Polypill có hoặc không có aspirin trên người không có bệnh lý tim mạch

polypill-aspirin-benh-tim-mach

Polypill có hoặc không có aspirin trên người không có bệnh lý tim mạch

Thử nghiệm dạng thuốc phối hợp (polypill) có hoặc không có aspirin trên người không có bệnh lý tim mạch

Một dạng thuốc phối hợp (polypill) gồm một statin, một số thuốc hạ huyết áp và aspirin được thử nghiệm hướng tới giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Phương pháp nghiên cứu

Đối tượng tham gia nghiên cứu là người không có chẩn đoán bệnh tim mạch nhưng có điểm nguy cơ INTERHEART cao. Quần thể nghiên cứu được phân ngẫu nhiên 2x2x2 vào các phác đồ điều trị, với các thuốc cụ thể như sau:

– Polypill (chứa 40mg simvastatin, 100mg atenolol, 25mg hydrochlorothiazide và 10mg ramipril) hoặc giả dược, dùng hàng ngày.

– Aspirin 75mg hoặc giả dược, dùng hàng ngày

– Vitamin D hoặc giả dược, dùng hàng tháng

Bảng 1: Ví dụ về phân nhóm theo phác đồ điều trị

  Polypill Aspirin 75mg Vitamin D Giả dược
Polypill + … Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3
Aspirin 75mg + … Nhóm 4 Nhóm 5
Vitamin D + … Nhóm 6
Giả dược Nhóm 7

 

Trong khuôn khổ báo cáo này, kết quả so sánh được trình bày cho nhóm dùng polypill đơn độc so với nhóm chứng placebo có ghép cặp, nhóm dùng aspirin đơn độc so với nhóm chứng placebo có ghép cặp, và nhóm dùng polypill + aspirin so với nhóm chứng dùng 2 placebo. Ngoài ra, hiệu quả của phác đồ polypill đơn độc và polypill + aspirin cũng được so sánh trên tiêu chí chính là một tiêu chí gộp, gồm có: tử vong do nguyên nhân tim mạch, xuất hiện nhồi máu cơ tim, đột quỵ, có can thiệp hồi sinh tim, có suy tim và cần can thiệp tái thông mạch. Tiêu chí chính đánh giá hiệu quả của phác đồ aspirin đơn độc gồm: tử vong do nguyên nhân tim mạch, xuất hiện nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Tính an toàn cũng được đánh giá.

Kết quả

5713 đối tượng tham gia nghiên cứu đã được phân ngẫu nhiên, thời gian theo dõi trung bình là 4.6 năm. Kết quả như sau:

– Trên nhóm bệnh nhân dùng phối hợp polypill và aspirin, nồng độ LDL cholesterol về huyết áp tâm thu trung bình đều thấp hơn so với nhóm chứng placebo, với khác biệt lần lượt là 19 mg/dL và 5.8 mmHg.

– So sánh hiệu quả polypill đơn độc với placebo: biến cố trong tiêu chí chính xảy ra trên 126 người tham gia (4.4%) ở nhóm dùng polypill đơn độc và 157 người tham gia (5.5%) ở nhóm chứng placebo (HR 0.79; 95% CI, 0.63 – 1.00)

– So sánh hiệu quả aspirin đơn độc với placebo: biến cố trong tiêu chí chính xảy ra trên 116 người tham gia (4.1%) ở nhóm dùng aspirin đơn độc và 134 người tham gia (5.5%) ở nhóm chứng placebo (HR 0.86; 95% CI, 0.67 – 1.10).

– So sánh hiệu quả của phác đồ phối hợp polypill + aspirin với placebo: biến cố trong tiêu chí chính xảy ra trên 59 người tham gia (4.1%) ở nhóm dùng phác đồ phối hợp và 83 người tham gia (5.8%) ở nhóm chứng placebo (HR 0.69; 95% CI, 0.50 – 0.97).

Kết luận

Phối hợp polypill với aspirin cho hiệu quả giảm nguy cơ gặp biến cố tim mạch so với nhóm chứng placebo trên nhóm đối tượng chưa có chẩn đoán bệnh lý tim mạch nhưng có nguy cơ tim mạch ở mức trung bình.

 

Người dịch: Nguyễn Lê Hiệp

 

Tài liệu tham khảo

Yusuf S, Joseph P, Dans A, et al. Polypill with or without Aspirin in Persons without Cardiovascular Disease. N Engl J Med. Published online November 13, 2020:NEJMoa2028220. doi:10.1056/NEJMoa2028220

Chia sẻ bài viết