Ceftriaxone – loại thuốc kháng sinh thiết yếu phổ rộng họ cephalosporin thế hệ 3

Ceftriaxone – loại thuốc kháng sinh thiết yếu phổ rộng họ cephalosporin thế hệ 3

Tác giả: Trần Thị Quỳnh Hoa

Mentor: Võ Đức Duy, Ph.D.

 

Ceftriaxone sodium (tên biệt dược Rocephin) là một kháng sinh cephalosporin phổ rộng, bán tổng hợp và vô trùng dùng đường tiêm tĩnh mạch và tiêm bắp với thời gian bán thải dài và khả năng thấm cao vào màng não, mắt và trong tai. Hiện nay, ceftriaxone là thuốc kê đơn, thường được các bác sĩ chỉ định tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch trong các trường hợp: ngăn ngừa nhiễm trùng sau phẫu thuật, hoặc trong điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng bao gồm cả những bệnh nhiễm trùng nặng, đe dọa tính mạng như viêm màng não.

Chỉ định

Chỉ định đường tiêm  cho nhiễm trùng hô hấp, da, mô mềm, UTI, ENT, gây ra bởi S.pneumoniae, H.influenzae, Staphylococci, S.pyogenes (Streptococci tan máu nhóm A), E.coli, P.mirabilis, Klebsiella sp, Staph âm tính vs coagulase.
Ceftriaxone có thể được tiêm bắp sâu, tiêm tĩnh mạch chậm, truyền dịch tĩnh mạch chậm sau phục hồi của dung dịch.

Khi tiêm truyền tĩnh mạch, không được pha loãng bằng những dịch truyền chứa calci, ví dụ như Ringer hoặc Hartmann hoặc dùng đồng thời với các dung dịch truyền tĩnh mạch chứa calci khác bao gồm cả dịch truyền dinh dưỡng thông qua chạc chữ Y  bởi vì có thể gây kết tủa. Tuy nhiêm không có báo cáo nào về tương tác giữa Ceftriaxone và các chế phẩm chứa calci đường uống hoặc tương tác giữa Ceftriaxone tiêm bắp và các chế phẩm chứa calci (đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch).

  • Bệnh nhi:

+ Điều trị nhiễm trùng da và cấu trúc da: 50-75mg/kg cân nặng/ngày chia 2 lần. tổng liều hàng ngày không được quá 2g.

+ Điều trị viêm tai giữa cấp: tiêm bắp đơn liều 50mg/ kg cân nặng (không được quá 1g).

+ Điều trị nhiễm trùng nặng khác (trừ viêm màng não): 50-75mg/ kg cân nặng / ngày chia 2 lần, tiêm cách mỗi 12 giờ (tổng liều không được quá 2g).

+ Điều trị viêm màng não: liều đầu tiên được khuyến cáo là 100mg/ kg cân nặng (không được quá 4g hàng ngày). Sau đó tổng liều mỗi ngày là 100mg/ kg cân nặng (không được quá 4g hàng ngày), trong đó có thể tiêm ngày 1 lần hoặc chia đều liều cho ngày 2 lần sau mỗi 12 giờ. Phác đồ điều trị kéo dài từ 7-14 ngày.

  • Người lớn:

+ Liều hàng ngày: 1-2g (dùng 1 lần/ngày hoặc chia 2 lần/ngày sau mỗi 12 giờ), phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. ( tối đa tổng liều mỗi ngày không được quá 4g).

+ Điều trị nhiễm khuẩn lậu cầu ( thể không phức tạp): tiêm bắp đơn liều 250mg/ngày.

+ Mục đích dự phòng phẫu thuật: tiêm/truyền tĩnh mạch đơn liều 1g trước phẫu thuật 0.5-2 giờ.

Thông thường, điều trị bằng rocephin nên được tiếp tục duy trì ít nhất 2 ngày sau khi dấu hiệu và triệu trứng nhiễm trùng biến mất. Liệu trình điều trị kéo dài từ 4-14 ngày, đối với nhiễm trùng phức tạp có thể kéo dài hơn.

Không cần phải hiệu chỉnh liều đối với bệnh nhân suy thận hoặc suy giảm chức năng gan. Tuy nhiên cần theo dõi lâm sàng đối với bệnh nhân suy giảm đồng thời chức năng gan và thận.

Dược lực học

Ceftriaxone là một kháng sinh betalactam cephalosporin/cephamycin được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn thường gây ra bởi vi khuẩn gram dương  nhạy cảm. Hoạt tính Ceftriaxone in vitro chống lại cả vi khuẩn gram dương và gram âm hiếu khí và kị khí. Hoạt tính kháng khuẩn của Ceftriaxone gây ra sự ức chế tổng hợp thành tế bào do ceftriaxone gắn với protein gắn penicillin (PBPs). Ceftriaxone ổn định và chống lại sự thủy phân bằng nhiều betalactamases, bao gồm penicillinase, cephalosporinase và beta-lactamase phổ mở rộng.

Giống như các cephalosporin thế hệ 3 (cefotaxime, ceftazidime,..) nói chung có hoạt tính in vitro trên các chủng Staphylococci kém hơn các Cephalosporin thế hệ 1 nhưng có phổ tác dụng trên vi khuẩn Gram âm rộng hơn so với cephalosporin thế hệ 1 và 2.

Cơ chế hoạt động

Ceftriaxone làm việc bằng cách ức chế tổng hợp mucopeptide trên thành tế bào vi khuẩn. Cơ chế của beta-lactam là gắn với carboxypeptidase, các endopeptidase, và các transpeptidase ở màng tế bào chất vi khuẩn. Những enzyme này liên quan đến tổng hợp thành tế bào và phân chia tế bào. Bằng cách gắn với những enzyme này, Ceftriaxone gây khiếm khuyết thành tế bào khiếm khuyết và sự chết tế bào vi khuẩn.

Dược động học

Chuyển hóa:

Ceftriaxone không được chuyển hóa toàn thân mà được chuyển thành các chất chuyển hóa không hoạt tính bởi hệ vi khuẩn đường ruột.

Hấp thu:

Nồng độ đỉnh trung bình trong huyết tương sau khi tiêm bắp một liều duy nhất ceftriaxone 1g là 81mg/l và đạt được khoảng 2-3 giờ sau tiêm. Sinh khả dụng sau tiêm bắp là 100%.

Nồng độ đỉnh trung bình trong huyết tương sau khi tiêm tĩnh mạch nhanh một liều lớn 500mg và 1g lần lượt là 120 và 200mg/l. Sau khi truyền tĩnh mạch liều 500mg, 1g, 2g, nồng độ ceftriaxone trong huyết tương tương ứng khoảng 80, 150, 250mg/l

Như vậy sau khi tiêm bắp, nồng độ đỉnh trung bình trong huyết tương của rocephin đạt khoảng một nửa so với tiêm tĩnh mạch liều tương đương

Phân phối:

Thể tích phân phối là 5.78L đến 13.5L

Gắn với 95% protein huyết tương

Thải trừ:

33%-67% của liều ceftriaxone được bài tiết trong nước tiểu nguyên dạng không đổi và phần còn lại được tiết vào mật và cuối cùng được tìm thấy trong phân như một hợp chất bất hoạt vi sinh học. Thời gian bán thải: 5.8-8.7 h.

Tác dụng phụ thường gặp

Các tác dụng phụ toàn thân:

  • Trên hệ tiêu hóa: viêm tụy, viêm miệng và viêm lưỡi
  • Về huyết học: một số bị giảm bạch cầu ( thường xảy ra sau 10 ngày điều trị và khi đã dùng tổng liều thuốc từ 20g).
  • Trên da: hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính và một số ít trường hợp bị phản ứng bất lợi nặng trên da ( hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson hay hội chứng Lyell/hoại tử biểu bì độc tính).
  • Trên hệ thần kinh: co giật.
  • Ngoài ra, có thể gây bội nhiễm trùng và kí sinh trùng.

Các tác dụng phụ hiếm gặp khác: các triệu chứng của hiện tượng tủa muối ceftriaxone calci trong túi mật, vàng da, thiểu niệu, các phản ứng phản vệ và dạng phản vệ.

Chống chỉ định

Quá mẫn: Chống chỉ định Rocephin cho những bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với ceftriaxone hay penicillin hay kháng sinh nhóm beta lactam.

Lidocain: Khi dùng lidocaine làm dung môi tiêm bắp, cần loại trừ những bệnh nhân có chống chỉ định dùng lidocain.

Trẻ sinh non: Rocephin chống chỉ định với trẻ sinh non có tuổi sau kinh chót là 41 tuần (tuổi thai+ tuối sau sinh).

Trẻ sơ sinh tang bilirubin máu:nghiên cứu invitro cho thấy Ceftrixone có thể chiếm chỗ gắn albumin huyết thanh của bilirubin và do đó có khả năng gây ra bệnh lý não do bilirubin ở những bệnh nhi này.

Trẻ sơ sinh và dung dịch tiêm tĩnh mạch chứa canxi: do nguy cơ tạo tủa của ceftriaxone với các dung dịch truyền tĩnh mạch có chứa calci. Có  một số ít trường hợp tử vong đã quan sát thấy chất kết tinh ở phổi, ở đường truyền tĩnh mạch và thận trẻ sơ sinh khi dùng rocephin và dung dịch có chứa calci

Cơ chế kháng thuốc:

Cơ chế kháng ceftriaxone là thủy phân bởi beta-lactamase, thay đổi protein gắn penicillin (PBPs) và giảm khả năng tính thấm.

Tương tác với các chất kháng khuẩn khác: trong một nghiên cứu in vitro, người ta quan sát được hiệu ứng hiệp đối kháng giữa Chloramphenicol và ceftriaxone.

Tài liệu tham khảo:

https://www.drugs.com/rocephin.html

https://www.drugs.com/dosage/rocephin.html

https://pharmog.com/wp/ceftriaxone-rocephin/

Chia sẻ bài viết