Chế độ dinh dưỡng kém của trẻ em trong độ tuổi đi học có thể tạo ra chênh lệch chiều cao đến 20cm giữa các quốc gia

dinh-duong

Chế độ dinh dưỡng kém của trẻ em trong độ tuổi đi học có thể tạo ra chênh lệch chiều cao đến 20cm giữa các quốc gia

Một phân tích trên toàn cầu thực hiện bởi Đại học Hoàng gia Luân Đôn và được công bố trên tạp chí “The Lancet”, đã đánh giá chiều cao và cân nặng của trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học trên toàn thế giới. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ 65 triệu trẻ em từ 5 đến 19 tuổi ở 193 quốc gia, cho thấy sự khác biệt rất lớn về chiều cao và cân nặng của trẻ em trong độ tuổi đi học giữa các quốc gia trên thế giới – vốn là chỉ dấu cho tình trạng sức khỏe và chất lượng của chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Nghiên cứu cho thấy sự cách biệt về chiều cao ở thanh niên 19 tuổi giữa các nước có chiều cao trung bình cao nhất và thấp nhất là 20cm –  khoảng cách tương đương sự tăng trưởng trong 8 năm ở bé gái và sáu năm ở bé trai. Ví dụ, dư liệu nghiên cứu cho thấy, một cô gái 19 tuổi ở Bangladesh và Guatemala (các quốc gia có chiều cao trung bình bé gái thấp nhất thế giới) có chiều cao tương đương với một bé gái 11 tuổi ở Hà Lan (quốc gia có chiều cao trung bình trẻ em lớn nhất).

Nhóm nghiên cứu  đa đưa ra cảnh báo rằng sự khác biệt trong chế độ ăn hàng ngày, đặc biệt là thiếu thực phẩm giàu dinh dưỡng, có thể dẫn đến chậm phát triển hoặc gia tăng béo phì ở trẻ em – gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thể trạng của trẻ trong suốt cuộc đời.

Nghiên cứu với dữ liệu được thu thập từ năm 1985 đến năm 2019 cho thấy các quốc gia có chiều cao thanh niên 19 tuổi trung bình  cao nhất của năm 2019 là ở khu vực Tây Bắc và trung tâm Châu Âu, bao gồm Hà Lan, Montenegro, Đan Mạch và Iceland. Những quốc gia chiều cao trung bình thanh niên 19 tuổi thấp nhất chủ yếu ở Nam và Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Đông Phi, bao gồm Timor-Leste, Papua New Guinea, Guatemala và Bangladesh.

Những cải thiện  đáng kể nhất về chiều cao trung bình của trẻ em trong giai đoạn 35 năm được phát hiện thấy ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số khu vực Đông Nam Á. Ví dụ: nam thiếu niên 19 tuổi ở Trung Quốc năm 2019 cao hơn 8 cm so với năm 1985, với thứ hạng toàn cầu thay đổi từ  vị trí thứ 150 vào năm 1985 lên thứ 65 vào năm 2019. Ngược lại, chiều cao của trẻ em, đặc biệt là trẻ em nam, ở khu vực các quốc gia châu Phi cận Sahara đã ngưng lại hoặc giảm sút trong vài thập kỷ qua.

Vị thứ xếp hạng về chiều cao toàn cầu của Vương quốc Anh đã giảm dần trong 35 năm qua, với chiều cao trung bình nam thiếu niên 19 tuổi giảm từ vị trí thứ 28 vào năm 1985 (176,3 cm) xuống thứ 39 vào năm 2019 (178,2 cm) và thiếu niên nư 19 tuổi từ vị trí thứ 42 (162,7 cm) xuống vị trí thứ 49 (163,9 cm).

Nghiên cứu cũng đánh giá Chỉ số khối cơ thể (BMI) của trẻ em. Phân tích cho thấy thanh thiếu niên 19 tuổi có chỉ số BMI lớn nhất tại khu vực các đảo Thái Bình Dương, Trung Đông, Hoa Kỳ và New Zealand. Chỉ số BMI của thanh niên 19 tuổi thấp nhất đến từ các nước Nam Á như Ấn Độ và Bangladesh. Sự khác biệt giữa BMI nhẹ nhất và nặng nhất trong nghiên cứu là khoảng 9 đơn vị BMI (tương đương với khoảng 25 kg cân nặng).

Nhóm nghiên cứu giải thích rằng, ở nhiều quốc gia, trẻ em 5 tuổi có chiều cao và cân nặng nằm trong ngưỡng khỏe mạnh, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định. Tuy nhiên, sau độ tuổi này, trẻ em ở một số quốc gia có xu hướng tăng trưởng chậm về chiều cao và tăng cân quá nhiều khi so sánh với tiềm năng phát triển của các đối tượng này.

Nhóm nghiên cứu cho biết lý do quan trọng nhất cho vấn đề này là do tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và môi trường sống lành mạnh của trẻ em trong độ tuổi đi học, vì cả sự tăng trưởng về chiều cao và cân nặng đều có liên quan chặt chẽ đến chế độ dinh dưỡng của trẻ.

Biên dịch

DS. Tô Lý Cường

DS. Nguyễn Thị Tùng Lê

TS. Nguyễn Thị Thanh Vân

 

Tài liệu tham khảo

Imperial College London. Poor nutrition in school years may have created 20 cm height gap across nations. ScienceDaily https://www.sciencedaily.com/releases/2020/11/201105183840.htm

Andrea Rodriguez-Martinez et al. Height and body-mass index trajectories of school-aged children and adolescents from 1985 to 2019 in 200 countries and territories: a pooled analysis of 2181 population-based studies with 65 million participantsThe Lancet, 2020; 396 (10261): 1511 DOI: 10.1016/S0140-6736(20)31859-6

image by brgfx – freepik.com

Chia sẻ bài viết