Các virus họ hàng gần nhất với virus gây COVID-19 được phát hiện tại Lào

Các virus họ hàng gần nhất với virus gây COVID-19 được phát hiện tại Lào

Những nghiên cứu trên loài dơi ở Trung Quốc và Lào có thể cho thấy khu vực Đông Nam Á là một điểm nóng của các loại virus có tiềm ẩn những nguy hiểm tương tự với SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học đã tìm thấy 3 loại virus trên loài dơi ở Lào có đặc điểm giống với SARS-CoV-2 hơn bất kỳ những virus nào khác đã biết. Họ cho rằng những đoạn trong bộ gene của những virus này có thể chứng minh được COVID-19 có nguồn gốc từ tự nhiên. Bên cạnh đó, phát hiện này đồng thời dấy lên nỗi lo ngại về việc có rất nhiều loại coronavirus tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm sang người.

Marc Eloit – một nhà virus học tại Viện Pasteur ở Paris cùng các cộng sự của ông ở Pháp và Lào đã thực hiện lấy mẫu nước bọt, phân và nước tiểu của 645 con dơi trong các hang động ở miền bắc nước Lào. Họ đã tìm thấy những virus trong 3 loài dơi móng ngựa (Rhinolophus) có đặc điểm giống đến hơn 95% với SARS-CoV-2, và đặt tên cho những virus đó là BANAL-2, BANAL-103 và BANAL-236. Trong các kết quả chưa được bình duyệt của nghiên cứu được đăng trên Research Square, một điều rất đáng quan tâm là những virus mới được phát hiện này có vùng gắn kết thụ thể (receptor binding domain) gần giống với SARS-CoV-2, cho phép virus bám vào các thụ thể ACE2 trên bề mặt của tế bào người để xâm nhập vào tế bào vật chủ. Do đó chúng có thể lây nhiễm sang các tế bào của con người.  Các nhà nghiên cứu cũng đã thực hiện nuôi cấy BANAL-236 trên tế bào để sử dụng trong nghiên cứu cách thức gây bệnh của virus trên mô hình động vật

Nguồn gốc tự nhiên của SARS-CoV-2

Theo Giáo sư Edward Holmes của Đại học Sydney – Australia, khi SARS-CoV-2 lần đầu tiên được giải trình tự, vùng gắn kết thụ thể của chúng không giống bất cứ những gì mà nhóm của ông đã từng thấy trước đây. Điều này đã khiến cho một số người nghi ngờ rằng virus SARS-CoV-2 được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, từ những coronavirus được tìm thấy tại Lào, có thể xác định được vùng gắn kết thụ thể của SARS-CoV-2 có tồn tại ở trong tự nhiên. Ngoài ra, cùng với những nghiên cứu phát hiện các họ hàng của SARS-CoV-2 ở Thái Lan, Campuchia và tỉnh Vân Nam ở miền nam Trung Quốc, có thể thấy rằng khu vực Đông Nam Á là một “điểm nóng của nhiều loại virus liên quan đến SARS-CoV-2”.

Vào năm ngoái, một loại virus khác cũng có họ hàng gần với SARS-CoV-2, là RaTG13, được tìm thấy trên loài dơi ở tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, được xác định là có tổng thể giống đến 96.1% so với SARS-CoV-2 và hai loại virus này có thể có cùng tổ tiên ở thời điểm 40 – 70 năm về trước. Đối với 3 loại virus mới tại Lào, Eloit cho biết BANAL-52 giống 96.8% so với SARS-CoV-2, và cả 3 loại virus mới này đều có những phần riêng biệt giống với các phần của SARS-CoV-2 hơn bất kỳ loại virus nào khác.

Theo Spyros Lytras – một nhà virus học tiến hóa của Đại học Glasgow, các virus hoán đổi các đoạn RNA với nhau thông qua một quá trình được gọi là tái tổ hợp, và trong khoảng thời gian chưa đầy một thập kỷ trước, đoạn RNA trong virus BANAL-103 và BANAL-52 có thể có cùng nguồn gốc với các đoạn RNA của SARS-CoV-2. Ông còn cho biết thêm: “Những virus này thực hiện tái tổ hợp nhiều đếu mức những đoạn khác nhau của bộ gene sẽ có những lịch sử tiến hóa khác nhau.”

Một số điểm chưa rõ ràng

Mặc dù nghiên cứu tại Lào cung cấp những hiểu biết về nguồn gốc của đại dịch, tuy nhiên vẫn còn một số điểm vẫn chưa được làm rõ. Chẳng hạn như: những virus được tìm thấy tại Lào không chứa vị trí phân cắt Furin ở trên protein gai – là vị trí hỗ trợ cho sự thâm nhập của SARS-CoV-2 và các coronavirus vào tế bào người; hay bằng cách nào mà tổ tiên của virus này lại có thể di chuyển được đến Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc – nơi phát hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, hay liệu virus này có thể “đi nhờ” trên một loài động vật trung gian nào đó hay không.

Nhiều nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi này bằng cách lấy mẫu trên nhiều loài dơi và các loài động vật hoang dã khác ở Đông Nam Á.

Một nghiên cứu khác có đăng bản thảo chưa qua bình duyệt trên Research Square, đã thực hiện lấy mẫu trên 13,000 con dơi trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2021 trên khắp Trung Quốc. Tuy nhiên họ không tìm thấy bất kỳ virus nào có họ hàng gần với SARS-CoV-2 và kết luận rằng những virus này là “cực kỳ hiếm gặp trên những loài dơi ở Trung Quốc”. Kết luận này đã bị các nhà nghiên cứu khác nghi ngờ khi những virus có họ hàng với SARS-CoV-2 đã từng được mô tả trên loài dơi ở tỉnh Vân Nam.

Theo Linfa Wang – nhà virus học của Duke – NUS Medical School ở Singapore, cả hai nghiên cứu tại Lào và Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường lấy mẫu ở các khu vực khác ngoài Trung Quốc có thể giúp ích trong việc khám và ra nguồn gốc của đại dịch.

 

Biên dịch: DS. Lê Nguyễn Tấn Thiện, Lê Huỳnh Tú Mỹ

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-021-02596-2

image by freepik.com

 

Chia sẻ bài viết