Những phát hiện đầy hứa hẹn về phẫu thuật giải áp cho bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch não nặng

Những phát hiện đầy hứa hẹn về phẫu thuật giải áp cho bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch não nặng

Huyết khối tĩnh mạch não (CVT) là một loại đột quỵ hiếm gặp. Nó có thể đe dọa tính mạng khi bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu thoát vị não, cho thấy sự gia tăng áp lực quanh những vùng não đảm nhiệm chức năng quan trọng. Phẫu thuật giải áp được khuyến cáo cho các bệnh nhân mắc CVT và có dấu hiệu sắp xảy ra thoát vị não nhưng mức độ bằng chứng cho khuyến cáo này là thấp. Nghiên cứu DECOMPRESS2 nhằm đánh giá lợi ích của phẫu thuật giải áp ở bệnh nhân CVT trong một nghiên cứu quan sát tiền cứu đa trung tâm quy mô lớn. Mức độ tàn phế được đo lường theo thang Rankin khi xuất viện, tại thời điểm 6 và 12 tháng sau phẫu thuật. Ý kiến của bệnh nhân/người chăm sóc về lợi ích của phẫu thuật cũng được ghi nhận.

118 bệnh nhân từ 15 trung tâm ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ được tiến hành phẫu thuật giải áp. Phần lớn những bệnh nhân này là người trẻ (tuổi trung bình 38) và hơn phân nửa là phụ nữ. Hầu hết các cuộc phẫu thuật giải áp được thực hiện trong vòng 1 ngày sau khi chẩn đoán.

Mặc dù có tình trạng lâm sàng nghiêm trọng lúc ban đầu, 2/3  bệnh nhân CVT đã sống sót và hơn 1/3 bệnh nhân có thể sống độc lập ở thời điểm 1 năm sau phẫu thuật giải áp (33,9% bệnh nhân tử vong; 35,6% bệnh nhân có thể sống độc lập; 10,2% bệnh nhân sống phụ thuộc hoàn toàn). Phẫu thuật giải áp được đánh giá là có ích bởi 4/5 bệnh nhân/người chăm sóc.

“Có lẽ sẽ bị xem là phi đạo đức nếu thực hiện chọn ngẫu nhiên những bệnh nhân mắc loại đột quỵ hiếm gặp này, bởi nếu không được phẫu thuật, họ có thể sẽ chết. Các nghiên cứu sâu xa hơn nên tìm cách làm thế nào để làm giảm hơn nữa số ca tử vong ở những người được phẫu thuật” – Người phụ trách nghiên cứu Jose Ferro cho biết thêm.

 

Biên dịch: Lâm Trịnh Diễm Ngọc

Nguồn: ESOC 2021 Daily Highlights

Chia sẻ bài viết