Phần 7: Công nghệ trong điều trị bệnh đái tháo đường – ADA 2023

Phần 7: Công nghệ trong điều trị bệnh đái tháo đường – ADA 2023

Biên dịch: BS. Nguyễn Thu Trang, Đinh Hoàng Mỹ Ân

Từ viết tắt: ĐTĐ = đái tháo đường; CGM = theo dõi đường huyết liên tục; isCGM = CGM quét gián đoạn; rtCGM = CGM thời gian thực; ĐH = đường huyết; FDA= Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ; ISO = Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế.

 

NGUYÊN LÝ CHUNG

7.1 Lựa chọn thiết bị và (các) loại thiết bị nên được cá nhân hóa dựa trên nhu cầu, mong muốn, trình độ kỹ năng và tính khả dụng của thiết bị đối với từng bệnh nhân cụ thể. Trong trường hợp vấn đề quản lý bệnh của bệnh nhân phụ thuộc một phần/hoàn toàn vào người khác (ví dụ: trẻ nhỏ hoặc người bị suy giảm nhận thức), quá trình đưa ra quyết định không thể không xét đến kỹ năng và mong muốn của người chăm sóc. E

7.2 Khi kê đơn một thiết bị, cần đảm bảo rằng bệnh nhân/người chăm sóc được liên tục giáo dục và đào tạo từ khi bắt đầu sử dụng (có thể trực tiếp hoặc từ xa) cũng như được đánh giá thường xuyên về kỹ thuật, kết quả và khả năng sử dụng dữ liệu, bao gồm vấn đề tải/chia sẻ dữ liệu (nếu áp dụng), để điều chỉnh liệu pháp. C

7.3 Những người đã và đang sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM), truyền insulin dưới da liên tục và/hoặc máy phân phối insulin tự động để quản lý bệnh ĐTĐ nên được duy trì khả năng tiếp cận điều trị liên tục thông qua các bên thanh toán thứ ba. E

7.4 Trường học cần phải hỗ trợ học sinh trong vấn đề sử dụng các thiết bị khi điều trị đái tháo đường, bao gồm: bơm insulin liên tục dưới da, bút insulin có kết nối và hệ thống phân phối insulin tự động theo kê đơn của nhóm chăm sóc ĐTĐ của từng học sinh. E

7.5 Việc bắt đầu sử dụng sớm máy CGM, truyền insulin liên tục dưới da và/hoặc sử dụng hệ thống phân phối insulin tự động trong điều trị có thể có lợi tùy thuộc vào nhu cầu và mong muốn của cá nhân/người chăm sóc. C

 

THEO DÕI GLUCOSE MÁU

7.6 Bệnh nhân ĐTĐ nên được cung cấp các thiết bị theo dõi đường huyết theo chỉ định dựa trên hoàn cảnh, mong muốn và phương pháp điều trị. Những người sử dụng thiết bị CGM phải luôn được theo dõi đường huyết. A

7.7 Những bệnh nhân đang sử dụng insulin có sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết nên được  khuyến khích kiểm tra đường huyết hợp lý dựa trên phác đồ sử dụng insulin. Điều này có thể bao gồm: kiểm tra đường huyết khi nhịn ăn, trước bữa ăn chính và ăn nhẹ, trước khi ngủ, trước khi tập thể dục, khi nghi ngờ bị hạ đường huyết, sau khi điều trị hạ đường huyết (cho đến khi về ngưỡng bình thường), trước và trong khi thực hiện các công việc quan trọng như lái xe. B

7.8 Nhà cung cấp cần nắm được sự biến thiên về độ đúng giữa các máy đo đường huyết – chỉ nên sử dụng các máy đo được FDA chấp thuận với độ đúng đã được chứng minh, kèm với các que thử còn hạn sử dụng được mua từ hiệu thuốc hoặc nhà phân phối được cấp phép. E

7.9 Mặc dù việc theo dõi đường huyết ở những bệnh nhân không sử dụng insulin không được chứng minh giúp giảm A1C đáng kể về mặt lâm sàng, tuy nhiên, việc theo dõi có thể hữu ích trong trường hợp bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và/hoặc thuốc (đặc biệt là thuốc có thể gây hạ đường huyết) kèm với chương trình hiệu chỉnh điều trị. E

7.10 Các nhân viên y tế nên nắm rõ về thuốc và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ đúng của máy đo đường huyết (chẳng hạn như vitamin C liều cao và tình trạng giảm oxy máu), đồng thời cung cấp các biện pháp quản lý lâm sàng theo chỉ định.

 

THIẾT BỊ THEO DÕI ĐƯỜNG HUYẾT LIÊN TỤC (CGM)

7.11 Theo dõi đường huyết liên tục theo thời gian thực (rtCGM) A hoặc theo dõi đường huyết liên tục quét ngắt quãng (isCGM) B nên được đề nghị sử dụng để quản lý bệnh ĐTĐ ở người trưởng thành mắc ĐTĐ cần tiêm nhiều lần mỗi ngày (hoặc truyền insulin liên tục dưới da) có khả năng sử dụng thiết bị một cách an toàn (tự mình hoặc với người chăm sóc). Việc lựa chọn thiết bị phải được thực hiện dựa trên hoàn cảnh, mong muốn và nhu cầu của bệnh nhân.

7.12 Theo dõi đường huyết liên tục trong thời gian thực (rtCGM) A hoặc theo dõi đường huyết liên tục quét ngắt quãng (isCGM) C có thể được sử dụng để quản lý bệnh ĐTĐ ở người trưởng thành mắc ĐTĐ đang sử dụng insulin nền có khả năng sử dụng thiết bị một cách an toàn (tự mình hoặc với người chăm sóc). Việc lựa chọn thiết bị phải được thực hiện dựa trên hoàn cảnh, mong muốn và nhu cầu của bệnh nhân.

7.13 RtCGM (B) hoặc isCGM (E) nên được đề nghị sử dụng để quản lý bệnh ĐTĐ ở thanh thiếu niên mắc ĐTĐ type 1 cần tiêm nhiều lần mỗi ngày (hoặc truyền insulin liên tục dưới da) có khả năng sử dụng thiết bị một cách an toàn (tự mình hoặc với một người chăm sóc). Việc lựa chọn thiết bị phải được thực hiện dựa trên hoàn cảnh, mong muốn và nhu cầu của bệnh nhân.

7.14 RtCGM hoặc isCGM nên được đề nghị sử dụng để quản lý ĐTĐ ở thanh niên mắc ĐTĐ type 2 cần tiêm nhiều lần mỗi ngày (hoặc truyền insulin liên tục dưới da) có khả năng sử dụng thiết bị một cách an toàn (tự mình hoặc với người chăm sóc). Việc lựa chọn thiết bị phải được thực hiện dựa trên hoàn cảnh, mong muốn và nhu cầu của bệnh nhân. E

7.15 Ở những bệnh nhân cần tiêm nhiều lần mỗi ngày và truyền insulin dưới da liên tục, nên sử dụng rtCGM càng chặt chẽ hàng ngày càng tốt để đạt được lợi ích tối đa. IsCGM (E) nên được tiến hành quét thường xuyên, ít nhất 8 giờ một lần. A BN mắc ĐTĐ nên có quyền truy cập liên tục vào nguồn cung của họ để giảm thiểu khoảng cách trong việc theo dõi glucose liên tục. A

7.16 Theo dõi đường huyết liên tục khi được sử dụng như một phương pháp hỗ trợ để theo dõi đường huyết trước và sau ăn có thể giúp đạt được mục tiêu A1C ở bệnh đái tháo đường và thai kỳ. B

7.17 Trong trường hợp việc sử dụng phương pháp theo dõi đường huyết liên tục không phù hợp, bệnh nhân không mong muốn hoặc không tiếp cận được, sử dụng định kỳ RtCGM/isCGM/CGM chuyên nghiệp có thể giúp ích cho việc quản lý bệnh ĐTĐ.

7.18 Các phản ứng trên da do kích ứng hoặc dị ứng, cần được đánh giá và giải quyết để hỗ trợ sử dụng thành công thiết bị. E

7.19 Người sử dụng thiết bị theo dõi glucose liên tục nên được giáo dục về các chất gây nhiễu tiềm ẩn và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến độ chính xác. C

 

PHÂN PHỐI INSULIN

Ống tiêm và bút tiêm

7.20 Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường cần insulin, bút insulin được ưu tiên sử dụng trong hầu hết các trường hợp, tuy nhiên có thể sử dụng ống tiêm để phân phối insulin sau khi đã cân nhắc các mong muốn của bệnh nhân/người chăm sóc, loại insulin và chế độ liều, chi phí và khả năng tự quản lý. C

7.21 Bút tiêm insulin hoặc dụng cụ hỗ trợ tiêm insulin nên được cân nhắc cho những bệnh nhân thiếu sự khéo léo hoặc suy giảm thị lực để tạo điều kiện cho việc sử dụng liều insulin chính xác. C

7.22 Bút insulin có kết nối có thể có lợi trong việc quản lý bệnh ĐTĐ và có thể được sử dụng cho những bệnh nhân sử dụng liệu pháp tiêm. E

7.23 Hệ thống hỗ trợ quyết định / tính toán liều insulin được FDA chấp thuận có thể giúp ích trong việc hiệu chỉnh liều insulin. E

Bơm insulin và Hệ thống phân phối insulin động hóa

7.24 Nên cung cấp hệ thống phân phối insulin tự động hoặc quản lý bệnh ĐTĐ cho thanh niên và người trưởng thành mắc ĐTĐ type 1 A (hoặc các dạng ĐTĐ thiếu insulin khác E) có khả năng sử dụng thiết bị một cách an toàn (tự mình hoặc với người chăm sóc). Việc lựa chọn thiết bị phải được thực hiện dựa trên hoàn cảnh, mong muốn và nhu cầu của bệnh nhân.

7.25 Liệu pháp bơm insulin đơn độc có/không kèm phương pháp đình chỉ glucose thấp (LGS) được tăng cường cảm biến (SAPT) nên được đề nghị để quản lý ĐTĐ cho thanh niên và người trưởng thành mắc ĐTĐ type 1 A (hoặc các loại bệnh đái tháo đường thiếu insulin khác E) cần tiêm nhiều mũi hàng ngày có khả năng sử dụng thiết bị một cách an toàn (tự mình hoặc với người chăm sóc) mà không thể sử dụng/không muốn dùng hệ thống phân phối insulin tự động. Việc lựa chọn thiết bị phải được thực hiện dựa trên hoàn cảnh, mong muốn và nhu cầu của bệnh nhân. A

7.26 Liệu pháp bơm insulin có thể được áp dụng để kiểm soát ĐTĐ cho thanh niên và người trưởng thành mắc ĐTĐ type 2 cần tiêm nhiều mũi hàng ngày có khả năng sử dụng thiết bị một cách an toàn (tự mình hoặc với người chăm sóc). Việc lựa chọn thiết bị phải được thực hiện dựa trên hoàn cảnh, mong muốn và nhu cầu của bệnh nhân. A

7.27 Những bệnh nhân ĐTĐ đã điều trị thành công với truyền insulin dưới da liên tục nên được duy trì tiếp cận phương pháp này thông qua bên thứ 3. E

Hệ thống vòng khép kín tự làm

7.28 Một số bệnh nhân có thể đang sử dụng các hệ thống không được FDA phê duyệt như hệ thống vòng khép kín tự làm và một số hệ thống khác; Nhân viên y tế không thể kê đơn các hệ thống này, tuy nhiên nên hỗ trợ quản lý ĐTĐ để có đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. E

Công nghệ kỹ thuật số trong y tế

7.29 Các hệ thống kết hợp công nghệ và huấn luyện trực tuyến có thể có lợi trong việc điều trị tiền đái tháo đường và đái tháo đường cho một số cá nhân. B

Chăm sóc bệnh nhân nội trú

7.30 Những bệnh nhân có thể sử dụng các thiết bị điều trị đái tháo đường một cách an toàn nên được phép tiếp tục sử dụng chúng trong cơ sở điều trị nội trú hoặc trong quá trình điều trị ngoại trú khi có sự giám sát thích hợp. E

 

Bảng 7.1 — So sánh các tiêu chuẩn về độ đúng của máy đo đường huyết ISO 15197: 2013 và FDA

ĐH = đường huyết; FDA= Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ; ISO= Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế.

Để chuyển đổi mg / dL sang mmol / L, xem endmemo.com/medical/unitconvert/Glucose.php.

* Khoảng đường huyết mà máy đo đã được chứng minh là đúng và sẽ cung cấp kết quả là các chỉ số (không phải thấp, cao hoặc lỗi).

** Các giá trị nằm ngoài vùng A và B “có thể chấp nhận được về mặt lâm sàng” được coi là “chỉ số lệch” và có thể gây nguy hiểm khi sử dụng cho các quyết định điều trị (228).

Chú thích người dịch: Hệ thống lỗi tương ứng (consensus error grid) hay còn gọi là Hệ thống lỗi Parkes (Parkes error grid) được phát triển với vai trò là một công cụ mới để đánh giá độ đúng của máy đo đường huyết. Thời gian gần đây, công cụ này ngày càng được các nhà sản xuất máy đo đường huyết sử dụng nhiều trong các nghiên cứu lâm sàng.

 

Bảng 7.2 – Các chất gây nhiễu cho việc đọc chỉ số glucose

 

Bảng 7.3 — Các thiết bị theo dõi đường huyết liên tục

 

Nguồn: ADA 2023

https://diabetesjournals.org/care/issue/46/Supplement_1

Chia sẻ bài viết