THUỐC KHÁNG VIRUS SAO CHÉP NGƯỢC TRONG ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG NHIỄM HIV Ở NGƯỜI LỚN

quan-ly-HIV-dung-thuoc-huong-dan

THUỐC KHÁNG VIRUS SAO CHÉP NGƯỢC TRONG ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG NHIỄM HIV Ở NGƯỜI LỚN

Biên dịch: Đặng Hữu Lễ

Hiệu đính: DS: Lâm Trịnh Diễm Ngọc, TS. Võ Đức Duy

 

I. Tóm tắt

Hướng dẫn này tiếp tục tối ưu hóa trong thực hành trị liệu dựa trên dữ liệu về việc sử dụng các thuốc mới, công thức mới, phối hợp mới trong điều trị và dự phòng phơi nhiễm HIV. Phác đồ kháng virus sao chép ngược (ARTAntiretroviral therapy) được khuyến cáo áp dụng càng sớm càng tốt cho tất cả bệnh nhân sau khi được chẩn đoán HIV. Hầu hết các bệnh nhân có thể bắt đầu với phác đồ 3 thuốc hoặc như hiện tại là 2 thuốc, trong đó có 1 thuốc ức chế enzyme tích hợp (integrase strand transfer inhibitor – InSTIs). Có nhiều sự lựa chọn Phác đồ điều trị cho từng nhóm đối tượng đặc biệt, như phụ nữ mang thai hoặc tình trạng bệnh lý đặc biệt như bệnh thận, bệnh gan, bệnh tim mạch hoặc bệnh cơ hội hoặc các vấn đề sức khỏe khác.

Lần đầu tiên được khuyến cáo trong điều trị là phác đồ ART tác động kéo dài dùng đường tiêm mỗi 4 tuần 1 lần hoặc mỗi 8 tuần 1 lần, đang chờ chấp thuận bởi cơ quan quản lý. Đối với dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP-preexposure prophylaxis), thuốc dùng đường uống hoặc phác đồ ART tác động kéo dài dùng đường tiêm mỗi 8 tuần 1 lần (đang chờ chấp thuận) được khuyến cáo. Theo dõi hiệu quả và an toàn trước và trong suốt liệu trình.

Thành công của phác đồ ART giúp bệnh nhân HIV kéo dài tuổi thọ gần như người bình thường. Và theo đó, số bệnh nhân HIV sống trên 50 tuổi gia tăng đáng kể. Khía cạnh về sự già hóa (aging) ở bệnh nhân HIV được đề cập đến trong hướng dẫn này nhằm tối ưu hóa việc quản lý bệnh nhân HIV cao tuổi.

Vấn đề mới năm 2019 là đại dịch COVID-19 và những tác động đến HIV cũng được đề cập đến.

II. Phương pháp

  • Ban nghiên cứu và chăm sóc HIV quốc tế của IAS-USA (gồm các chuyên gia tình nguyện) đánh giá những bằng chứng liên quan và bản thảo đề nghị để toàn hội đồng xem xét.

Những bằng chứng này được trích xuất từ các bài báo trên PubMed và EMBASE từ tháng 01/2018 đến 22/08/2020 có liên quan đến sự già hóa và HIV.

III. Các khuyến cáo chính

  1. Thời điểm bắt đầu ART

  • Không thay đổi so với báo cáo từ Hội thảo trước (2018), mục tiêu của phác đồ là duy trì tối ưu sức khỏe bệnh nhân và loại trừ lây nhiễm HIV.
  • Ngay sau khi chẩn đoán nếu bệnh nhân sẵn sàng cam kết điều trị (Mức độ bằng chứng: AIa):
  • ART càng sớm càng tốt trong vòng 7 ngày (ART nhanh – rapid ART), hoặc
  • ART ngay lập tức (immediate ART), hoặc
  • ART cùng ngày (same-day ART)
  • Bệnh nhân nhiễm trùng cơ hội: Bắt đầu ART trong vòng 2 tuần kể từ khi bắt đầu điều trị nhiễm trùng (Mức độ bằng chứng: AIa), ngoại trừ:
  • Bệnh nhân lao và số lượng tế bào CD4 >= 50/uL: Bắt đầu ART trong vòng 2-8 tuần kể từ khi bắt đầu điều trị lao (Mức độ bằng chứng: AIa).
  • Bệnh nhân nhiễm Cryptococcal meningitis: Bắt đầu ART sau 4-6 tuần sau khi bắt đầu điều trị kháng nấm (Mức độ bằng chứng: AIa).
  • Bệnh nhân ung thư: Bắt đầu ART ngay lập tức khi được chẩn đoán ung thư, chú ý tương tác thuốc (Mức độ bằng chứng: BIIa).
  1. Phác đồ khởi đầu được khuyến cáo:

    a. Với hầu hết bệnh nhân HIV, Phác đồ khuyến cáo gồm:

  • Phác đồ 3 thuốc: Gồm 2 thuốc ức chế enzyme phiên mã ngược nucleoside (nucleoside reverse transcriptase inhibitorsnRTIs) và một thuốc ức chế enzyme tích hợp (integrase strand transfer inhibitorInSTIs).
  • Bictegravir/tenofovir alafenamide/emtricitabine (Mức độ bằng chứng AIa).
  • Dolutegravir phối hợp với (Mức độ bằng chứng: AIa):
  • Tenofovir alafenamide/emtricitabine
  • Tenofovir disoproxil fumarate/emtricitabine
  • Tenofovir disoproxil fumarate/lamivudine
  • Phác đồ 2 thuốc: Dolutegravir/lamivudine. Không khuyến cáo trong trường hợp:
  • Cần bắt đầu ART nhanh
  • Viêm gan B mạn
  • HIV RNA > 500.000 bản sao/mL
  • CD4 < 200/uL

Ngoại trừ những cảnh báo này, dolutegravir/lamivudine là một lựa chọn hấp dẫn để điều trị HIV vì có thể mang lại lợi thế về chi phí, độ an toàn mà vẫn đảm bảo hiệu quả so với phác đồ 3 thuốc (tỷ lệ ức chế vi rút không thấp hơn phác đồ dolutegravir/tenofovir disoproxil fumarate/emtricitabine).

        b. Phác đồ khuyến cáo cho bệnh nhiễm trùng cơ hội (lao):

  • Dolutegravir (50 mg 2 lần/ngày), efavirenz (600 mg/ngày), hoặc raltegravir (800 mg 2 lần/ngày) phối hợp 2 thuốc nRTIs được khuyến cáo cho phác đồ ART khởi đầu ở người nhiễm HIV có lao dương tính và đang điều trị với phác đồ kháng lao có rifamycin (Mức độ bằng chứng: AIa)
  • Bictegravir phối hợp với rifampin không khuyến cáo do tương tác thuốc (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Tăng cường các chất ức chế protease chỉ được khuyến cáo nếu InSTI hoặc efavirenz không được lựa chọn (Mức độ bằng chứng: AIa); và khi dùng thuốc ức chế protease thì nên thay rifampin bằng rifabutin (150 mg/ngày) trong điều trị bệnh lao nếu có thể (Mức độ bằng chứng: BIII)c. Phụ nữ mang thai:
  • Kết hợp tenofovir disoproxil fumarate/emtricitabine hoặc tenofovir disoproxil fumarate/lamivudine với:
  • Atazanavir/ritonavir (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Darunavir/ritonavir (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Dolutegravir (Mức độ bằng chứng: AIb)
  • Efavirenz (Mức độ bằng chứng: BIa)
  • Raltegravir (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Rilpivirine (Mức độ bằng chứng: BIIa)
  • Dữ liệu ủng hộ phối hợp dolutegravir/tenofovir alafenamide/emtricitabine trong suốt thời kỳ mang thai.
  • Không cần thiết chuyển đổi phác đồ ART các thuốc này khi phát hiện mang thai.
  • Abacavir/lamivudine (Mức độ bằng chứng: BIIa) có thể được sử dụng thay cho một trong các thành phần trong phác đồ nRTI kép trong thời kỳ mang thai, nhưng dữ liệu và kinh nghiệm cho cả hai đều hạn chế hơn.
  1. Chuyển đổi phác đồ ART

  • Xem lại tiền sử sử dụng thuốc theo phác đồ ART của bệnh nhân, khả năng dung nạp, thuốc đồng sử dụng, thực phẩm, chi phí và kết quả kiểm tra kháng thuốc trước đó được khuyến cáo trước khi có bất kỳ sự thay đổi nào (Mức độ bằng chứng: AIa).
  • Đánh giá tải lượng vius HIV được khuyến cáo 1 tháng sau khi chuyển phác đồ (Mức độ bằng chứng: BIII).a. Thay đổi phác đồ khi bệnh nhân đạt được mục tiêu trấn áp virus
  • Bệnh nhân đồng nhiễm HIV và viêm gan B (HBV) khi chuyển đổi phác đồ nên tiếp tục dùng tenofovir alafenamide hoặc tenofovir disoproxil fumarate (Mức độ bằng chứng: AIII) trừ khi có chống chỉ định. Chuyển sang chế độ điều trị bao gồm lamivudine hoặc emtricitabine và loại trừ tenofovir alafenamide hoặc tenofovir disoproxil fumarate sẽ không duy trì được sự trấn áp HBV mãn tính và không được khuyến cáo; Phác đồ trấn áp HBV thay thế được khuyến cáo (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Ở những bệnh nhân sử dụng nRTI có đột biến kháng thuốc, không khuyến cáo chuyển từ phác đồ tăng cường chất ức chế protease (PIprotease inhibitor) sang phác đồ với các thuốc ít bị đề kháng thuốc hơn như nhóm ức chế sao chép ngược không nucleoside (NNRTInonnucleoside reverse transcriptase inhibitor) hoặc raltegravir (Mức độ bằng chứng: AIa).
  • Trong chiến lược trấn áp virus, chuyển từ phác đồ 3 thuốc sang phác đồ 2 thuốc uống là một chiến lược thích hợp để quản lý tác dụng độc hại, tính không dung nạp, tuân thủ, hoặc theo sự ưa chuộng của bệnh nhân miễn là cả hai thuốc đều tác động đầy đủ (Mức độ bằng chứng: AIa). Các phác đồ được khuyến cáo bao gồm dolutegravir/rilpivirine (Mức độ bằng chứng: AIa), phác đồ tăng cường PI với lamivudine (Mức độ bằng chứng: AIa), dolutegravir / lamivudine (Mức độ bằng chứng: AIa) hoặc phác đồ 2 thuốc đường tiêm, tác dụng kéo dài gồm cabotegravir và rilpivirine được dùng 4 tuần một lần (Mức độ bằng chứng: AIa) hoặc 8 tuần một lần (Mức độ bằng chứng: BIb) (đang chờ phê duyệt)
  • Không khuyến cáo đơn trị liệu với PI tăng cường hoặc dolutegravir (Mức độ bằng chứng: AIIa).
  • Xem xét lại các thuốc sử dụng đồng thời để đảm bảo không cần thay đổi liều lượng tenofovir alafenamide (Mức độ bằng chứng: BIII)b. Chuyển đổi phác đồ do thất bại trong điều trị trấn áp virus (Virological Failure)
  • Kiểm tra đề kháng thuốc được khuyến cáo khi bệnh nhân thất bại với phác đồ ART (Mức độ bằng chứng: AIa) hoặc trong vòng 4 tuần kể từ khi ngừng ART (Mức độ bằng chứng: AIIa).
  • Thất bại trong điều trị trấn áp virus (được định nghĩa là mức HIV RNA> 200 bản sao/mL) cần được xác nhận lại và, nếu xác định kháng thuốc nên chuyển sang một phác đồ tích cực khác dựa trên kết quả hiện tại và tiền sử kháng thuốc (Mức độ bằng chứng: BIIa).
  • Không khuyến cáo thêm một thuốc khác vào phác đồ điều trị thất bại (Mức độ bằng chứng: AIa).
  • Dolutegravir phối hợp với 2 thuốc nhóm nRTI (với >=1 thuốc có hoạt tính được xác định bằng xét nghiệm kiểu gen) được khuyến cáo sau khi điều trị ban đầu thất bại với một thuốc nhóm NNRTI (Mức độ bằng chứng: AIa)
  • Liệu pháp tăng cường PI phối hợp với 2 nRTI (với 1 nRTI hoạt động) được khuyến cáo đối với việc điều trị ban đầu thất bại với phác đồ có InSTI (Mức độ bằng chứng: AIII).
  • Dolutegravir (liều 2 lần mỗi ngày) phối hợp với ít nhất 1 nhóm khác hoàn toàn được khuyến nghị trong trường hợp raltegravir hoặc elvitegravir bị đề kháng (Mức độ bằng chứng: BIII).
  • Hiếm gặp thất bại trong điều trị trấn áp virus do đột biến kháng thuốc với PI (Mức độ bằng chứng: AIa). Hỗ trợ tuân thủ hoặc một phác đồ thay thế để cải thiện sự tuân thủ, khả năng dung nạp hoặc cả hai được khuyến cáo (Mức độ bằng chứng: AIII)
  • Trong trường hợp kháng đa nhóm (kháng 3 nhóm), phác đồ tiếp theo nên được sử dụng là các loại thuốc mới nếu có sẵn (Mức độ bằng chứng: BIII); ví dụ, fostemsavir (Mức độ bằng chứng: AIb) hoặc ibalizumab (Mức độ bằng chứng: BII) với ít nhất 1 thuốc bổ sung trong một phác đồ ART tối ưu hóa.
  1. Sử dụng thuốc cho dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và sau phơi nhiễm PEP (Postexposure Prophylaxis)

    a. Sử dụng thuốc cho dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP)

  • PrEP được khuyến cáo cho những đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV (Mức độ bằng chứng: AIa).
  • Việc bắt đầu PrEP được khuyến cáo càng sớm càng tốt cho những cá nhân đã quyết định lựa chọn sử dụng (Mức độ bằng chứng: AIII).
  • Tenofovir disoproxil fumerate/emtricitabine mỗi ngày một lần được khuyến cáo cho PrEP đường uống (Mức độ bằng chứng: AIa).
  • Đối với nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), liều gấp đôi (2 viên) tenofovir disoproxil fumerate/emtricitabine được khuyến cáo vào ngày đầu tiên (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Đối với người MSM có hoặc có nguy cơ bị rối loạn chức năng thận, giảm xương hoặc loãng xương, nên dùng tenofovir alafenamide/emtricitabine hàng ngày (Mức độ bằng chứng: BIa)
  • Liều PrEP đường uống sử dụng phương pháp 2-1-1 (hoặc theo yêu cầu) chỉ được khuyến cáo cho MSM (Mức độ bằng chứng: AIa)
  • Cabotegravir dạng tiêm mỗi 8 tuần một lần được khuyến cáo (đang chờ phê duyệt và tính sẵn có) sử dụng như PrEP cho những người chuyển giới nam và chuyển giới nữ có quan hệ tình dục với nam (Mức độ bằng chứng: AIb)
  • Theo dõi phác đồ PrEP đường uống:
  • Trước khi bắt đầu:
  • Kết hợp xét nghiệm kháng thể và kháng nguyên HIV (mức HIV RNA nếu nghi ngờ HIV cấp tính trên lâm sàng) (Mức độ bằng chứng: AIa)
  • Nồng độ creatinin huyết thanh (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Kháng nguyên bề mặt viêm gan B (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Kháng thể IgG viêm gan C (nếu không biết dương tính trước đó; nếu đã biết là dương tính, xét nghiệm RNA virus) (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Kháng thể IgG viêm gan A cho MSM và người tiêm chích ma túy (nếu không biết có được miễn dịch hay không) (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Xét nghiệm Neisseria gonorrhoeaChlamydia trachomatis đường sinh dục và ngoài đường sinh dục bằng xét nghiệm khuếch đại acid nucleic (NAAT) (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Xét nghiệm bệnh giang mai (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Trong suốt phác đồ PrEP
  • Trong tháng đầu: Kết hợp xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể HIV (Mức độ bằng chứng: BIII)
  • Mỗi quý:
  • Kết hợp xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể HIV (Mức độ bằng chứng: AIa)
  • Ước tính độ thanh thải creatinine (quý đầu tiên và hằng năm sau đó) (Mức độ bằng chứng: AIIa); mỗi 3-6 tháng cho bệnh nhân có hoặc có nguy cơ tổn thương thận (Mức độ bằng chứng: BIIa)
  • Xét nghiệm Neisseria gonorrhoeaChlamydia trachomatis đường sinh dục và ngoài đường sinh dục bằng xét nghiệm NAAT (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Xét nghiệm bệnh giang mai (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Thử thai cho những đối tượng có khả năng mang thai (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Hằng năm:
  • Kết hợp xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể HIV (Mức độ bằng chứng: AIa)
  • Ước tính độ thanh thải creatinine (Mức độ bằng chứng: AIIa)
  • Xét nghiệm kháng thể viêm gan C (mỗi 3-6 tháng cho đối tượng tiêm chích ma túy, MSM có sử dụng chất kích thích khi quan hệ tình dụng nếu xét nghiệm chức năng gan bất thường (Mức độ bằng chứng: BIIa)
  • Đối với những cá nhân đã ngừng PrEP từ 7 ngày hoặc liên tục nhiều ngày, kết hợp xét nghiệm kháng thể và kháng nguyên HIV được khuyến cáo trước khi bắt đầu lại PrEP (Mức độ bằng chứng: BIII)
  • Trong trường hợp không tuân thủ tốt PrEP và nguy cơ phơi nhiễm cao, ngừng PrEP và bắt phác đồ 28 ngày với 3 thuốc PEP được khuyến cáo (Mức độ bằng chứng: CIII)
  • Sử dụng estrogen ngoại sinh hoặc thuốc ức chế androgen bởi những người chuyển giới nam thành nữ có thể làm giảm khoảng 30% nồng độ tenofovir /chất chuyển hóa của tenofovir và giảm khả năng bảo vệ; Khuyến cáo tính toán bổ sung để đảm bảo liều lượng thuốc sử dụng hằng ngày nhằm đảm bảo sự tuân thủ (Mức độ bằng chứng: BIII)b. Dự phòng sau phơi nhiễm (PEP):
  • Phác đồ ART gồm 3 thuốc được khuyến cáo cho PEP trong vòng 24 giờ đầu tiên (lý tưởng) đến 72 giờ sau phơi nhiễm và tiếp tục trong 28 ngày (Mức độ bằng chứng: BIIa)
  • Trong trường hợp nhiễm HIV khi sử dụng PrEP, khuyến cáo chuyển tiếp sang phác đồ có dolutegravir, bictegravir hoặc darunavir tăng cường ritonavir (Mức độ bằng chứng: AIIb), có thể điều chỉnh sau đó theo kết quả thử nghiệm kháng thuốc trên lâm sàng.
  1. Hướng dẫn tạm thời về việc theo dõi đối với thuốc tiêm Cabotegravir dùng cho PrEP

  • Tiêm bắp ở mông với liều 600 mg cabotegravir 8 tuần một lần sau khoảng thời gian 4 tuần đầu tiên giữa 2 lần tiêm đầu tiên (Mức độ bằng chứng: AIb)
  • Xét nghiệm HIV nhanh tại thời điểm chăm sóc nên được thực hiện trước mỗi lần tiêm trước khi cung cấp thuốc tiêm; kết hợp xét nghiệm kháng thể và kháng nguyên nên được thực hiện và gửi đến phòng thí nghiệm nhưng việc tiêm không được trì hoãn trong khi chờ kết quả (Mức độ bằng chứng: AIb)
  • Nếu quên một mũi tiêm, tiếp tục tiêm càng sớm càng tốt sau khi có kết quả thử HIV (Mức độ bằng chứng: AIb)
  • Nếu trễ một mũi tiêm từ 8 tuần trở lên tính từ ngày phải tiêm, sau khi có kết quả xét nghiệm HIV, 2 mũi tiêm đầu tiên thêm vào nên cách nhau mỗi 4 tuần trước khi bắt đầu lại mỗi 8 tuần (Mức độ bằng chứng: AIb).
  • Xét nghiệm các bệnh lây truyền quan đường tình dục (STDs) như với PrEP uống nhưng mỗi 4 tháng (sau mỗi lần tiêm thứ 2) (Mức độ bằng chứng: AIIa).
  • Xét nghiệm men gan nên được theo dõi mỗi 6 tháng (Mức độ bằng chứng: BIb).
  • Trường hợp không thể tiếp tục PrEP đường tiêm nhưng bệnh nhân vẫn có nguy cơ nhiễm HIV, bệnh nhân nên chuyển sang phác đồ PrEP khác được khuyến cáo (Mức độ bằng chứng: AIII).
  • Nếu xảy ra chuyển đổi huyết thanh (seroconversion), yêu cầu xét nghiệm kiểu gen đề kháng integrase và bắt đầu phác đồ kháng sao chép ngược có chất ức chế protease hoặc NNRTIs (Mức độ bằng chứng: BIII).
  • Theo dõi chặt chẽ phản ứng tại chỗ tiêm, sử dụng thuốc giảm đau tại chỗ hoặc toàn thân, chườm đá nóng hoặc lạnh (Mức độ bằng chứng: AIb)
  1. Các khuyến cáo sàng lọc về việc sử dụng nhiều thuốc (Polypharmacy), sự suy yếu (Frailty) và chức năng nhận thức (Cognitive Function) ở bệnh nhân HIV cao tuổi

  • Khuyến cáo theo dõi chặt chẽ và lâu dài việc sử dụng nhiều thuốc trên bệnh nhân HIV cao tuổi (Mức độ bằng chứng: AIII).
  • Khuyến cáo đánh giá khả năng vận động (mobility) và sự suy yếu (frailty) ở những bệnh nhân ≥50 tuổi sử dụng bài đánh giá điểm suy yếu (frailty assessment) đã được xác nhận ở tất cả bệnh nhân HIV (Mức độ bằng chứng: BIa); tần suất cho bài đánh giá sự suy yếu được hướng dẫn bởi những bài đánh giá cơ sở và nên thực hiện thường xuyên (mỗi 1-2 năm) ở bệnh nhân suy yếu hoặc trước khi trở nên suy yếu, và ở những bệnh nhân khỏe mạnh thì ít thường xuyên hơn (có thể lên tới mỗi 5 năm) (Mức độ bằng chứng: BIII)
  • Ở những bệnh nhân suy yếu hoặc trước khi suy yếu, khuyến cáo quản lý việc sử dụng nhiều thuốc, đánh giá tổng quát lão khoa, hoạt động thể thao, vật lý trị liệu và dinh dưỡng (Mức độ bằng chứng: AIII).
  • Khuyến cáo đánh giá chức năng nhận thức hai năm một lần và sử dụng công cụ đã được thẩm định ở bệnh nhân HIV ≥ 60 tuổi (Mức độ bằng chứng: BIII).
  1. Kết thúc đại dịch HIV

Nỗ lực chấm dứt đại dịch HIV bắt đầu từ năm 2014 với sáng kiến 90-90-90, theo đó 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của bản thân, 90% trong số người này sẽ nhận được  điều trị, và 90% số người được điều trị sẽ đạt được mục tiêu trấn áp virus vào năm 2020.

Mặc dù thành công của sáng kiến ​​90-90-90 không chấm dứt đại dịch HIV, nhưng các nghiên cứu dựa trên dân số cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng việc đạt được mục tiêu của sáng kiến 90-90-90 làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do HIV và mô hình này rất hữu ích để đánh giá sự tiến bộ trên toàn thế giới.

  1. Các hướng dẫn mới và xu hướng mới

Nhiều phác đồ mới đang được phát triển, hầu hết trong số này tập trung vào các thuốc với cơ chế tác động mới, kéo dài thời gian bán thải trong huyết thanh hoặc cả hai.

Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 đã có những ảnh hưởng to lớn đến mọi cá nhân trên toàn thế giới, bao gồm cả những người nhiễm HIV. Liệu HIV có phải là một yếu tố nguy cơ độc lập làm cho hậu quả COVID-19 xấu hơn hay không vẫn còn đang được đánh giá. Các bệnh mắc kèm được biết là làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn, chẳng hạn như tuổi cao, bệnh tim mạch, béo phì, đái tháo đường, bệnh phổi mãn tính và hút thuốc lá – những bệnh vốn phổ biến ở những người nhiễm HIV. Vì tất cả những lý do này, những người nhiễm HIV nên được ưu tiên xét nghiệm SARS-CoV-2 và theo dõi chặt chẽ các biến chứng.

Người nhiễm HIV nên được tư vấn về các biện pháp ngăn ngừa COVID-19 như đeo khẩu trang, giãn cách vật lý, tránh xa đám đông hơn 10 người và vệ sinh tay. Không gián đoạn phác đồ ART và ưu tiên thuốc dùng cho 90 ngày thay vì trong 30 ngày (Mức độ bằng chứng: BIII).

Những người nhiễm HIV và dương tính SARS-CoV-2 nên được điều trị giống như những người không nhiễm HIV (Mức độ bằng chứng: AIII).

Tình trạng nhiễm HIV không nên ảnh hưởng đến việc phân loại các can thiệp cứu sống. Các nghiên cứu về tương tác thuốc-thuốc với các thuốc kháng virus thông thường đang được tiến hành và bệnh nhân nên được đưa vào các thử nghiệm lâm sàng bất cứ khi nào có thể. Không có bất kỳ bằng chứng nào khẳng định thuốc kháng virus sao chép ngược cụ thể nào có hoạt tính lâm sàng chống lại SARS-CoV-2. Vì lý do này, những người có HIV không nên thay đổi phác đồ ART với hy vọng rằng bất kỳ loại thuốc kháng virus cụ thể nào sẽ ngăn ngừa hoặc điều trị COVID-19 (Mức độ bằng chứng: AIII).

  1. Những hạn chế

Đầu tiên, những tiến bộ trong khoa học và các liệu pháp mới trong điều trị HIV liên tục ra đời. Do đó, không thể tránh khỏi những thay đổi sẽ xuất hiện giữa các lần cập nhật, như lần này là việc tham gia của thuốc kháng virus sao chép ngược tác động kéo dài trong điều trị và phòng ngừa HIV. Các chuyên gia trong Ban thẩm định vẫn hy vọng những nguyên tắc được thiết lập theo hướng dẫn này sẽ tiếp tục duy trì và phù hợp với những hướng dẫn mới sau này.

Thứ hai, các khuyến cáo là kết quả từ việc xem xét các bài báo từ PubMed và EMBASE cùng các bản tóm tắt được trình bày trong các hội nghị khoa học liên quan. Dữ liệu không được trình bày tại các hội nghị và hiện đã được báo chí đăng tải có thể không được đưa vào dùng làm bằng chứng được sử dụng bởi ban thẩm định.

Thứ ba, các hướng dẫn này được phát triển dựa trên biện pháp chăm sóc lâm sàng ở các quốc gia có thu nhập cao và trung bình và do đó các khuyến cáo có thể không nhất thiết phải áp dụng cho các nước hạn chế về các nguồn lực.

  1. Kết luận

Những tiến bộ trong dự phòng và quản lý HIV bằng thuốc kháng virus sao chép ngược tiếp tục cải thiện sự chăm sóc và kết quả lâm sàng cho những người có nguy cơ nhiễm HIV và những bệnh nhân HIV.

 

Tag: ART, HIV, PrEP, PEP

 

Tài liệu tham khảo

Saag MS, Gandhi RT, Hoy JF, et al. Antiretroviral Drugs for Treatment and Prevention of HIV Infection in Adults: 2020 Recommendations of the International Antiviral. Soicety-USApanel. JAMA.

2020;324(16):1651–1669.doi:10.1001/jama.2020.17025

Hình đại diện từ: https://www.aidsmap.com/news/jun-2020/very-weak-evidence-base-antiretrovirals-treatment-and-prevention-covid-19-say-senior

 

Giải thích mức độ bằng chứng

ĐỘ MẠNH CỦA CÁC KHUYẾN CÁO VÀ MỨC ĐỘ BẰNG CHỨNG
Xếp hạng bằng chứng Định nghĩa
Độ mạnh của bằng chứng
A Mức ủng hộ mạnh
B Mức ủng hộ trung bình
C Mức ủng hộ yếu/ hạn chế
Chất lượng của bằng chứng
Ia Bằng chứng từ ≥1 RCT* được công bố dưới dạng tài liệu đã được bình duyệt
Ib Bằng chứng từ ≥1 RCT được trình bày dưới dạng tóm tắt được bình duyệt tại các hội nghị khoa học

 

IIa Bằng chứng từ các nghiên cứu đoàn hệ hoặc nghiên cứu bệnh chứng đã được công bố dưới đạng  tài liệu được bình duyệt
IIb Bằng chứng từ các nghiên cứu đoàn hệ hoặc nghiên cứu bệnh chứng dưới dạng tóm tắt được bình duyệt ở các hội thảo
III Dựa trên các phân tích từ bằng chứng có sẵn của ban thẩm định

*RCT: Randomized clinical trial – Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên

Chia sẻ bài viết