Dùng thuốc phòng ngừa bệnh sốt rét trong quản lý bệnh nhân thiếu máu nặng sau xuất viện

Dùng thuốc phòng ngừa bệnh sốt rét trong quản lý bệnh nhân thiếu máu nặng sau xuất viện

Tại một số khu vực ở châu Phi – nơi bệnh sốt rét hoành hành, trẻ em nhập viện với bệnh thiếu máu nặng có nguy cơ tái nhập viện và tử vong cao trong vòng 6 tháng sau khi xuất viện; tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có chiến lược phòng ngừa đề cập đến giai đoạn này.

Phương pháp

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm đa trung tâm, hai nhóm, ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược tại 9 bệnh viện ở Kenya và Uganda, để xác định liệu 3 tháng dự phòng bằng thuốc đối với bệnh sốt rét có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong sau khi xuất viện ở những trẻ dưới 5 tuổi từng nhập viện do thiếu máu nặng hay không. Tất cả trẻ em tham gia thử nghiệm đều được tiếp nhận điều trị nội trú bệnh thiếu máu nặng đúng tiêu chuẩn kèm liệu trình artemether-lumefantrine kéo dài 3 ngày khi xuất viện. Sau khi xuất viện 2 tuần, vào thời điểm tuần thứ 2, 6 và 10 tính từ khi xuất viện, trẻ được chỉ định ngẫu nhiên dùng dihydroartemisinin – piperaquine (nhóm điều trị bằng thuốc) hoặc giả dược, liệu trình 3 ngày. Các em được theo dõi trong vòng 26 tuần sau xuất viện. Kết quả tổng kết các lần tái nhập viện (một hoặc nhiều lần) bất kể nguyên nhân, hoặc tử vong, tính từ lúc phân nhóm ngẫu nhiên cho đến 6 tháng sau xuất viện. Mô hình hóa tập hợp rủi ro có điều kiện của các sự kiện lặp lại được sử dụng để tính toán tỷ số nguy cơ, sử dụng phương pháp Prentice – Williams – Peterson.

Kết quả

Từ tháng 5/2016 đến tháng 5/2018, tổng cộng 1049 trẻ đã được phân nhóm ngẫu nhiên; 524 trẻ được phân vào nhóm phòng ngừa bằng thuốc và 525 trẻ được phân vào nhóm giả dược.

Từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 26 có tổng cộng 184 trường hợp tái nhập viện hoặc tử vong xảy ra ở nhóm phòng ngừa bằng thuốc và 316 trường hợp xảy ra ở nhóm giả dược (tỷ số nguy cơ 0.65; khoảng tin cậy 95% [CI], 0.54 đến 0.78; P <0.001).

Tỷ lệ tái nhập viện hoặc tử vong ở nhóm phòng ngừa với thuốc thấp hơn so với nhóm giả dược chỉ giới hạn trong giai đoạn can thiệp (từ tuần thứ 3 đến tuần 14) (tỷ số nguy cơ, 0.30; CI 95%, 0.22 đến 0.42) và không duy trì sau thời gian đó (tuần 15 đến tuần 26), (tỷ số nguy cơ, 1.13; CI 95%, 0.87 đến 1.47). Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được cho là gây ra bởi dihydroartemisinin – piperaquine.

Kết luận

Ở những vùng sốt rét lây lan mạnh, việc phòng ngừa sốt rét ở trẻ em vừa xuất viện sau điều trị thiếu máu nặng bằng thuốc dihydroartemisinin – piperaquine hàng tháng và kéo dài trong 3 tháng giúp ngăn ngừa các ca tử vong hoặc tái nhập viện (bất kể nguyên nhân) so với nhóm giả dược.

Các bài viết cùng chủ đề

Nghiên cứu tìm ra ứng viên vaccine sốt rét mới

Artesunate

 

Biên dịch:

Đỗ Mỹ Ngọc

Nguyễn Thị Cẩm Trâm

TS. Nguyễn Thị Thanh Vân

 

Tài liệu tham khảo

Titus K.Kwambai, M.D., Ph.D., Aggrey Dhabangi, M.D., Ph.D., Richard Idro, M.D., Ph.D., Robert Opoka, M.D., et al; Malaria Chemoprevention in the Postdischarge Management of Severe Anemia; The NEW ENGLAND JOURNAL of MEDICINE; 3/12/2020; DOI: 10.1056/NEJMoa2002820 https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33264546/

image by anake at freepik.com

Chia sẻ bài viết