COVID-19: Một số thuốc nên và không nên trữ
TS.DS.Phạm Đức Hùng: BV Nhi Cincinnati, Ohio, Mỹ
DS.Phạm Phương Hạnh: DS hành nghề (Rph) Toronto, Ontario, Canada
Theo CDC (cơ quan phòng dịch Hoa Kỳ), mọi người có thể trữ các thuốc không cần kê đơn ở nhà, đây cũng là những thuốc nên trong tủ thuốc gia đình (tránh xa tầm tay trẻ em): có thể giúp hỗ trợ trị triệu chứng của Covid-19 như sốt, đau người, nghẹt mũi …
Lưu ý: danh sách những thuốc đề cập sau đây đều không trị được Covid-19. Chưa có bất cứ thuốc hay vaccine nào trị được Covid-19 được FDA chấp thuận. Các thuốc dưới đây chỉ nhằm điều trị triệu chứng khi BN được hướng dẫn cách ly tại nhà. Bài chỉ nhằm đưa thông tin, không nhằm kê đơn, chống fake news. Cuối cùng, xin lưu ý: thuốc nào cũng có tác dụng phụ, hãy tư vấn nhân viên y tế có trách nhiệm trước khi dùng thuốc.
1. Thuốc giảm đau hạ sốt Paracetamol và ibuprofen: OK nếu mua sẵn
Paracetamol: đây là một thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường và hiệu quả, an toàn nếu dùng như hướng dẫn
Mỗi viên paracetamol có 325mg hay 500mg thuốc. Cần biết mình đang dùng loại có hàm lượng nào. Ngoài ra còn có dạng tọa dược (nhét hậu môn) và dạng lỏng dùng cho trẻ em hay người lớn có vấn đề khó nuốt. Sử dụng theo liều trên nhãn hoặc theo hướng dẫn của NVYT với khoảng cách giữa các liều là khoảng 4h – 6h.
- Dù được xem là một thuốc khá an toàn, paracetamol CÓ NGUY CƠ CAO gây độc gan cấp tính nếu quá liều. Một người lớn trưởng thành, không có bệnh lý về gan thì tổng liều dùng tối đa mỗi ngày không quá 4000mg/ngày. Đối với trẻ em, người bị bệnh gan nên hỏi bác sĩ/dược sĩ về liều dùng.
- Các chế phẩm không kê toa trị cảm-ho, viêm xoang thông thường hay các thuốc kê toa giúp giảm đau có thể chứa paracetamol nên cần được tính toán vào tổng lượng paracetamol nếu bạn đang uống mỗi ngày.
Chưa có bằng chứng thuyết phục việc sử dụng ibuprofen gây hại trong trường hợp bệnh Covid-19. Một số trường hợp như đau bụng kinh, đau nửa đầu, viêm khớp thì sử dụng ibuprofen cho hiệu quả tốt hơn paracetamol. Thuốc này cũng có thể được trữ, với những lưu ý về cách dùng như bấy lâu: uống với đồ ăn để hạn chế nguy cơ khó chịu bao tử; dùng với liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất. Với ibuprofen không kê toa, tùy theo hàm lượng 200mg, 400mg hay 600mg mà khoảng cách liều sẽ khác biệt: 200/400mg sẽ dùng mỗi 6-8 giờ, còn 600mg dùng mỗi 12h. Với ibuprofen kê bởi BS, xin vui lòng theo chỉ dẫn cụ thể.
2. Thuốc trị tiêu chảy như Smecta, Imodium
Giảm đau bụng và tiêu chảy liên quan tới virus đường ruột. Chỉ dùng nếu chỉ bị tiêu chảy trong thời gian ngắn và không có các dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng dữ dội, sốt, tiêu ra máu/ nhầy hay đi tiêu hơn 6 lần/ngày. Nếu đi tiêu hơn 3 ngày hay có các dấu hiệu nghiêm trọng kể trên, cần đi khám. Một lưu ý nữa là cần bù nước và chất điện giải bằng Oresol khi bị tiêu chảy, nhất là trẻ em, người lớn tuổi.
3. Thuốc trị dị ứng dạng uống hay xịt mũi nếu bản thân bị dị ứng mùa
Loại uống cho trẻ em thường là dạng lỏng, cần đong theo cân nặng và chỉ dùng nếu cần. Với người lớn, chú ý có loại thuốc dị ứng có thể gây buồn ngủ và loại không gây buồn ngủ; cần lựa chọn cho đúng để phù hợp với sinh hoạt hàng ngày. Người lớn tuổi có thể bị chóng mặt, ngà ngật nếu dùng thuốc dị ứng gây buồn ngủ, từ đó dễ bị té ngã; nên chọn loại không buồn ngủ và chỉ dùng nếu cần.
4. Thuốc trị ho dạng sirô có dextromethorphan
Dùng trị ho liên quan tới cảm cúm. Không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.
5. Thuốc giảm acid dạ dày như Phosphalugel
Dùng như hướng dẫn. Nếu phải sử dụng nhiều lần trong ngày và nhiều ngày trong tuần để kiểm soát triệu chứng thì đó là dấu hiệu cần khám. Lạm dụng Phosphalugel hay các thuốc giảm acid có thể khiến tình trạng dư acid bùng lên khi ngưng thuốc, khiến đau bao tử nhiều hơn.
6. Các dụng cụ hỗ trợ
Nhiệt kế, túi chườm nóng, nước rửa tay khô có cồn, xà bông. Máy đo huyết áp hay đo đường huyết nếu cần.
7. Đối với các thuốc kê đơn
Đối với những người có bệnh mãn tính, đặc biệt là người lớn tuổi không thể ra khỏi nhà có thể hỏi bác sĩ tư vấn và cho các loại thuốc kê đơn trong một thời gian dài hơn bình thường.
Đối với người khoẻ mạnh, bình thường nguyên tắc chung là không trữ hay tự ý dùng thuốc kê đơn. Thuốc cần kê đơn của bác sĩ không phải là kẹo.
Đặc biệt lưu ý:
- Các thuốc đang được nghiên cứu trị Covid-19
Như đã nói chưa có bất cứ thuốc nào trị được Covid-19 được chấp thuận bởi các cơ quan chức năng. Người dân tự ý dùng các thuốc đấy có thể bị nhiều tác dụng phụ nguy hiểm tính mạng
Ví dụ:
Hydroxychloroquine: độc tính trên võng mạc, trên hệ tạo máu, trên thính lực, trương lực cơ và trên cơ tim, nhất là trên các bệnh nhân suy gan và suy thận.
Lopinavir/ritonavir: có thể gây vấn đề về thần kinh, nhức đầu nặng, tăng tiểu tiện.
Remdesivir: thuốc còn đang phát triển trị Ebola, và Covid-19, dữ kiện về an toàn và độc tính của thuốc còn là ẩn số
- Kháng sinh nói chung (ampicillin, azithromycin, ciprofloxacin)
Không có kháng sinh nào tiêu diệt được Covid-19.
Việc sử dụng kháng sinh nói chung sẽ gây nhiều tác dụng phụ từ đơn giản như nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, dị ứng đến nghiêm trọng như:
Sốc phản vệ (1 tình trạng cấp cứu): Triệu chứng thường gặp trong sốc phản vệ là hạ huyết áp, co thắt đường thở, nhịp nhanh và yếu, nôn mửa, chóng mặt và ngất xỉu. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.
Đề kháng kháng sinh: sử dụng kháng sinh không diệt được virus, tuy nhiên sẽ làm cho các vi khuẩn bị lờn thuốc, dẫn đến đề kháng kháng sinh. Số loại kháng sinh để diệt khuẩn không nhiều. Nếu các vi khuẩn kháng thuốc mạnh sẽ tạo ra siêu vi trùng (superbug) là mối đe dọa cho nhân loại.
Hiện giờ phương pháp điều trị cơ bản của Covid-19 là điều trị hỗ trợ, tức là giúp giảm đau, hạ sốt, bù nước… BV sẽ giúp bệnh nhân hô hấp bằng máy móc y khoa chuyên dụng … và chờ hệ kháng thể có thời gian để thích ứng và diệt virus. Trường hợp Covid-19 quá đặc biệt và quá gấp nên khi bệnh nhân có các triệu chứng rất nặng, các BS/DS có thể kê cho họ một số thuốc như hydroxychloroquine, remdesivir, lopinavir/ritonavir, … nhưng chỉ sử dụng trong BV, trong tình trạng đe dọa tính mạng và có sự đồng ý của BN. Thế nên một lần nữa, mọi người nên nghe theo chỉ dẫn của BS/DS lâm sàng, không tự ý dùng thuốc như ăn kẹo nhé.
Tài liệu tham khảo
- Canadian Pharmacist Association drug monograph
- Corticosteroid: systemic. Canadian Pharmacist Association drug monograph
- Nonsteroidal anti-inflammatory drugs (NSAIDS). Canadian Pharmacist Association drug monograph
- Kelly et al. The 10 Medicines Everyone Should Have At Home. Patch.com
- Ảnh: (C) Freepik