Phần 13. Người lớn tuổi – ADA 2023

Phần 13. Người lớn tuổi – ADA 2023

Biên dịch: Vũ Thị Trang, Nguyễn Minh Huy

Hiệu đính: Phạm Duy Tú Anh

 

Lưu ý: A, B, C, D, E là mức độ bằng chứng của các khuyến cáo

13.1. Xem xét đánh giá các khía cạnh về y tế, tâm lý, khả năng tự chăm sóc bản thân, và tương tác xã hội ở người lớn tuổi để xác định mục tiêu và phương pháp điều trị đái tháo đường. B

13.2. Khám sàng lọc để phát hiện các hội chứng lão hóa (tức là dùng quá nhiều thuốc – polypharmacy, suy giảm nhận thức, trầm cảm, tiểu không tự chủ, té ngã, đau dai dẳng và ốm yếu) ở người lớn tuổi, vì các tình trạng này có thể ảnh hưởng đến việc tự quản lý bệnh đái tháo đường và làm giảm chất lượng cuộc sống. B

CHỨC NĂNG NHẬN THỨC

13.3. Khám sàng lọc để phát hiện sớm tình trạng suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ nhẹ nên được thực hiện ở người từ 65 tuổi trở lên ở lần khám đầu tiên, hằng năm và khi thích hợp. B

HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

13.4. Vì người lớn tuổi mắc đái tháo đường có nguy cơ hạ đường huyết cao hơn người trẻ tuổi, nên các đợt hạ đường huyết cần phải được xác định và xử lý khi đi khám định kỳ. B

13.5. Đối với người lớn tuổi mắc đái tháo đường típ 1, việc theo dõi đường huyết liên tục được khuyến cáo để giảm tình trạng hạ đường huyết. A

13.6. Đối với người lớn tuổi mắc đái tháo đường típ 2 sử dụng nhiều liều insulin hàng ngày, nên cân nhắc việc theo dõi đường huyết liên tục để cải thiện kết quả đường huyết và giảm sự biến thiên của đường huyết. B

13.7. Đối với người lớn tuổi mắc đái tháo đường típ 1, việc sử dụng hệ thống phân phối insulin tự động B và các thiết bị phân phối insulin tiên tiến khác như bút kết nối E nên được xem xét để làm giảm nguy cơ hạ đường huyết, dựa trên khả năng của từng cá nhân.

MỤC TIÊU ĐIỀU TRỊ

13.8. Người lớn tuổi khỏe mạnh với ít bệnh mãn tính đồng mắc và có khả năng nhận thức và các chức năng còn nguyên vẹn nên có mục tiêu đường huyết thấp hơn (chẳng hạn như A1C < 7,0 – 7,5% [53 – 58 mmol/mol]), trong khi đó, những người với nhiều bệnh mãn tính đồng mắc, chức năng nhận thức kém và khả năng tự chăm sóc bị phụ thuộc nên có mục tiêu đường huyết ít nghiêm ngặt hơn (chẳng hạn như A1C < 8,0% [64 mmol/mol]). C

13.9. Các mục tiêu về đường huyết đối với một số người lớn tuổi có thể được nới lỏng một cách hợp lý như là một phần của chăm sóc cá nhân, nhưng nên tránh tình trạng tăng đường huyết dẫn đến các triệu chứng hoặc nguy cơ biến chứng tăng đường huyết ở tất cả bệnh nhân. C

13.10. Việc sàng lọc các biến chứng đái tháo đường nên được cá nhân hóa ở người cao tuổi. Cần đặc biệt chú ý đến các biến chứng có thể làm suy giảm chức năng. C

13.11. Điều trị tăng huyết áp đạt đến mục tiêu cá nhân hóa được khuyến cáo ở hầu hết những người lớn tuổi. C

13.12. Điều trị các yếu tố nguy cơ tim mạch khác nên được cá nhân hóa ở người lớn tuổi có xem xét đến khung thời gian hưởng lợi. Liệu pháp hạ lipid máu và liệu pháp aspirin có thể mang lại lợi ích cho những người có tuổi thọ ít nhất bằng với thời gian của các biện pháp phòng ngừa tiên phát hoặc các can thiệp thứ phát. E

QUẢN LÝ LỐI SỐNG

13.13. Dinh dưỡng tối ưu và nạp protein được khuyến nghị ở người lớn tuổi; tập thể dục thường xuyên, bao gồm cả thể dục nhịp điệu, các bài tập gánh chịu sức nặng cơ thể, và/hoặc tập luyện có kháng lực nên được khuyến khích ở tất cả người lớn tuổi có khả năng thực hiện chúng một cách an toàn. B

13.14. Đối với người lớn tuổi mắc bệnh đái tháo đường típ 2, thừa cân/béo phì và có khả năng tập thể dục an toàn, nên cân nhắc lối sống tập trung vào thay đổi chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và giảm cân vừa phải (ví dụ: 5-7%) vì lợi ích của nó đối với chất lượng cuộc sống, khả năng vận động, chức năng thể chất và kiểm soát yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim. A

LIỆU PHÁP DƯỢC LÝ

13.15. Ở người lớn tuổi mắc đái tháo đường típ 2 có nguy cơ hạ đường huyết cao, ưu tiên dùng các nhóm thuốc có nguy cơ hạ đường huyết thấp. B

13.16. Điều trị đái tháo đường quá mức đang phổ biến ở người lớn tuổi và cần được ngăn lại. B

13.17. Việc giảm cường độ các mục tiêu điều trị được khuyến cáo để giảm nguy cơ hạ đường huyết nếu có thể đạt được mục tiêu A1C cá nhân hóa. B

13.18. Việc đơn giản hóa các phác đồ điều trị phức tạp (đặc biệt là insulin) được khuyến cáo để làm giảm nguy cơ hạ đường huyết và sử dụng nhiều thuốc cũng như làm giảm gánh nặng bệnh tật nếu có thể đạt được mục tiêu A1C cá nhân hóa. B

13.19. Xem xét các chi phí chăm sóc và các quy tắc chi trả bảo hiểm khi phát triển kế hoạch điều trị để giảm thiểu rủi ro các loại phí phát sinh cho bệnh nhân. B

ĐIỀU TRỊ Ở CÁC CƠ SỞ ĐIỀU DƯỠNG LÀNH NGHỀ VÀ VIỆN DƯỠNG LÃO

13.20. Xem xét việc giáo dục về đái tháo đường cho các nhân viên của các cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng dài hạn để cải thiện việc quản lý người lớn tuổi mắc đái tháo đường. E

13.21. Bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị tại các cơ sở chăm sóc dài hạn cần được đánh giá cẩn thận để thiết lập các mục tiêu đường huyết cá nhân hóa cho từng người và đưa ra lựa chọn thuốc hạ đường huyết phù hợp dựa trên tình trạng lâm sàng và chức năng của họ. E

13.22. Theo dõi đường huyết liên tục (CGM) nên được cân nhắc để đánh giá nguy cơ hạ đường huyết ở người lớn tuổi được điều trị bằng sulfonylurea hoặc insulin. E

CHĂM SÓC CUỐI ĐỜI

13.23. Khi cần chăm sóc giảm nhẹ ở người lớn tuổi mắc đái tháo đường, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên bắt đầu trò chuyện về các mục tiêu và cường độ chăm sóc. Kiểm soát đường huyết và huyết áp chặt chẽ là không cần thiết E, và có thể cân nhắc việcđơn giản hóa phác đồ điều trị. Tương tự, cường độ quản lý lipid có thể được nới lỏng, và việc ngừng điều trị hạ lipid máu có thể phù hợp. A

13.24. Sự thoải mái tổng thể, ngăn ngừa các triệu chưng khó chịu và duy trì chất lượng cuộc sống và phẩm giá là những mục tiêu chính để quản lý bệnh đái tháo đường vào giai đoạn cuối đời. C

 

Bảng 13.1: Bảng xem xét các mục tiêu điều trị của các chỉ số đường huyết, huyết áp, và rối loạn lipid ở người lớn tuổi mắc bệnh đái tháo đường

 

Bảng 13.2: Các cân nhắc để đơn giản hóa phác đồ điều trị và giảm liều lượng/giảm lượng thuốc kê đơn ở người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường

 

Hình 13.1. Thuật toán để đơn giản hóa phác đồ insulin cho người lớn tuổi mắc ĐTĐ loại 2.

 

Nguồn: ADA 2023

https://diabetesjournals.org/care/issue/46/Supplement_1

Chia sẻ bài viết