Tại sao các nhà khoa học chạy đua để phát triển thêm thuốc kháng vi-rút COVID-19

Tại sao các nhà khoa học chạy đua để phát triển thêm thuốc kháng vi-rút COVID-19

Nhóm sản phẩm đầu tiên của thuốc chống SARS-CoV-2 đang mang đầy hứa hẹn bhưng các loại thuốc mới vẫn cần thiết để chống lại nguy cơ kháng thuốc.

Việc tung ra vắc xin COVID-19 vào đầu năm 2021 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu. Một cột mốc quan trọng khác diễn ra vào cuối năm đó là việc chấp thuận hai thuốc kháng virus đường uống – molnupiravir và Paxlovid – hứa hẹn sẽ làm giảm số ca nhập viện và tử vong do COVID-19.

Trong khi những loại thuốc này dần dần được đưa vào bán rộng rãi tại các hiệu thuốc trên toàn thế giới thì các nhà nghiên cứu đã bắt đầu tìm kiếm những loại thuốc mới có thể thay thế chúng.

Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho thấy Molnupiravir, được phát triển bởi hãng dược phẩm Merck, trụ sở tại Kenilworth, New Jersey, và công ty công nghệ sinh học Ridgeback Biotherapeutics ở Miami, Florida, làm giảm 30% số ca nhập viện và tử vong so với những người dùng giả dược.

Trong khi đó, Paxlovid (nirmatrelvir và ritonavir), sản xuất bởi Pfizer, có trụ sở tại Thành phố New York, đã giảm 89% số ca nhập viện và tử vong. Các cơ quan quản lý của Vương quốc Anh đã phê duyệt molnupiravir vào tháng 11 và Paxlovid vào tháng 12, và các cơ quan quản lý Hoa Kỳ đã cấp phép khẩn cấp cho cả hai loại thuốc này vào tháng 12. Các quốc gia khác cũng đã nối bước với sự phê duyệt theo chính sách mỗi nước, và nhiều quốc gia đang đàm phán với các nhà sản xuất thuốc để mua các liệu trình thuốc hoặc sản xuất các thuốc tương đương của riêng họ.

Hiện tại, những loại thuốc này đang trong tình trạng thiếu hụt. Các nhà sản xuất vẫn đang mở rộng quy mô sản xuất các thuốc kháng vi-rút, vốn đang có nhu cầu rất lớn để điều trị biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm cao. Nhưng khi chúng trở nên phổ biến rộng rãi hơn – và nếu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng thực tế của chúng được công bố – thì những loại thuốc này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng người bệnh mắc COVID-19 chuyển nặng.

Còn quá sớm để nói liệu có khả năng phát triển sự kháng thuốc đối với các loại thuốc kháng vi-rút SARS-CoV-2 thế hệ đầu tiên này hay không, Tim Sheahan, nhà nghiên cứu vi-rút học chuyên về Corona tại Đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill, cho biết. Mặc dù tốc độ sao chép cực cao là mầm mống phát sinh các đột biến, ông nói, tuy nhiên vi rút cũng gây ra các bệnh nhiễm trùng cấp tính với thời gian tương đối ít để các đột biến gây kháng thuốc có thể tích tụ.

Nhưng mối đe dọa về kháng thuốc đặc biệt nghiêm trọng đối với các thuốc ‘đơn trị liệu’ như molnupiravir và Paxlovid vì mỗi loại chỉ nhắm vào một thành phần của virus. Đó là lý do tại sao bắt buộc phải phát triển thêm các loại thuốc kháng vi-rút mới nhằm vào các mục tiêu khác nhau hoặc những thuốc có thể được kết hợp với một phương pháp điều trị đơn lẻ để tấn công vi-rút trên nhiều mặt, Sheahan nói.

 

Một cuộc chạy đua chống lại sự kháng thuốc

Các thuốc kháng vi-rút thành công thường nhắm vào hai phần quan trọng của bộ máy sinh học của vi-rút, một polymerase và một protease, cả hai đều cần thiết cho sự nhân lên của vi-rút. Thuốc điều trị COVID hiện tại cũng không ngoại lệ: Paxlovid ức chế protease chính của SARS-CoV-2, trong khi molnupiravir đánh lừa RNA polymerase của nó để kết hợp một phần của thuốc vào RNA của vi-rút, tạo ra rất nhiều lỗi khiến vi-rút không thể sống sót. Loại thuốc thứ ba – remdesivir, được phát triển bởi Gilead, có trụ sở tại Thành phố Foster, California – ức chế RNA polymerase, nhưng việc điều trị tốn kém và hiện tại đòi hỏi đường dùng qua truyền tĩnh mạch trong ba ngày liên tục, khiến nhiều người không thể tiếp cận được.

Carl Dieffenbach, giám đốc bộ phận AIDS tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID), cho biết các ứng cử viên thuốc kháng vi-rút khác đang dần phát triển trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Ông nói rằng một ứng cử viên đầy hứa hẹn là một chất ức chế protease, được phát triển bởi Shionogi & Company, có trụ sở tại Osaka, Nhật Bản và Đại học Hokkaido ở Nhật Bản, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II / III ở châu Á. Thuốc này nhắm mục tiêu đến cùng một loại protease như Paxlovid nhưng sẽ chỉ yêu cầu bệnh nhân uống một viên duy nhất mỗi ngày.

Các liệu pháp điều trị không triệt để có thể đẩy nhanh tình trạng kháng thuốc của vi-rút khi mà chúng có thể vừa phát triển khả năng đề kháng chống lại thuốc vừa có thể tiếp tục nhân lên và tàn phá cơ thể. Cả molnupiravir và Paxlovid đều bao gồm các liều phải được uống hai lần một ngày trong năm ngày liên tiếp.

Thực hành nhắm trúng mục tiêu

Các nhà nghiên cứu cũng nên phát triển các phương pháp điều trị nhắm vào các bộ phận khác của virus, Schang nói. Ông nói: “Lần này, chúng tôi gặp may với một loại vi-rút mã hóa cả polymerase và protease, và giờ, sau hai năm chúng tôi chỉ có một kho vũ khí gần tối ưu”. “Chúng tôi thực sự phải xác định và xác thực các mục tiêu mới cho thuốc kháng vi-rút để khi [đại dịch] tiếp theo xảy ra, chúng tôi có một danh mục rộng hơn nhiều để lựa chọn.”

Dieffenbach nói rằng các nhà nghiên cứu mong muốn lí tưởng nhất là xác định các mục tiêu phổ biến đối với toàn bộ họ vi-rút và ức chế chúng bằng một loại thuốc duy nhất. Như vậy có thể cho phép các nhân viên y tế công cộng nhanh chóng triển khai một loại thuốc kháng vi-rút hiệu quả vào lần tiếp theo khi một loại vi-rút mới có khả năng gây đại dịch xuất hiện.

Việc phát triển các loại thuốc phổ rộng như vậy sẽ cần đến sự đầu tư đáng kể của nhà nước và tư nhân, và sự hợp tác của các công ty dược phẩm. Năm ngoái, Hoa Kỳ đã trích 1,2 tỷ đô la Mỹ cho NIAID để thành lập Trung tâm Phát triển Thuốc kháng vi rút cho các tác nhân gây nguy cơ Đại dịch, sẽ tài trợ cho nghiên cứu cơ bản về phát triển thuốc kháng vi rút cho bảy họ vi rút.

Tuy nhiên, tất cả các thuốc kháng vi-rút đều phải đối mặt với một hạn chế, Dieffenbach nói: chúng phải được sử dụng trong vòng vài ngày khi bị nhiễm bệnh để ngăn vi-rút sinh sôi. Thuốc kháng vi-rút chỉ có hiệu quả nếu mọi người ý thức được rằng họ có thể bị bệnh và có thể tiến hành các xét nghiệm để đưa ra chẩn đoán kịp thời. Dieffenbach nói: “Chúng tôi có thể tạo ra những loại thuốc tốt nhất trên thế giới, nhưng nếu mọi người không hiểu rằng họ phải sẵn sàng hợp tác, thì sẽ không mang lại điều gì tốt cả. “Thuốc không thể tự uống được.”

Biên dịch: ThS. Lê Thị Hằng Nga

Nature 601 , 496 (2022)

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-022-00112-8

Image: designed by user10860774 at freepik.com

 

 

Chia sẻ bài viết