Hỏi đáp: Hydroxychloroquine và COVID-19
Dưới đây là bài phỏng vấn TS. DS. Phạm Đức Hùng và ThS. DS. Phạm Phương Hạnh nhằm giải đáp một số thắc mắc liên quan đến thuốc Hydroxychloroquine (HCQ) và bệnh COVID-19.
1. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp vừa công bố cho biết họ thử nghiệm thành công hỗn hợp thuốc chống sốt rét và kháng sinh. Là những người nghiên cứu dược học, cũng nghiên cứu bệnh sốt rét và vắc xin, xin các ông/bà cho biết nguyên lý của việc chống Covid-19 bằng hỗn hợp thuốc chống sốt rét và kháng sinh này.
TS.DS.Phạm Đức Hùng: Gần đây nhất, báo cáo của GS Raoult người Pháp cho thấy khi cho dùng Hydroxychloroquine (HCQ) trên 24 bệnh nhân thử nghiệm, số bệnh nhân dương tính COVID-19 giảm còn 25% vào ngày thứ sáu. Tỷ lệ dương tính ở nhóm bệnh nhân đối chứng là 90%. Khi kết hợp HCQ với Azithromycin thì tỉ lệ tốt hơn nữa. Nghiên cứu này xuất phát từ cơ chế chống SARS-CoV-2 của HCQ và Azithromycin như sau.
Tháng 2/2020, 1 nghiên cứu trên tế bào cho thấy HCQ và Remdesivir có thể ức chế SARS-CoV-2 với tiềm lực mạnh hơn các thuốc kháng virus khác như Ribavirin, Nitazoxanin, hay Favipiravir. Cơ chế được suy đoán: do HCQ là 1 chất mở cổng cho kẽm đi vào trong tế bào. Tại sao cần kẽm? Vì một nghiên cứu khác cho thấy khi tế bào bị nhiễm SARS-CoV (họ hàng gần của SARS-CoV-2) có quá nhiều kẽm, nó sẽ làm cho quá trình sinh sôi của virus bị bất hoạt. Vì SARS-CoV-2 là họ hàng gần của virus SARS-CoV, nên tạm giả định là HCQ cũng gây ra cơ chế tương tự.
Còn Azithromycin, vốn là kháng sinh điều trị bệnh nhiễm do vi khuẩn, lại từng cho thấy tác dụng chống virus gây bệnh hen suyển trên mô hình tế bào cuống phổi.
Tuy là những dấu hiệu lạc quan nhưng những cơ chế là ‘trên giấy’ vì chưa có bằng chứng thật sự nào chứng minh HCQ hay Azithromycin có thể diệt được virus trên mô hình động vật hay thử nghiệm lâm sàng. Bản thân nghiên cứu của GS Raoult trên cũng có nhiều hạn chế và gây tranh cãi. Hiện tại, SARS-CoV-2 đang lây lan quá nhanh nên các thuốc có tiềm năng sẽ được đẩy nhanh vào thử nghiệm lâm sàng trên người nhằm tìm kiếm trị liệu hiệu quả và an toàn.
2. Từng phản biện các bài báo khoa học về dịch tễ, phòng chống bệnh truyền nhiễm, xin các ông/bà đánh giá về nghiên cứu nói trên từ góc độ số mẫu và sai số.
ThS.DS.Phạm Phương Hạnh: Hiện nay, tình hình dịch bệnh lan nhanh nên các nghiên cứu được đẩy mạnh. Tâm lý chung là các kết quả ‘thành công’ thường được hoan nghênh nhiệt liệt vì người ta quá mong chờ tin tốt lành. Tuy nhiên khi nhìn vào thiết kế nghiên cứu trên của GS Raoult có nhiều điểm rất không thuyết phục, biến nó thành một nghiên cứu có tính khoa học thấp:
- Nhóm tác giả để tựa đề là nghiên cứu lâm sàng mở không ngẫu nhiên hóa, tuy nhiên đây chỉ là một nghiên cứu quan sát chứ không phải nghiên cứu lâm sàng. Vì là nghiên cứu mở (các tác giả và người bệnh biết mình nhận thuốc gì) nên dễ dàng có sự thiên vị của nhân viên làm nghiên cứu và cả bệnh nhân. Từ đó ảnh hưởng đến kết quả.
- Mẫu nghiên cứu bé (chỉ có 20 bệnh nhân nhóm trị liệu và 16 bệnh nhân nhóm chứng) nên kết quả có độ sai số lớn.
- Cách phân tích dữ kiện không thuyết phục: đây là một nghiên cứu theo thời gian, họ nên sử dụng đúng phương pháp thống kê để phân tích sự biến chuyển cho mỗi bệnh nhân theo từng ngày, chớ không phải phân tích từng thời điểm đơn giản như họ đã làm. Nói cho dễ hiểu, họ lấy kết quả ở một thời điểm trong ngày giống như chỉ ‘chụp ảnh’ trong khi việc theo dõi bệnh nhân theo thời gian giống như là quay phim cả một quá trình sẽ cho kết quả hợp lý hơn. Khi phân tích lại bằng cách theo dõi quá trình thì thấy kết quả nghiên cứu của họ không có khác biệt có ý nghĩa thống kê.
Các giới hạn này khiến chất lượng khoa học của nghiên cứu này là thấp. Kết quả thu được về tính hiệu quả của HCQ trên COVID-19 nếu rút ra từ nghiên cứu này chỉ có thể được xem là sơ bộ; chưa thể đánh giá đúng việc HCQ có hiệu quả hay không.
3. Tại Mỹ, cũng đã có một hướng nghiên cứu dùng hỗn hợp thuốc chống sốt rét và kháng sinh để chữa COVID-19. Hai nghiên cứu ở Pháp và Mỹ có gì giống, có gì khác nhau?
TS.DS.Phạm Đức Hùng: Hiện giờ FDA đang lên một kế hoạch thử nghiệm lâm sàng HCQ nghiêm túc và cẩn thận. Theo kế hoạch, họ sẽ tuyển số bệnh nhân lớn hơn, thử nghiệm trên nhiều trung tâm y khoa và có kế hoạch theo dõi nồng độ, độc tính và tác dụng phụ rõ ràng. Giống là cùng nhắm đến một thuốc, khác là ở chất lượng và tầm cỡ của nghiên cứu. Chúng tôi hy vọng rằng các nghiên cứu chất lượng cao sắp tới đây sẽ trả lời cho các câu hỏi về độ an toàn, sự hiệu quả của HCQ trong việc điều trị hay ngăn ngừa COVID-19.
4. Hiện tại trong giới dược học quốc tế có tranh luận gì về hướng nghiên cứu sản xuất thuốc này không?
TS.DS.Phạm Đức Hùng: Có nhiều tranh luận nhưng chủ yếu xoay quanh 2 vấn đề chính:
- Kết quả thử nghiệm lâm sàng trên người còn nhiều ngờ vực: Trung Quốc tuyên bố họ đã thử nghiệm lâm sàng HCQ đem lại lợi ích cho bệnh nhân, tuy nhiên khi được WHO hỏi thì họ không đưa ra kết quả trị liệu, dữ kiện gốc họ cũng không chia sẽ. Nghiên cứu của nhóm người Pháp ở trên không phải thử nghiệm lâm sàng và họ cũng không báo cáo chỉ số lâm sàng của bệnh nhân như tỉ lệ tử vong. Tổ chức Y khoa cấp cứu của Hoa Kỳ không khuyến cáo sử dụng HCQ cho các bệnh nhân nặng do Covid-19
- Cẩn thận với các ca thành công do sử dụng thuốc theo chế độ nhân ái: ở một số bệnh viện, đối với trường hợp Covid-19 nặng, các bác sĩ có thể xem xét sử dụng HCQ, và có đem lại kết quả khả quan, bệnh nhân khỏi và xuất viện. Tuy nhiên, các kết quả này không được xem là điển hình và không nên đem ứng dụng cho nhiều nơi. Trong nghiên cứu khoa học, các trường hợp này chúng tôi gọi là báo cáo ca lâm sàng, có giá trị khoa học thấp nhất. Để chứng minh tác dụng của thuốc cần phải có thử nghiệm lâm sàng trên số lượng bệnh nhân lớn và có cả nhóm đối chứng để so sánh kết quả. Trị liệu của Covid-19 hiện giờ chủ yếu dựa vào điều trị hỗ trợ, trị các triệu chứng, ví dụ: 17 ca bệnh khoẻ mạnh ở Việt Nam là điều trị hỗ trợ và tất cả bệnh nhân đều khỏi. Không có nhóm chứng, chúng ta hoàn toàn không thể kết luận là dùng thuốc HCQ có thật sự trị bệnh, hay bệnh nhân khoẻ vì những điều trị hỗ trợ.
5. Tại Việt Nam đã có trường hợp cấp cứu do tự uống thuốc sốt rét để phòng chống COVID-19. Các ông/bà có khuyến cáo gì về việc này?
ThS.DS.Phạm Phương Hạnh: Hiện tại chưa có bằng chứng gì cho thấy HCQ có thể ngừa COVID-19.
Người dân bình thường không nên trữ các thuốc kê đơn như HCQ vì thuốc này có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt là làm loạn nhịp tim. Khi sử dụng chung với thuốc cũng có khả năng gây loạn nhịp tim như kháng sinh azithromycin, thuốc chống trầm cảm … sẽ làm tăng độc tính, có thể gây tử vong.
Đối với người khoẻ manh, uống HCQ sẽ không đem lại lợi ích mà còn gây độc; ở Mỹ đã có trường hợp người chết vì tự uống HCQ để phòng Covid-19
Ngoài ra HCQ còn tương tác với nhiều thuốc khác ví dụ:
- HCQ có thể gây hạ đường huyết. Do đó khi dùng kèm các thuốc điều trị tiểu đường BS và DS luôn thận trọng và điều chỉnh liều thuốc hạ đường huyết.
- HCQ cho thấy có thể giảm ngưỡng gây co giật, khiến bệnh nhân dễ bị động kinh dù đã ổn định với thuốc.
Chính vì vậy đối với người lớn tuổi, người có bệnh nền, việc tự tiện sử dụng HCQ có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Qua những phân tích trên, chúng tôi muốn nói với cộng đồng rằng để phát triển thuốc cần nhiều nghiên cứu khoa học kỹ càng và cẩn thận. Thuốc không phải là kẹo, không thể tùy tiện uống. Hãy để những nhà khoa học tìm hiểu về thuốc trị bệnh cho mọi người, hãy để BS, DS kê đơn và điều trị cho bệnh nhân.
Đóng góp nội dung:
TS.DS.Phạm Đức Hùng: Cincinnati, Ohio, Mỹ; chuyên gia về thuốc trị bệnh miễn dịch và di truyền; chuyên gia phản biện báo khoa học.
ThS.DS.Phạm Phương Hạnh: Dược sĩ hành nghề có chứng chỉ của bang Ontario, Canada; chuyên gia đánh giá thông tin thuốc và thử nghiệm lâm sàng.