Sau phẫu thuật ghép van động mạch chủ qua đường ống thông, đơn trị với aspirin hay phối hợp với clopidogrel

Sau phẫu thuật ghép van động mạch chủ qua đường ống thông, đơn trị với aspirin hay phối hợp với clopidogrel

Hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu so sánh nguy cơ xuất huyết và thuyên tắc do huyết khối giữa hai liệu pháp kháng tiểu cầu kép và đơn trị ở những bệnh nhân không được chỉ định thuốc kháng đông đường uống kéo dài sau khi phẫu thuật ghép van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI)

Phương pháp nghiên cứu

Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, các bệnh nhân sau thủ thuật TAVI không được chỉ định thuốc kháng đông đường uống kéo dài được chia làm hai nhóm theo tỉ lệ 1:1, một nhóm đơn trị với aspirin và nhóm còn lại được điều trị phối hợp với aspirin và clopidogrel trong vòng 3 tháng. Các kết cục chính bao gồm xuất huyết (mức độ nhẹ, nặng, đe dọa tính mạng hoặc rối loạn chứng năng) và xuất huyết tự phát (không liên quan đến phẫu thuật) trong vòng 12 tháng (phần lớn xuất huyết tại vị trí chọc TAVI được xem là tự phát). Hai kết cục thứ phát ở thời điểm 1 năm sau đó đều được lần lượt kiểm tra tính không thua kém và vượt trội (độ lệch chuẩn không thua kém là 7,5%):

+ Kết cục thứ phát 1 gồm tử vong do nguyên nhân tim mạch, xuất huyết không liên quan đến thủ thuật, đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

+ Kết cục thứ phát 2 gồm tử vong do nguyên nhân tim mạch, đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc nhồi máu cơ tim.

Kết quả

Nhóm đơn trị: chỉ dùng aspirin (n=331); nhóm phối hợp: dùng aspirin và clopidogrel (n=334)

  • Biến cố xuất huyết xảy ra ở 50 bệnh nhân nhóm đơn trị (15,1%) và 89 bệnh nhân nhóm phối hợp (26,6%) (tỷ số nguy cơ 0,57; khoảng tin cậy 95% CI: 0,42-0,77; p=0,001).
  • Xuất huyết tự phát xảy ra ở 50 bệnh nhân nhóm đơn trị (15,1%) và 83 bệnh nhân nhóm phối hợp (24,9%) (tỷ số nguy cơ: 0,61; 95%CI: 0,44-0,83; p=0,005).
  • Kết cục thứ phát 1 xảy ra ở 76 bệnh nhân nhóm đơn trị (23,0%) và 104 bệnh nhân nhóm phối hợp (31,1%) (chênh lệch – 8,2%; 95% khoảng tin cậy không thua kém -14,9 đến -1,5; p <0,001; RR: 0,74; 95% khoảng tin cậy vượt trội: 0,57-0,95; p=0,04).
  • Kết cục thứ phát 2 xảy ra ở 32 bệnh nhân nhóm đơn trị (9,7%) và 33 bệnh nhân nhóm phối hợp aspirin và clopidogrel (9,9%) (chênh lệch −0,2%; 95% khoảng tin cậy không thua kém: −4,7 đến 4,3; p=0,004; RR: 0,98; 95% khoảng tin cậy vượt trội: 0,62-1,55; P = 0,93).
  • Tổng cộng có 44 bệnh nhân nhóm đơn trị (13,3%) và 32 bệnh nhân nhóm phối hợp (9,6%) dùng thuốc kháng đông đường uống trong quá trình thử nghiệm.

Kết luận

Trong số những bệnh nhân trải qua phẫu thuật ghép van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI) không có chỉ định dùng thuốc kháng đông đường uống sau đó, nhóm đơn trị với aspirin có tỷ lệ xuất huyết và thuyên tắc do huyết khối sau 1 năm thấp hơn so với nhóm điều trị phối hợp aspirin và clopidogrel trong 3 tháng.

Biên dịch:

Lê Thị Minh Trang

Nguyễn Thị Cẩm Trâm

Tài liệu tham khảo

Jorn Brouwer et al. (2020), “Aspirin with or without Clopidogrel after Transcatheter Aortic-Valve Implantation, New England Journal of Medicine. 383 (15), pp. 1447-1457.

image: yakimov – www.freepik.com

Chia sẻ bài viết