Dùng Dulaglutide mỗi tuần 1 lần để điều trị cho thanh niên mắc ĐTĐ loại 2

Dùng Dulaglutide mỗi tuần 1 lần để điều trị cho thanh niên mắc ĐTĐ loại 2

Tác giả: Silva A. Arslanian và cộng sự, 2022

TÓM LƯỢT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Tổng quan

Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 ngày càng gia tăng trong giới trẻ. Điều trị mỗi tuần một lần với Dulaglutide, một chất chủ vận thụ thể peptide-1 tương tự glucagon (GLP-1 receptor agonist), có thể có hiệu quả liên quan đến việc kiểm soát đường huyết ở trẻ vị thành niên mắc bệnh tiểu đường loại 2.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trong một thử nghiệm mù đôi, có đối chứng với giả dược, kéo dài 26 tuần, nhóm tác giả khảo sát ngẫu nhiên những người tham gia (10 đến <18 tuổi; chỉ số khối cơ thể BMI cao >85% so với nhóm thanh niên còn lại) được điều trị bằng các biện pháp thay đổi lối sống đơn độc hoặc với metformin, có hoặc không có insulin nền, theo tỷ lệ 1: 1: 1 để tiêm dưới da một lần mỗi tuần giả dược, hoặc Dulaglutide với liều 0,75 mg hoặc 1,5 mg. Những người tham gia sau đó được đưa vào một nghiên cứu mở nhãn kéo dài 26 tuần, trong đó những người đã dùng giả dược bắt đầu nhận Dulaglutide với liều hàng tuần là 0,75 mg. Tiêu chí chính là sự thay đổi so với ban đầu về mức hemoglobin liên kết đường ở tuần thứ 26. Tiêu chí phụ bao gồm mức hemoglobin liên kết đường dưới 7,0% và những thay đổi so với ban đầu về nồng độ glucose lúc đói và chỉ số BMI. An toàn sử dụng thuốc cũng đã được đánh giá.

KẾT QUẢ

Tổng số 154 người tham gia đã trải qua quá trình ngẫu nhiên. Ở tuần thứ 26, mức hemoglobin glycated trung bình đã tăng ở nhóm giả dược (0,6 điểm phần trăm) và giảm ở nhóm dùng Dulaglutide (giảm 0,6 điểm phần trăm ở nhóm 0,75 mg và giảm 0,9 điểm phần trăm ở nhóm 1,5 mg, P <0,001 cho cả hai so sánh với giả dược).

Ở tuần thứ 26, tỷ lệ người tham gia trong nhóm Dulaglutide cao hơn so với nhóm giả dược với mức hemoglobin liên kết đường dưới 7,0% (51% so với 14%, P <0,001). Nồng độ glucose lúc đói tăng ở nhóm dùng giả dược (17,1 mg mỗi decilit) và giảm ở nhóm dùng Dulaglutide (18,9 mg mỗi decilit, P <0,001), và không có sự khác biệt giữa các nhóm về sự thay đổi chỉ số BMI. Tỷ lệ các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa khi điều trị bằng Dulaglutide cao hơn so với giả dược tuy nhiên vẫn phù hợp với hồ sơ an toàn của Dulaglutide với báo cáo ở người lớn.

KẾT LUẬN

Điều trị bằng Dulaglutide với liều 0,75 mg hoặc 1,5 mg mỗi tuần một lần vượt trội hơn so với giả dược trong việc cải thiện kiểm soát đường huyết trong 26 tuần ở những thanh niên mắc bệnh tiểu đường loại 2 đang được điều trị bằng hoặc không có metformin hoặc insulin nền, mà đồng thời không ảnh hưởng đến chỉ số BMI.

 

*Tài liệu tham khảo: The New England Journal of Medicine

https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2204601

* Nguồn ảnh: https://www.clinicaltrialsarena.com/projects/trulicity-type-2-diabetes/

https://www.medscape.com/viewarticle/975063?src=

https://www.endocrinologyadvisor.com/home/topics/diabetes/type-2-diabetes/semaglutide-and-hba1c-and-glycated-hemoglobin-and-weight-and-dulaglutide-and-diabetes/

 

* Thông tin dịch giả:

Ths. Trương Hoàng Thiện,

Chuyên môn: Khoa học và Công nghệ Dược, Công Nghệ Sinh Học.

Công tác: Khoa Dược, Đại Học Chulalongkorn, Thái Lan.

hoangthien5496@gmail.com

* Hiệu đính:

Nguyễn Thị Minh Thúy

Chia sẻ bài viết