Aflibercept

Aflibercept

Tác giả: Nguyễn Hồng Trâm

Tên nhóm thuốc: Thuốc ức chế VEGF (yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu).

  1. Cơ chế hoạt động:

VEGF gồm: VEGF-A (yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu A), PIGF (yếu tố tăng trưởng bánh nhau), tác động như tác nhân phân bào, hoá ứng động và gây thấm thành mạch với các tế bào nội mô. VEGF tác động trên 2 thụ thể tyrosin kinase, thụ thể VEGF-1, VEGF-2 có trên bề mặt các tế bào nội mô. PIGF chỉ gắn vào thụ thể VEGF-1, có đồng thời trên bề mặt bạch cầu. Khi các receptor bị hoạt hoá quá mức bởi VEGF-A có thể dẫn đến tân mạch bệnh lý và tăng tính thấm thành mạch quá mức. PIGF hiệp lực với VEGF-A trong quá trình này, đồng thời thúc đẩy sự xâm nhập của bạch cầu và gây viêm mạch. [1]

VEGF-A, PIGF gắn với aflibercept bởi ái lực cao hơn với thụ thể tự nhiên nên có thể ức chế sự gắn kết của chúng vào thụ thể VEGF. [2]

  1. Chỉ định kèm liều khuyến cáo:

– Thoái hoá hoàng điểm tuổi già thể tân mạch (thể ướt):

2 mg (0,05 mL) mỗi 4 tuần (hằng tháng) trong 3 tháng đầu, sau đó 2 mg (0,05 mL) mỗi 8 tuần (2 tháng). Liều 4 tuần/1 lần chưa được chứng minh có hiệu quả hơn liều 8 tuần/1 lần. Sau 1 năm điều trị, bệnh nhân có thể dùng liều 12 tuần/1 lần mặc dù hiệu quả không bằng liều 8 tuần/ 1 lần.

– Phù hoàng điểm thứ phát do tắc nghẽn tĩnh mạch võng mạc (RVO):

2 mg (0,05 mL) mỗi 4 tuần (hằng tháng).

– Phù hoàng điểm do đái tháo đường (DME) và bệnh võng mạc đái tháo đường (DR):

2 mg (0,05 mL) mỗi 4 tuần (hằng tháng) trong 5 lần tiêm đầu tiên, tiếp theo 2 mg (0,05 mL) mỗi 8 tuần (2 tháng). Liều 4 tuần/ 1 lần chưa được chứng minh hiệu quả hơn liều 8 tuần/ 1 lần.

– Tăng mạch hắc mạc do cận thị: (EMC)

2 mg (0,05 mL), nếu thị giác hoặc giải phẫu học cho thấy bệnh còn, dùng thêm liều bổ sung, thời gian giữa 2 lần tiêm không ngắn hơn 1 tháng. [2,3]

-Ung thư đại tràng di căn đề kháng oxaliplatin: ziv-aflibercept đường tiêm, kết hợp 5-fluorouracil, leucovorin, irinotecan-(FOLFIRI)

  1. Tác dụng phụ thường gặp:

Phổ biến nhất (≥5%) là: xuất huyết kết mạc (25%), giảm thị lực (11%), đau mắt (10%), đục thuỷ tinh thể (8%), tăng nhãn áp (8%), bong dịch kính (7%) và vẩn đục dịch kính (7%). [4]

  1. Tương tác thuốc: (EMC)

Nghiên cứu về tương tác thuốc, dược liệu chưa được thực hiện, chưa thiết lập hồ sơ an toàn thuốc. [2]

  1. Đối tượng đặc biệt:

Phụ nữ dự định mang thai: sử dụng biện pháp tránh thai trong quá trình điều trị và ít nhất 3 tháng sau lần tiêm cuối.

Phụ nữ có thai, cho con bú:

Không có dữ liệu về việc dùng aflibercept ở phụ nữ mang thai. Không nên dùng thuốc trong thời kỳ mang thai, trừ khi lợi ích mang lại cao hơn nguy cơ tiềm ẩn với thai nhi.

Chưa có bằng chứng rõ ràng aflibercept có bày tiết qua sữa mẹ không, không loại trừ nguy cơ trên trẻ. Không nên dùng thuốc trong thời gian cho con bú, quyết định ngưng điều trị hoặc ngừng cho con bú dựa trên cân nhắc lợi ích của bé hoặc mẹ.

Người lớn tuổi (> 65 tuổi):

Không cần điều chỉnh liều. Bệnh nhân trên 75 tuổi mắc DME, có ít kinh nghiệm điều trị.

Trẻ em:

Chưa có bằng chứng về an toàn và hiệu quả của Eylea trên trẻ em.

Suy gan, suy thận:

Không cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận với chỉ định là AMD thể ướt, RVO hoặc DME. [2,3]

  1. Theo dõi khi dùng thuốc:

Ngay sau khi tiêm, theo dõi sự tăng áp lực nội nhãn bằng việc kiểm tra sự tưới máu đến đầu dây thần kinh thị giác hoặc đo nhãn áp. Nếu cần, dùng dụng cụ vô trùng để chọc dò.

Bệnh nhân báo ngay cho bác sĩ khi có triệu chứng nghi ngờ viêm nội nhãn (đau mắt, đỏ mắt, sợ ánh sáng, nhìn mờ), bong võng mạc nguyên phát, rách võng mạc và đục thuỷ tinh thể do chấn thương.

Theo dõi 1 tuần sau khi tiêm để xử trí kịp thời nếu có nhiễm trùng. [2]

  1. Dạng bào chế, cách dùng, bảo quản:

Dạng bào chế: [2]

Dung dịch tiêm nội nhãn.

Cách dùng: [2]

Dùng 1 lần cho 1 mắt. Hiệu chỉnh thể tích đúng với liều khuyến cáo vì dung dịch thuốc được đóng dư.

Kiểm tra thuốc có tạp chất và/ hoặc biến đổi màu và/ hoặc thay đổi về mặt vật lý so với tiêu chuẩn; nếu có, bỏ lọ thuốc đó.

Nên dùng kim tiêm 30 G x ½ inch để tiêm nội nhãn.

Thuốc tiêm đóng lọ:

  1. Tháo nắp nhựa, khử trùng bề ngoài của nút.
  2. Gắn kim lọc 18 G, 5 µm có sẵn trong hộp vào bơm tiêm có khoá Luer (Luer-lock syring).
  3. Đưa kim lọc vào giữa nút nhựa, đến khi đầu kim chạm đáy hoặc mép dưới của lọ.
  4. Giữ lọ thẳng đứng, hơi nghiêng để lấy hết phần thuốc bên trong. Đầu kim tiêm ngập trong thuốc để tránh bọt khí trong ống bơm.
  5. Đảm bảo kéo piston lên đúng cách để lấy hết phần thuốc còn lại trong kim lọc.
  6. Tháo bỏ kim lọc. Lưu ý: KHÔNG dùng kim lọc để tiêm.
  7. Vặn chặt kim 30 G x ½ inch vào đầu bơm tiêm.
  8. Cầm bơm tiêm đầu kim hướng lên, kiểm tra bọt khí, nếu có vỗ nhẹ vào ống tiêm đến khi bọt khí đi lên trên.
  9. Ấn nhẹ piston để loại bọt khí và thuốc dư, sao cho đầu piston ngang vạch 0,05 ml trên bơm tiêm.
  10. Dùng một lần cho một mắt vì dùng nhiều liều trong cùng một lọ thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm bẩn và nhiễm trùng.

Thuốc đóng sẵn trong bơm tiêm:

  1. Khi dùng thuốc, bóc vỉ thuốc cẩn thận để đảm bảo sự vô trùng.
  2. Lấy bơm tiêm ra khỏi vỉ vô trùng.
  3. Để tháo nắp ống tiêm, một tay giữ ống tiêm, tay còn lại dùng ngón cái và ngón trỏ vặn nắp ống tiêm. Lưu ý: Nên vặn thay vì mở.
  4. Tránh ảnh hưởng đến tính vô trùng của thuốc không kéo piston về sau.
  5. Vặn chặt kim vào đầu ống tiêm có khoá Luer.
  6. Cầm bơm tiêm đầu kim hướng lên, kiểm tra bọt khí, nếu có, vỗ nhẹ để bọt khí đi lên trên.
  7. Ấn nhẹ piston để loạt bọt khí, thuôc dư, cạnh của đầu piston ngang vạch đen chia liều trên bơm tiêm (tương đương 50 µL).
  8. Dùng một lần cho một mắt vì dùng nhiều liều từ một bơm tiêm đóng sẵn làm tăng nguy cơ nhiễm bẩn, nhiễm trùng.

Bảo quản:

Tủ lạnh, nhiệt độ 2-8 oC (36-48 oF).

Không làm đông thuốc, không dùng thuốc đã quá hạn sử dụng.

Bảo quản thuốc trong hộp giấy (bao bì cấp 2) để tránh ánh sáng.

Thuốc chưa mở nắp có thể bảo quản ngoài tủ lạnh (nhiệt độ < 25 oC) trong vòng 24 giờ. [2]

  1. Chống chỉ định:

– Quá mẫn với hoạt chất aflibercept hoặc bất kì tá dược nào trong công thức

– Đang bệnh viêm nội nhãn nặng.

– Đang/ nghi ngờ nhiễm trùng mắt hoặc quanh mắt. [2]

  1. Thận trọng/ warning:

– Viêm nội nhãn, bong võng mạc có thể xảy ra sau khi tiêm thuốc. Cần hướng dẫn bệnh nhân báo ngay với bác sĩ để xử trí thích hợp.

– Tăng nhãn áp trong vòng 60 phút sau khi tiêm.

– Nguy cơ tiềm ẩn về những biến cố huyết khối động mạch sau khi dùng thuốc ức chế VEGF, đặc biệt ở bệnh nhân có tiền sử đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc nhồi máu cơ tim trong vòng 6 tháng. [2,3]

Tài liệu tham khảo:

[1] EMC: Eylea, https://www.medicines.org.uk/emc/product/11273/smpc

[2]. Holash J, Davis S, Papadopoulos N, Croll SD, Ho L, Russell M, et al. VEGF-Trap: a VEGF blocker with potent antitumor effects. Proc Natl Acad Sci U S A. 2002;99(17):11393-8.

[3]. Product Monograph Template – Standard – Bayer Canada, https://www.bayer.ca/omr/online/eylea-pm-en.pdf.

[4]. EYLEA (aflibercept)-FDA https://www.accessdata.fda.gov/drugsatfda_docs/label/2019/125387s061lbl.pdf

 

Eylea được FDA chấp thuận: (https://www.drugs.com/history/eylea.html)

– 18/11/2011: Điều trị thoái hoá hoàng điểm ở người già thể ướt.

– 29/7/2014: Điều trị phù hoàng điểm do đái tháo đường (dạng thuốc tiêm).

– 25/5/2015: Điều trị bệnh võng mạc do đái tháo đường ở bệnh nhân phù hoàng điểm do đái tháo đường.

– 13/5/2019: Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường dạng tiêm.

– 13/8/2019: Thuốc tiêm dạng đóng sẵn trong bơm tiêm.

Chia sẻ bài viết