Quản lý sử dụng thuốc cai nghiện thuốc lá (NEJM keypoints)

thuoc-cai-thuoc-la

Quản lý sử dụng thuốc cai nghiện thuốc lá (NEJM keypoints)

Quản lý sử dụng thuốc cai nghiện thuốc lá

Hướng dẫn điều trị mới của ATS đã xác nhận Varenicline là thuốc can thiệp sớm hiệu quả và an toàn nhất cho bệnh nhân nghiện thuốc lá trong hầu hết các trường hợp lâm sàng

 

Nguồn Leone FT et al. Initiating pharmacologic treatment in tobacco-dependent adults. An official American Thoracic Society clinical practice guideline. Am J Respir Crit Care Med 2020 Jul 15; 202:e5. (https://www.atsjournals.org/doi/10.1164/rccm.202005-1982ST)

Tổ chức tài trợ ATS (Hội lồng ngực Hoa Kỳ)

Giới thiệu

Năm 2008, USPHS (Dịch vụ Y tế Công cộng Hoa Kỳ) khuyến cáo 7 loại thuốc đầu tay để cai nghiện thuốc lá, nhưng lại không cung cấp hướng dẫn sử dụng thuốc phù hợp cho các trường hợp lâm sàng phổ biến. Theo USPHS, Varenicline được ghi nhận là loại thuốc hiệu quả nhất. Tuy nhiên, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) sau đó đã cảnh báo về các tác dụng phụ của thuốc liên quan đến tâm thần; cảnh báo này đã trở thành cảnh báo đóng khung (boxed warning) vào năm 2009, và bị xóa vào năm 2016 sau khi nhiều nghiên cứu đã chứng minh tính an toàn của thuốc. Tuy vậy, sự kỳ thị được gán cho thuốc Varenicline vẫn còn dai dẳng. Nhằm giải quyết các vấn đề này, ATS đã đưa ra hướng dẫn thực hành mới dựa trên chứng cứ, giúp mở rộng thêm hướng dẫn điều trị của USPHS bằng cách cung cấp các khuyến nghị rõ ràng về việc chọn lựa liệu pháp thuốc đầu tay cho bệnh nhân nghiện thuốc lá.

Khuyến cáo

Khuyến cáo 1: Ở bệnh nhân nghiện thuốc lá đang bắt đầu điều trị, sử dụng thuốc Varenicline như là liệu pháp đầu tay thay vì miếng dán Nicotine hoặc thuốc Bupropion, bởi vì Varenicline có ít tác dụng phụ hơn và hiệu quả vượt trội hơn trong việc cai thuốc lá thời gian dài và liên tục (strong recommendation,)

Khuyến cáo 2: Ở bệnh nhân có bệnh lý tâm thần đi kèm, bao gồm rối loạn sử dụng chất kích thích, trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt và/hoặc rối loạn lưỡng cực, sử dụng thuốc Varenicline như là liệu pháp đầu tay, bởi vì các thử nghiệm không cho thấy các biến cố tâm thần quá mức (strong recommendation,)

Khuyến cáo 3: Ở bệnh nhân chưa sẵn sàng cai thuốc lá, vẫn nên điều trị bằng thuốc Varenicline thay vì đợi cho đến khi bệnh nhân sẵn sàng ngừng sử dụng thuốc lá, bởi vì thuốc Varenicline làm tăng gấp đôi khả năng cai thuốc lá (strong recommendation,)

Khuyến cáo 4: Khi bắt đầu điều trị, khuyến cáo nên sử dụng phác đồ kéo dài thời gian (dài hơn 12 tuần) hơn là phác đồ tiêu chuẩn (6 đến 12 tuần) (strong recommendation)

Khuyến cáo 5: Ở bệnh nhân nghiện thuốc lá đang bắt đầu điều trị, khuyến cáo sử dụng thuốc Varenicline cùng với miếng dán Nicotine thay vì chỉ dùng duy nhất Varenicline (conditional recommendation)

Khuyến cáo 6: Ở bệnh nhân nghiện thuốc lá đang bắt đầu điều trị, sử dụng thuốc Varenicline thay vì thuốc lá điện tử (conditional recommendation)

Chú thích:

  • Strong recommendation: Khuyến cáo nên ưu tiên áp dụng.
  • Conditional recommendation: Khuyến cáo có giá trị tham khảo.
 

Nhn xét ca Bác sĩ Molly S. Brett, ging viên Y khoa ti Đại hc Colorado

Các biện pháp can thiệp dược lý cho người nghiện thuốc lá vẫn hiếm khi được sử dụng, mặc dù USPHS đã cung cấp các bằng chứng chứng minh tính hiệu quả của chúng. ATS đã đưa ra hướng dẫn thực hành mới dựa trên chứng cứ nhằm xóa bỏ các lo ngại về tác dụng phụ liên quan đến tâm thần của thuốc Varenicline, đồng thời có thể khuyến khích các bác sĩ lâm sàng bắt đầu sử dụng thuốc Varenicline cho bệnh nhân nghiện thuốc lá. Các tác giả của hướng dẫn này đã bày tỏ sự ưa thích rõ ràng đối với thuốc Varenicline. Tuy nhiên, người đọc cần lưu ý rằng số người cần được điều trị (NNT-Number Needed to Treat) để có được một bệnh nhân đạt được chế độ cai thuốc lá với Varenicline sau 6 tháng là khoảng 25 (so với miếng dán Nicotine) và 13 (so với thuốc Bupropion); chi phí cho thuốc Varenicline là khoảng 500 USD mỗi tháng, vì vậy các bác sĩ vẫn phải tiếp tục đưa ra các quyết định điều trị tùy thuộc vào từng bệnh nhân.

Nguồn: NEJM journal watch

Dịch: Nguyễn Thái Minh Trận, TS. Võ Đức Duy

Chia sẻ bài viết