PHÌNH MẠCH MÁU NÃO (Brain Aneurysm)

PHÌNH MẠCH MÁU NÃO (Brain Aneurysm)

Tác giả/ Dịch giả: Nguyễn Thị Hương Lan, Đinh Thị Thủy, Trần Thoại Khanh, Trương Phạm Hà Đoan

Hiệu đính: Nguyễn Minh Huy, PharmD candidate

GIỚI THIỆU [1]

Phình mạch máu não (Brain Aneurysm- BA) là hiện tượng giãn bất thường của động mạch não hình thành dạng túi phồng như quả bóng – ví von cho dễ tưởng tượng như một trái mọng treo lủng lẳng trên thân cây.

Túi này có thể bị rò rỉ hoặc vỡ ra gây xuất huyết nội sọ bất cứ lúc nào. Thông thường, động mạch não bị vỡ xảy ra ở khu vực giữa não và các mô mỏng bao phủ não. Loại đột quỵ xuất huyết này được gọi là xuất huyết dưới nhện (Subarachnoid hemorrhage- SAH).

Chứng phình mạch máu não là bệnh lý nguy hiểm đe doạ tính mạng. Động mạch não bị vỡ  có thể dẫn đến tử vong ngay lập tức, và cần được can thiệp y tế kịp thời.

Tuy nhiên, hầu hết các mạch máu bị phình sẽ không vỡ, và cũng không có triệu chứng hay gây ra các vấn đề về sức khỏe. Chúng chỉ thường được phát hiện tình cờ thông qua một số bài xét nghiệm cho các loại bệnh lý khác. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn ngừa tiến triển của vỡ động mạch não trong tương lai.

NGUYÊN NHÂN

Phình mạch máu não thường xảy ở người lớn tuổi, gặp nhiều hơn từ 40 tuổi trở đi. Và cũng có thể do dị tật mạch máu bẩm sinh.

Phụ nữ có xu hướng mắc bệnh cao hơn đàn ông.

Nguyên nhân của chứng phình động mạch não hiện chưa được biết đến nhưng đã xác định được yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh.

Hút thuốc lá và tăng huyết áp là 2 yếu tố nguy cơ hàng đầu có thể dẫn đến chứng phình máu não [3]. Bên cạnh đó một số vấn đề khác như  bệnh sử và lối sống cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Yếu tố nguy cơ khác: [3,4]
  • Xơ vữa động mạch:
  • Các bệnh liên quan đến máu hoặc mạch máu:
    • Rối loạn mô liên kết (Hội chứng Ehlers – Danlos): làm mạch máu bị suy yếu
    • Bệnh thận đa nang: một dạng rối loạn di truyền dẫn đến các túi chứa đầy chất lỏng trong thận và thường gây tăng huyết áp
  • Tổn thương hoặc chấn thương ở đầu (bóc tách túi phình)
  • Nhiễm khuẩn, một số bệnh nhiễm trùng máu (chứng phình động mạch cơ)
  • Ung thư hoặc có các khối u ở đầu và cổ
  • (Bẩm sinh) Rối loạn mạch máu não, hẹp động mạch chủ bất thường: làm giảm cung cấp máu giàu oxy cho cơ thể.
  • Dị dạng động mạch não: vòng nối bất thường giữa các động mạch và tĩnh mạch trong não làm gián đoạn dòng chảy bình thường của máu.
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh phình mạch máu não: đặc biệt là bố mẹ, anh, chị, em hoặc con cái.
  • Lối sống
  • Hút thuốc
  • Sử dụng rượu bia (đặc biệt là người nghiện rượu)
  • Lạm dụng ma túy, chất kích thích như cocain hoặc amphetamin.

Phình mạch máu não ở trẻ em [3]

Tỉ lệ nhỏ trẻ dưới 18 tuổi bị mắc phình mạch máu não. Bé trai có nguy cơ mắc cao gấp 8 lần bé gái. Một số trường hợp ở trẻ, khoảng 20% bị chứng phình động mạch “khổng lồ” (kích thước túi phình lớn hơn 2,5 cm). Bệnh xuất hiện ở trẻ em không rõ nguyên nhân. Nhưng, có liên quan đến:

  • Chấn thương vùng đầu
  • Rối loạn mô liên kết
  • Nhiễm trùng
  • Rối loạn di truyền
  • Tiền sử gia đình

TRIỆU CHỨNG

Hầu hết các túi phình vẫn nhỏ và không được chẩn đoán, hơn 1% tổng số bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám vì bệnh không có triệu chứng hay gây nên vấn đề sức khỏe nào nghiêm trọng. Chỉ đến khi túi lớn dần lên và gây áp lực đến mô và dây thần kinh xung quanh, mới biểu hiện các triệu chứng [5].

Các triệu chứng phụ thuộc vào mạch máu bị phình vỡ hay không vỡ

  • Triệu chứng túi phình động mạch não vỡ: Bệnh nhân cần cấp cứu ngay lập tức nếu như đột nhiên đau đầu dữ dội, mất ý thức hoặc có một số triệu chứng sau:
  • Đột nhiên đau đầu dữ dội – Bệnh nhân mô tả là cơn đau đầu nhất từ trước đến nay mà bệnh nhân đã trải qua
  • Mất ý thức
  • Buồn nôn và nôn
  • Lơ mơ
  • Mất thăng bằng khi đi bộ hoặc khi phối hợp động tác
  • Cổ cứng
  • Giãn đồng tử
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Đột nhiên mờ mắt hoặc nhìn đôi
  • Sụp mí mắt
  • Lú lẫn hoặc có vấn đề về nhận thức
  • Co giật
  • Các triệu chứng phình mạch máu nhưng không vỡ: Đến gặp bác sĩ nếu trước đó bạn có 1 trong các triệu chứng sau:
  • Đau đầu
  • Giãn đồng tử
  • Mờ mắt hoặc nhìn đôi
  • Đau phía trên và sau 1 mắt
  • Nói khó
  • Yếu và tê 1 bên mặt

Đột nhiên đau đầu dữ dội cũng có thể là 1 dấu hiệu bệnh nhân bị rò rỉ mạch máu. Điều này cảnh báo rằng bệnh nhân có nguy cơ sẽ mắc phình mạch máu não bị vỡ trong tương lai.

MỤC TIÊU ĐIỀU TRỊ [1,2]

  • Nếu động mạch não bị vỡ phải can thiệp thắt túi phình kịp thời để ngăn chăn xuất huyết hoặc tái xuất huyết.
  • Nếu động mạch não chưa vỡ, cần can thiệp để ngăn chặn biến chứng về sau cho người bệnh.
  • Kiểm soát huyết áp.
  • Thay đổi lối sống: không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn.

THĂM KHÁM [6]

  • Khám lâm sàng: Dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân
  • Cận lâm sàng:
  • Công thức máu toàn bộ (CBC) với tiểu cầu: Theo dõi nhiễm trùng, đánh giá tình trạng thiếu máu và xác định nguy cơ chảy máu.
  • Thời gian prothrombin (PT) / thời gian thromboplastin hoạt hóa từng phần (aPTT): Xác định rối loạn đông máu làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Hóa chất trong huyết thanh, bao gồm điện giải và độ thẩm thấu: Thực hiện các nghiên cứu cơ bản để theo dõi hạ natri máu, giải quyết các bất thường trong loạn nhịp tim, đánh giá đường huyết và theo dõi liệu pháp thẩm thấu đối với tăng áp lực nội sọ.
  • Xét nghiệm chức năng gan: Xác định rối loạn chức năng gan có thể làm phức tạp diễn biến lâm sàng.
  • Khí máu động mạch: Đánh giá lượng oxy trong máu.

Các nghiên cứu hình ảnh được sử dụng trong quá trình điều trị chứng phình mạch máu não bao gồm:

  • Chụp cắt lớp (CT): Phình mạch xuất huyết dưới màng nhện (SAH) có thể được phát hiện trong 90-95% các trường hợp.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chuỗi xung xóa tín hiệu các dịch, như dịch não tủy (Fluid-attenuated inversion recovery, FLAIR) rất nhạy với SAH, mặc dù việc so sánh chụp CT với MRI trong quá trình  phát hiện SAH còn nhiều tranh cãi; chứng phình giãn (dolichoectatic) động mạch khổng lồ có thể được xác định dễ dàng với MRI.
  • Chụp động mạch: Chụp động mạch thông thường là thủ tục đáng tin cậy để phát hiện và xác định đặc điểm của chứng phình động mạch não.
  • Siêu âm Doppler xuyên sọ: Phương thức này tạo điều kiện thuận lợi cho việc chẩn đoán co thắt mạch và theo dõi tuần tự lưu lượng máu não tại giường bệnh.
  • Chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn (SPECT), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), quét xenon-CT (XeCT): Với các kỹ thuật này, các nghiên cứu về lưu lượng máu não có thể mô tả thiếu máu cục bộ liên quan đến co thắt mạch mặc dù các phương thức này không được sử dụng thường xuyên.
  • Chụp cột sống cổ: Đánh giá bằng X-quang cột sống cổ nên được thực hiện ở tất cả bệnh nhân hôn mê và mất ý thức không chủ ý.
  • Siêu âm tim: Các nguồn thuyên tắc tim bao gồm viêm nội tâm mạc và u niêm mạc có thể được hình dung trong các trường hợp phình mạch do nhiễm trùng hoặc ung thư.
  • Chọc dò thắt lưng có thể giúp xác định chẩn đoán SAH trong trường hợp trên mặc dù những phát hiện này có thể không có trong vài giờ đầu sau khi vỡ túi phình.

ĐIỀU TRỊ [1,7]

A.Tình trạng vỡ túi phình mạch:

Phẫu thuật

Có 2 phương pháp phẫu thuật dùng phổ biến cho trường hợp chỗ phình mạch não bị vỡ:

  • Phẫu thuật kẹp túi phìnhlà một quá trình phẫu thuật nhằm đóng chỗ túi phình. Bác sĩ (giải phẫu thần kinh) sẽ mở 1 phần hộp sọ để có thể tiếp cận chỗ phình và xác định mạch nào là mạch nuôi máu đến túi phình. Sau đó họ sẽ dùng 1 chiếc kẹp nhỏ bằng kim loại để kẹp vào chỗ cổ của túi phình, ngăn máu không chảy đến chỗ phình nữa.
  • Đặt coil (dây xoắn) nội mạchlà một thủ thuật ít tác động hơn so với phẫu thuật kẹp túi phình. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt một ống thông bằng nhựa (catheler) vào trong động mạch, thường là động mạch chỗ háng và sau đó luồn nó đi theo đường toàn thân đến vị trí phình động mạch. Theo ống này, bác sĩ sẽ đưa dây xoắn (coil) mềm bằng bạch kim vào trong túi phình, hạn chế máu chảy vào túi và về cơ bản là lấp kín túi phình khỏi động mạch.

Cả 2 phương pháp này đều tiềm ẩn một số rủi ro, thường là xuất huyết não hoặc cản trở dòng máu lên não. Đặt coil nội mạch là phương pháp ít xâm lấn hơn và có bước đầu có vẻ an toàn hơn, tuy nhiên nó có thể tiềm ẩn cao hơn nguy cơ cần thực hiện đặt thêm coil trong tương lai do lâu dài túi phình động mạch sẽ giãn rộng ra

Phương pháp chuyển hướng dòng máu

Một phương pháp điều trị mới cho chứng phình mạch não đó là phương pháp chuyển hướng dòng máu bằng cách cấy ghép ống dạng Stent, cách này sẽ giúp chuyển hướng dòng máu, làm cho máu không chảy qua túi phình nữa. Sự chuyển hướng này làm cho máu không chảy qua chỗ phình và tạo điều kiện cho cơ thể tái tạo lại trạng thái ban đầu của những mạch bị phình. Phương pháp này đặc biệt hữu ích ở những trường hợp phình lớn, khi mà không thể áp dụng các phương pháp khác.

Bác sĩ giải phẫu thần kinh sẽ phối hợp với các chuyên gia về thần kinh để đưa ra lời khuyên nên chọn phương pháp can thiệp nào dựa trên yếu tố như kích thước, vị trí, nhìn nhận tổng thể tình trạng phình mạch não, khả năng thực hiện phẫu thuật của cơ thể.

  1. Các liệu pháp điều trị khác:

Các liệu pháp điều trị tình trạng túi phình mạch bị vỡ mục đích nhằm làm giảm triệu chứng và kiểm soát các biến chứng

  • Thuốc giảm đau,chẳng hạn acetaminophen ( Paracetamol, khác), có thể được dùng để điều trị cơn đau đầu.
  • Các thuốc chẹn kênh Calcingăn calci đi vào các tế bào thành mạch. Những thuốc này có tác dụng làm giảm các cơn co mạch thất thường (Vasospasm), có thể là một trong những biến chứng của tính trạng túi phình bị vỡ.

Một trong số những thuốc này, nimodipine (Nymalize, Nimotop), đã cho thấy khả năng làm giảm nguy cơ tổn thương não sau tình trạng xuất huyết dưới nhện gây ra bởi túi phình mạch não.

  • Các biện pháp can thiệp để ngăn ngừa đột quỵ do không đủ lưu lượng tuần hoànbao gồm tiêm thuốc vận mạch (vasopressor) theo đường tĩnh mạch với mục đích làm tăng huyết áp, vượt qua sức cản của các mạch máu đang co hẹp lại.

Một biện pháp can thiệp ngăn ngừa đột quỵ khác đó là nong mạch (angioplasty). Trong thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng một ống thông để làm phồng một quả bóng nhỏ, làm mở rộng một đoạn mạch đang bị thu hẹp trong não. Thuốc giãn mạch (vasodilator) cũng được sử dụng để mở rộng các mạch máu ở khu vực bị ảnh hưởng.

  • Các thuốc chống co giậtcó thể được sử dụng để điều trị các cơn co giật gây ra do tình trạng vỡ túi phình mạch não. Những thuốc này bao gồm levetiracetam (Keppra), phenytoin (Dilantin, Phenytek, khác), valproic acid (Depakene) and những thuốc khác. Việc sử dụng những thuốc này vẫn bị tranh cãi bởi các chuyên gia và nhìn chung việc sử dụng sẽ tùy thuộc vào quyết định của người điều trị cũng như nhu cầu dùng thuốc trên từng bệnh nhân.
  • Đặt Các ống thông dẫn lưu não thất hoặc thắt lưng và phẫu thuật đặt ống dẫn lưu từ não xuống ổ bụng (phẫu thuật đặt shunt)có thể làm giảm áp lực nội sọ gây ra bởi tình tràn dịch não thất (não úng thủy) gây ra do tình trạng vỡ túi phình mạch. Ống thông sẽ được đặt tại các vùng chứa đầy dịch bên trong não (tâm thất) hoặc vùng xung quanh não và tủy sống để dẫn các dịch thừa ra một túi bên ngoài.

Đôi khi, về sau cần thiết có một hệ thống ống dẫn lưu, hệ thống này bao gồm một ống dẫn silicon dẻo (shunt) và một cái van tạo thành một kênh dẫn dịch bắt nguồn từ não đến ổ bụng.

  • Liệu pháp phục hồi.Tổn thương não do tình trạng xuất huyết khoang dưới nhện có thể cần đến liệu pháp trị liệu ngôn ngữ, vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.

B.Chứng phình mạch não chưa bị vỡ:

Các túi phình mạch nhỏ, chưa vỡ và không gây ra triệu chứng có thể không cần thiết điều trị. Nhưng còn tùy vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cũng như tình trạng phình mạch. Cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.

Giảm nguy cơ vỡ túi phình mạch não bằng cách thay đổi lối sống:

  • Không dùng Cocain hoặc các chất kích thích khác
  • Giảm thiểu nguy cơ tăng huyết áp nhờ chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
  • Hạn chế caffein vì nó có thể gây tăng huyết áp đột ngột
  • Tránh nâng vật nặng (việc này làm có nguy cơ làm tăng huyết áp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/brain-aneurysm/diagnosis-treatment/drc-20361595

2.https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK507902/?fbclid=IwAR2xhs6I6g_sZQoRzdl7EnNEq2zf68xzTPzJi80tq4FerwjNhurrljYcmLw

3.https://www.webmd.com/brain/brain-aneurysm#1

4.https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/brain-aneurysm/symptoms-causes/syc-20361483?fbclid=IwAR2t4huL6C2_WrztyquDqWvDKKhAya2dEyjwZ_UE8dW0ICH395y8p9t6j8c#:~:text=A%20brain%20aneurysm%20

5.https://www.medicinenet.com/brain_aneurysm/article.htm

6.https://emedicine.medscape.com/article/1161518-overview

7.https://www.webmd.com/brain/brain-aneurysm#4

 

Chia sẻ bài viết