/giảm acid uric niệu trong 24 giờ.

4.Thận trọng/Chống chỉ định

Thận trọng:

Allopurinol ở liều nghiên cứu được ghi nhận gây quái thai trên chuột, chỉ nên sử dụng trên phụ nữ có thai khi thật sự cần thiết1.

Chống chỉ định:

– Quá mẫn với allopurinol.

– Đợt Gout cấp (do allopurinol có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng cấp). Trong trường hợp đợt cấp xảy ra khi đang dùng allopurinol, cần tiếp tục duy trì thuốc và điều trị đợt cấp riêng rẽ.

5.Tác dụng không mong muốn và xử trí

ADR thường gặp nhất của allopurinol là các phản ứng trên da: từ sẩn, ngứa cho tới các phản ứng nghiêm trọng như hội chứng Stevens-Johnsons hay hoại tử bì nhiễm độc. Cần ngừng thuốc ngay lập tức nếu có triệu chứng phát ban.

Trong giai đoạn đầu sử dụng thuốc, bệnh nhân có thể tăng tần suất gặp các đợt gout cấp, giảm dần trong các tháng tiếp theo1.

Một số tác dụng không mong muốn (TDKMM) khác trên gan gồm tăng AST, ALT có hồi phục, viêm gan, suy gan; TDKMM trên hệ tạo huyết gồm tăng/giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, xuất huyết; TDKMM trên hệ tiêu hóa gồm nôn, buồn nôn, tiêu chảy1,3.

6.Tips/Pearls

Hướng dẫn quản lý Gout của Hôi thấp khớp Hoa Kỳ (6/2020): link

7.Tương tác thuốc

– Aspirin và salicylates làm tăng acid uric máu, giảm tác dụng của allopurinol.

– Allopurinol dùng cùng các thuốc ức chế men chuyển, các kháng sinh như ampicillin và amoxicillin làm tăng nguy cơ gặp phản ứng bất lợi trên da.

– Allopurinol dùng cùng các thuốc ung thư như azathioprin, mercaptopurin và cyclophosphamid làm tăng độc tính ức chế tuỷ xương của các thuốc này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế. Dược Thư Quốc Gia Việt Nam.; 2018.
  2. James Ritter, Flower RJ, Henderson G, Yoon KL, Rang HP. Rang and Dale’s Pharmacology. 9th ed. Elsevier; 2020.
  3. ZYLOPRIM FDA Label. https://www.accessdata.fda.gov/drugsatfda_docs/label/2000/020298Orig1s001.pdf
  4. FitzGerald JD, Dalbeth N, Mikuls T, et al. 2020 American College of Rheumatology Guideline for the Management of Gout. Arthritis Care Res. Published online May 11, 2020:acr.24180. doi:10.1002/acr.24180
  5. Perez-Ruiz F. Pharmacologic urate-lowering therapy and treatment of tophi in patients with gout. UpToDate. https://www.uptodate.com/contents/pharmacologic-urate-lowering-therapy-and-treatment-of-tophi-in-patients-with-gout

Chia sẻ bài viết