Virus Covid có thể thúc đẩy cơ chế tự miễn của cơ thể

Virus Covid có thể thúc đẩy cơ chế tự miễn của cơ thể

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, nghiên cứu về COVID-19, đã có một khám phá quan trọng và đáng kinh ngạc: Virus này dường như khiến cơ thể tạo ra vũ khí chống lại chính các mô của mình.

Phát hiện trên có thể giải mã một số bí ẩn về mặt lâm sàng của COVID, bao gồm tập hợp triệu chứng bất thường đi kèm với nhiễm trùng; sự tồn tại của các triệu chứng ở một số người trong nhiều tháng sau khi đã không còn virus trong cơ thể – hiện tượng được gọi là COVID kéo dài; và nguyên nhân khiến một số trẻ em và người trưởng thành mắc hội chứng viêm nặng, gọi là MIS-C hoặc MIS-A sau khi nhiễm trùng.

Tác giả chính của nghiên cứu, Bác sĩ Paul Utz, nhà nghiên cứu về miễn dịch học và tự miễn dịch tại đại học Stanford cho biết: “Điều này gợi ý rằng virus có thể trực tiếp gây ra hiện tượng tự miễn.” Nghiên cứu này cũng xoáy sâu vào câu hỏi rằng liệu các virus đường hô hấp khác cũng có thể phá vỡ sức chống chịu của cơ thể với chính bản thân nó, gây nên các bệnh tự miễn như đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp và lupus.

Nghiên cứu này bao gồm dữ liệu từ hơn 300 bệnh nhân của bốn bệnh viện: hai bệnh viện ở California, một ở Pennsylvania, và một ở Đức.

Các nhà nghiên cứu sử dụng xét nghiệm máu để nghiên cứu phản ứng miễn dịch, khi bệnh nhiễm trùng của bệnh nhân đang tiến triển. Các nhà nghiên cứu tìm kiếm các thể tự kháng – được biết đến như vũ khí của hệ miễn dịch, tấn công vào chính các mô của cơ thể. Họ so sánh các thể tự kháng này với những người không bị nhiễm COVID.

Các nghiên cứu trước đó đã phát hiện ra rằng thể tự kháng trở nên phổ biến hơn sau khi nhiễm COVID: 50% những người nhập viện vì nhiễm COVID có thể tự kháng, so với con số ít hơn 15% ở những người khỏe mạnh, không nhiễm bệnh.

Một số người có thể tự kháng có rất ít thay đổi trong cơ thể khi nhiễm trùng tiến triển. Điều này cho thấy các thể tự kháng đã có trên những bệnh nhân này từ đầu, và có thể chúng chính là nguyên nhân khiến nhiễm trùng bùng phát ngoài tầm kiểm soát trong cơ thể họ. Utz cho rằng “Cơ thể của họ đã chuẩn bị sẵn cho diễn biến xấu của COVID. Tình trạng này có thể là do thể tự kháng gây ra.”

Tuy nhiên, ở khoảng 20% số người nhiễm virus, thể tự kháng gia tăng khi nhiễm trùng tiến triển. Điều này cho thấy đây là một tình trạng liên quan trực tiếp tới nhiễm virus, thay vì là một trình trạng sẵn có trong cơ thể.

Một số trong số các thể tự kháng này đã tấn công các thành phần quan trọng của hệ miễn dịch chống lại virus, ví dụ như interferon. Intererons là các protein giúp các tế bào nhiễm bệnh kích hoạt hệ thống miễn dịch và đồng thời cũng cản trở khả năng tự nhân lên của virus. Đây là một chiến thuật hiệu quả, và một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những người bẩm sinh có chức năng interferon kém hơn bình thường, hay những người có thể tự kháng kháng interferon, có nguy cơ tử vong do COVID cao hơn.

Tác giả nghiên cứu – Tiến sĩ John Wherry cho biết: “Điều này dường như mang lại cho virus một ưu thế mạnh mẽ.”

Utz cho biết, họ bắt đầu cuộc nghiên cứu sau khi nhìn thấy một số tập hợp triệu chứng lạ trên bệnh nhân COVID, những triệu chứng này giống với bệnh tự miễn hơn là nhiễm virus, như phát ban da, đau khớp, mệt mỏi, đau nhức cơ, phù não, khô mắt, dễ tạo cục máu đông, viêm tắc mạch máu. “Một điều quan trọng cần lưu ý, là chúng tôi không chắc rằng liệu những bệnh nhân này có tiếp tục phát triển bệnh tự miễn không.”, “Chúng tôi nghĩ rằng câu trả lời có thể có trong vòng 6 đến 12 tháng sau khi theo dõi những người bệnh kéo dài và đánh giá các bệnh phẩm.”

Điều quan trọng là phải nghiên cứu các thể tự kháng ở những người bệnh kéo dài, để xác định xem những kháng thể nào có hiệu lực. Nếu phát hiện sớm, có thể điều trị cho những trường hợp có nguy cơ mắc các triệu chứng kéo dài bằng các loại thuốc ức chế miễn dịch.

Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải sống chung với COVID trong một thời gian rất dài nữa. “Chúng ta phải chấp nhận rằng sẽ có những tổn thương lâu dài với những người sống sót do loại virus này gây ra. Không chỉ là ở những người bệnh kéo dài (long haulers), mà là tất cả những bệnh nhân có tổn thương tim, phổi, hay bất cứ tổn thương nào khác cũng vậy. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục nghiên cứu loại virus này, cũng như tác hại của nó, trong hàng thập kỉ tới. “

 

Biên dịch: Nguyễn Thùy Trang

Hiệu đính: Nguyễn Thị Thanh Vân

Source:

Web MD (Link: https://www.webmd.com/lung/news/20210129/covid-virus-may-prompt-body-to-attack-itself)

Image from Freepik.com

 

Chia sẻ bài viết