Tế bào ung thư cũng có thể “ngủ đông” như loài gấu để tránh quá trình hóa trị khắc nghiệt

Tế bào ung thư cũng có thể “ngủ đông” như loài gấu để tránh quá trình hóa trị khắc nghiệt

Các tế bào ung thư có thể sử dụng cơ chế sinh tồn của quá trình tiến hóa có từ lâu đời để chuyển sang trạng thái phân chia chậm, giúp chúng tồn tại trong môi trường khắc nghiệt gây ra bởi hóa trị hoặc các tác nhân điều trị ung thư khác.

Hầu hết các tế bào ung thư đều có khả năng thực hiện điều này khi bị đe dọa, và sẽ duy trì trạng thái này cho đến khi mối đe dọa biến mất. Quan trọng hơn, nghiên cứu  mở ra một chiến lược điều trị mới nhắm tới mục tiêu cụ thể là các tế bào ung thư ở trạng thái phân chia chậm,có thể ngăn ngừa ung thư tái phát. Ngoài ra, điều này có thể là một cơ chế quan trọng của sự kháng thuốc, và lý giải cho một số vấn đề chưa được hiểu rõ trước đây.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện thử nghiệm trên tế bào ung thư đại trực tràng ở người, sử dụng hóa trị liệu trong đĩa petri tại phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy các tế bào ung thư đi vào trạng thái phân chia chậm, ngừng nhân lên, và sử dụng rất ít dinh dưỡng, duy trì trạng thái này trong suốt thời gian hóa trị. Đây chính là một phương thức tồn tại được hơn 100 loài động vật có vú sử dụng để bảo vệ phôi thai khỏi điều kiện khắc nghiệt và sẽ phát triển bình thường trở lại khi môi trường cải thiện.

Các nhà khoa học đã so sánh cấu hình biểu hiện gen của các tế bào ung thư ở trạng thái phân chia chậm do hóa trị với các phôi chuột bị tạm ngừng phát triển trong phòng thí nghiệm và nhận thấy chúng rất giống nhau.

Tương tự phôi, tế bào ung thư ở trạng thái phân chia chậm cần kích hoạt quá trình tự thực bào (autophagy), trong đó tế bào tự phá hủy protein hoặc các thành phần tế bào khác của chính mình để tồn tại trong điều kiện thiếu dinh dưỡng.

Tiến sĩ O’Brien – Trung tâm nghiên cứu ung thư Princess Margaret (PMCC), Canada đã thử nghiệm một phân tử nhỏ có khả năng ức chế sự tự thực bào, và nhận thấy tế bào ung thư không thể chống lại được hóa trị liệu. Điều này mở ra một hướng mới trong nghiên cứu về kháng hóa trị liệu ở bệnh ung thư, nhắm vào các tế bào ung thư ở giai đoạn phân chia chậm, dễ tổn thương trước khi chúng đột biết gen và kháng thuốc.

Biên dịch: Nguyễn Thùy Trang

Hiệu đính: Lê Huỳnh Tú Mỹ

Tài liệu tham khảo

https://www.sciencedaily.com/releases/2021/01/210107164746.htm?fbclid=IwAR0HJnityoB-1p8kGHqDLTaeaXAaLufIUvn0vo86FZlkNG8Mdu3Nbv9fO0s

Image from Freepik.com

 

Chia sẻ bài viết